Cả hai nước này cùng với một vài quốc gia khác nữa đã từ lâu là quan sát viên của SCO và đã chính thức xin gia nhập SCO. Việc quyết định chỉ kết nạp 2 nước này chứ không phải đồng thời tất cả các nước quan sát viên cho thấy SCO mở rộng tổ chức nhưng có chọn lọc chứ không ồ ạt, chủ ý thêm lượng thì phải thêm được chất chứ không nặng về danh nghĩa mà nhẹ về thực chất.
Ấn Độ và Pakistan là 2 nước lớn nhất và cũng có ảnh hưởng lớn nhất ở mọi phương diện ở khu vực Nam Á. Với việc kết nạp 2 nước này vào tổ chức, SCO đã tiến thêm được một bước rất cơ bản và quan trọng trên con đường từ một diễn đàn an ninh khu vực thuần túy trở thành một tổ chức hợp tác và liên kết khu vực. Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc không thôi trong khuôn khổ quan hệ song phương đã đủ để thể hiện trong chừng mực nhất định sự kết nối 2 châu lục Âu và Á. Với những thành viên hiện tại và thêm Ấn Độ và Pakistan, SCO giờ có đủ điều kiện thuận lợi cần thiết và theo đuổi tham vọng vươn ra xa hơn nữa ở khu vực Trung Á và Nam Á. Nếu được tiếp tục củng cố và phát triển, tăng cường thể chế hóa và đặc biệt là nếu nâng cao được hiệu quả thiết thực của những chương trình và kế hoạch hợp tác và liên kết, SCO có thể nhanh chóng trở thành tác nhân quyền lực mới về chính trị an ninh và kinh tế, thương mại ở khu vực này. Tuy nhiên, để lượng biến thành chất không phải là việc dễ dàng. Việc có thêm thành viên mới gây ra khó khăn phức tạp mới khi dung hòa lợi ích riêng của các thành viên sẽ khó khăn phức tạp hơn, khi trong SCO vẫn còn cạnh tranh nội bộ trên nhiều lĩnh vực và khi mối quan hệ giữa vì SCO và lợi dụng SCO càng khó xử lý ở các nước thành viên cũ cũng như mới.