CMCN 4.0 còn giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đó đó trong thời gian tới nhu cầu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường lao động cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.
Nhu cầu hơn 1,6 triệu lao động/năm
Trong giai đoạn 2013 - 2018, các tỉnh, TP khu vực phía Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của CMCN 4.0, thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa.
CMCN 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,... đang là yêu cầu cấp thiết.
|
Hiện tại thị trường lao động khu vực phía Nam đang thiếu hụt trầm lực lượng lao động có trình độ chuyên môn trung cấp. Ảnh: Internet |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019 - 2025 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ) trung bình mỗi năm đòi hỏi nhu cầu nhân lực hơn 1,6 triệu người. Trong đó, các nhóm ngành thu hút nhiều lao động đó là: Chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí, tài chính, thương mại, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản; du lịch.
Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh cần nhân lực 300.000 người/năm, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất - Hóa dược và mỹ phẩm).
Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao như quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - nhân viên kinh doanh; tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý); kế toán - kiểm toán; tư vấn - bảo hiểm; pháp lý - luật; nghiên cứu - khoa học; quản lý nhân sự;…
Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm,… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như: Cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh,...
Thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp
Về nhu cầu chọn ngành nghề, theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh hàng năm tại 120 trường THPT trên địa bàn TP năm 2016 - 2017 - 2018 cho thấy:
Đa số các học sinh luôn có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế - Tài chính. Năm 2018, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% (giảm 1,2% so với năm 2017) tập trung vào các ngành: Cơ khí - Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng. Và nhóm ngành Kinh tế - tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,9% (giảm 14,5% so các năm 2017) chủ yếu các ngành: Marketing - Quan hệ công chúng, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán.
Xu hướng các khối ngành nghề khác cũng thể hiện sự thay đổi tích cực như sau: Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn chiếm 17,56%; Công nghệ thông tin (8,84%); Marketing - Quan hệ công chúng (6,82%); Quản lý điều hành (6,27%); Cơ khí - Tự động hóa (5,88%), Biên phiên dịch (3,44%), Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng (2,89%).
Riêng một số các ngành nghề ít được các học sinh THPT quan tâm nhiều như là: Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm (0,8%); Dầu khí - Địa chất (0,17%); Dệt may - Giày da (0,75%),…
Đặc biệt, nhu cầu học đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87%, cao đẳng 7% và Trung cấp chiếm 6%. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường lao động có trình độ trung cấp chiếm cao nhất với 28% trong khi đại học chỉ chiếm 18%.
|
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình nghiên cứu dự báo nhân lực. Ảnh: Huy Chương |
Trước thực trạng trên, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế Quốc tế, Giám đốc Chương trình nghiên cứu dự báo nhân lực cho rằng: Tỷ trọng 28% là cân đối với những người có bằng trung cấp, nếu tính luôn hệ thống công nhân lành nghề bậc cao tương đương trung cấp thì con số này lên đến 35 - 40%.
Dù thị trường lao động cần nguồn nhân lực trình độ đại học, cao đẳng nhưng nhu cầu cao nhất vẫn là lao động có trình độ trung cấp, lao động có tay nghề. Nguồn lực này cần thiết cho sự phát triển của quốc gia và nhu cầu hòa nhập để tiến đến thời đại công nghệ 4.0.
Qua những con số trên, thì hiện nay thị trường lao động tại khu vực phía Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Cứ 10 người bước vào thị trường lao động thì 6 người có trình độ Đại học, 2 người Cao đẳng, 1 người trung cấp, 1 người sơ cấp nghề. Số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp.