Chuyển dịch sang khối lao động tự do
Theo thống kê, bình quân mỗi tháng trong năm 2012 có khoảng 500 doanh nghiệp giải thể và phá sản, đồng nghĩa với số người lao động bị mất việc làm cũng tăng lên. Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp bị giải thể từ năm 2011 đến năm 2012 bằng 50% của cả giai đoạn 10 năm vừa qua. Một bộ phận đang có việc làm luôn thấp thỏm với nguy cơ mất việc.
Số liệu thống kê vừa công bố cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010, tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.

Do biến động về kinh tế, lao động khu vực Nhà nước cũng giảm dần qua các quý. Ảnh: Hà Thái
Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Trong khi nhiều doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, lực lượng lao động thiếu việc ở khu vực chính thức đã tìm mọi cách để kiếm việc làm, ở khu vực phi chính thức (khu vực ngoài Nhà nước). Bao gồm người tự tạo việc làm, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Còn lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực Nhà nước có xu hướng giảm dần qua các quý, khoảng 3%.
Như vậy, có thể thấy sức hút từ khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng cao. Người lao động sẵn sàng làm công việc không liên quan đến ngành nghề đã chọn.
Đìu hiu cuối năm
Tình trạng thất nghiệp tăng, việc làm thiếu được nhìn nhận khá rõ trong những tháng cuối năm nay. Nếu những năm trước, thị trường lao động cuối năm thường rất nhộn nhịp khi các doanh nghiệp bắt đầu chiến dịch tuyển công nhân, lao động phục vụ cho các đơn hàng Tết, thì thời điểm hiện tại, thị trường lao động gần như "đóng băng", bởi nhu cầu tuyển dụng không nhiều.
Đáng chú ý là nhu cầu tuyển lao động phổ thông năm nay giảm rõ rệt. Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, hiện có 4 doanh nghiệp ở 18 KCN trên địa bàn ngừng sản xuất.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp khó khăn, do đó nhiều công nhân phải nghỉ hay giãn việc. Những năm trước, vào dịp này 100% công nhân tại nhiều doanh nghiệp phải làm tăng ca, nhưng năm nay thì không. Thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho thấy, có tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.
Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục có xu hướng tinh giản bộ máy nhân sự, đổi mới phương pháp tuyển dụng nhằm sàng lọc, tìm lao động có tay nghề tốt nhất. Cùng thời điểm này năm trước, các doanh nghiệp đã bắt đầu treo băng rôn tuyển lao động thì hiện nay, không khí tuyển dụng khá trầm lắng.
Hiện nguồn cầu lao động chỉ tập trung vào một số ngành nghề thuộc nhóm dịch vụ và kinh doanh bán hàng, nhưng cũng giảm so với các năm trước. Riêng các ngành tài chính ngân hàng, xây dựng hầu như không có. Không chỉ lao động phổ thông mới rơi vào "vòng xoáy" khó tìm việc, giảm ca, giảm giờ làm, nhiều lao động có trình độ cũng chật vật tìm việc.
Thực tế có lao động liên tục đến các phiên giao dịch việc làm tìm việc, nhưng vẫn chưa được công ty nào nhận. Tình trạng việc làm thiếu, kéo theo nhiều hệ lụy về lương thưởng và theo các chuyên gia lao động, sự chuyển dịch sang khối lao động tự do tăng, nhưng những hệ lụy về an sinh xã hội cũng lớn không kém.