Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính vàng vào nhập siêu: Nên cân nhắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dưới góc độ kinh tế, vàng cũng là một loại tiền tệ. Cho nên tính vàng vào kim ngạch xuất khẩu hay nhập khẩu cũng nên cân nhắc xem có phải là hàng hóa hay không.

KTĐT - Dưới góc độ kinh tế, vàng cũng là một loại tiền tệ. Cho nên tính vàng vào kim ngạch xuất khẩu hay nhập khẩu cũng nên cân nhắc xem có phải là hàng hóa hay không.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã nêu ý kiến trên trong cuộc trao đổi với báo giới về tình hình xuất nhập khẩu và thực trạng cán cân thanh toán ngày 1/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh. (Ảnh: nguoihanoi)
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh. (Ảnh: nguoihanoi)

- Chỉ còn một tháng nữa là hết năm 2009, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là khả năng nhập khẩu vàng rất cao.

Trong khi đó, xuất khẩu không hứa hẹn sẽ có tăng đột biến. Liệu có nguy cơ nhập siêu vượt tầm kiểm soát không, thưa Thứ trưởng?

Chủ trương của Bộ Công Thương cũng như Chính phủ là làm sao đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Trước đây chúng ta từng có lúc xuất 1 nhập 3, tức là nhập siêu gần 200% nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ta đã thu hẹp lại, phấn đấu sao cho tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ ở dưới ngưỡng 20%.

Dù vậy, mức nhập siêu như vậy cũng là lớn, vì thế điều hành của Bộ Công Thương là làm sao chỉ nhập những gì thiết yếu đối với sản xuất. Vẫn có hy vọng kiềm chế được ở ngưỡng trên dưới 20%.

- Như thứ trưởng vừa nói, để kiểm soát nhập siêu chỉ cho nhập những mặt hàng thiết yếu và phục vụ sản xuất, nhưng thực tế vừa qua, Việt Nam đã chi khá nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu vàng?

Dưới góc độ kinh tế, vàng cũng là một loại tiền tệ. Cho nên tính vàng vào kim ngạch xuất khẩu hay nhập khẩu cũng nên cân nhắc xem có phải là hàng hóa hay không. Tôi cho rằng, xét về lý thuyết việc đưa vàng vào - ra cũng để cân bằng nhu cầu hơn là hàng hóa.

- Nếu đến cuối năm, nhập khẩu vàng tăng quá mạnh gây sức ép lên cán cân thanh toán, có khả năng Bộ Công Thương sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng hay không, thưa thứ trưởng?

Về việc này chắc chắn Chính phủ sẽ phải cân đối. Bộ Công Thương và NHNN cũng sẽ cố gắng làm sao cho tỷ lệ nhập siêu chỉ trên dưới ngưỡng 20% như mục tiêu đề ra.

Hơn nữa, từ giờ đến cuối năm có một số mặt hàng có khả năng kéo kim ngạch xuất khẩu lên. Ngoài dầu thô, dệt may nhiều khả năng đạt 9,1 - 9,2 tỷ USD, giày dép tầm 4 tỷ USD, thủy sản trên 4 tỷ, đồ gỗ 3 tỷ...

Ngoài ra, năm nay gạo cũng đạt sản lượng xuất khẩu cao kỷ lục, trên 6 triệu tấn, cà phê trên 1 triệu tấn… đều góp phần tăng kim ngạch xuát khẩu, giảm nhập siêu.

 

Cân nhắc vàng như một loại tiền tệ hay hàng hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến con số nhập siêu. (Ảnh: Reuters)
Cân nhắc vàng như một loại tiền tệ hay hàng hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến con số nhập siêu. (Ảnh: Phan Hùng)

- Thứ trưởng nghĩ sao khi hầu hết các nhóm hàng nông sản năm nay đều tăng sản lượng xuất khẩu nhưng giá thấp nên kim ngạch không được như mong muốn, thậm chí nguy cơ bị kiện bán phá giá lại treo lơ lửng trên đầu?

Đúng là một số mặt hàng nông sản ta đang xuất đi với sản lượng hàng đầu trên thị trường thế giới như hạt điều, tiêu đen chiếm vị trí số 1, gạo, cà phê chiếm vị trí thứ 2, cao su thiên nhiên, thủy hải sản thứ 4… Đa số lại xuất tập trung vào một vài thị trường chủ lực, đứng đầu là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Trong bối cảnh đó, các hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương cũng đã có nhiều cảnh báo để đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tránh nguy cơ bị đụng phải các hàng rào bảo hộ thương mại đang có xu hướng tăng trở lại trên thế giới.

Vì vậy, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần nỗ lực khiến hàng hóa Việt Nam “lách” được đều ra hơn 150 nước thành viên WTO, đừng tập trung vào một số chỗ như hiện nay.

Thứ hai nữa là các mặt hàng nông sản nhiệt đới tuy là lợi thế cạnh tranh chắc chắn, thậm chí trong vòng 100-200 năm của Việt Nam nhưng mang tính mùa vụ. Do vậy, khi rộ vụ cung vượt cầu, giáp hạt cầu vượt cung là quy luật tất yếu.

Doanh nghiệp chớ nên kêu la, hốt hoảng chuyện vào vụ, xuống giá, thay vào đó, cần có chính sách giãn cầu, giãn cung, lúc thời vụ có tích trữ, trao đổi với nhau để không bán phá giá trên thị trường trong nước và quốc tế vừa tránh thiệt hại lúc vào vụ thu hoạch.

Chúng ta đang có vị thế cao trên thị trường quốc tế về nhóm hàng này thì phải nắm lấy quyền chi phối chư như hiện nay, vừa thiệt thòi, vừa có nguy cơ bị kiện tụng.

- Thứ trưởng dự báo, triển vọng xuất khẩu sang năm 2010 sẽ thế nào?

Dự báo trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng trên 7% và kinh tế thế giới tức thị trường tiêu thụ của ta tăng dương thì tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt 5-6%. Con số này tuy không được như năm ngoái nhưng cũng thể hiện sự phục hồi.

Dù vậy, những dự báo, chỉ tiêu này cũng chỉ mang tính định hướng còn thực tế phải tùy thuộc vào nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và bộ ngành trong năm tới.

- Xin cảm ơn ông!