KTĐT - Ngay sau khi Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội thông báo lấy ý kiến rộng rãi về việc tổ chức 18 tuyến phố, nút giao thông tại Thủ đô, có nhiều chuyên gia “hiến kế” giúp Hà Nội giải bài toán ùn tắc giao thông tại những “điểm nóng” này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết, 18 tuyến phố nằm trong kế hoạch điều chỉnh năm 2010 đều đang xảy ra tình trạng ùn tắc khá nghiêm trọng. Từ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tính toán và đưa ra các phương án phân luồng hợp lý đối với từng nút giao thông.
Không hết ùn tắc, dễ gây tai nạn
Năm 2009, liên ngành GTVT - Công an TP Hà Nội đã tiến hành tổ chức, cải tạo giao thông trên một số tuyến nhằm giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc tại Thủ đô. Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp như đóng dải phân cách tại nút giao thông và mở dải phân cách tại 2 vị trí ngoài nút giao thông để buộc các dòng giao thông phải quay đầu tại các vị trí này; lắp đặt dải phân cách mềm tách nút giao thông thành 2 dòng phương tiện riêng biệt, xe mô-tô 2 bánh và xe ô-tô 4 bánh; lắp đặt, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường...
Đã có 27 ngã ba, ngã tư trên toàn thành phố được phân luồng lại. Theo đánh giá của Sở GTVT, 70 nút giao thông và 5 tuyến đường thường xảy ra ùn tắc (đặc biệt vào giờ cao điểm) đã được cải thiện đáng kể. Các xung đột trực tiếp tại các ngã ba, ngã tư giảm đáng kể và số vụ ùn tắc cũng vì thế mà giảm theo.
Bỏ ra 20.000 USD sẽ có câu trả lời Tiến sĩ Khuất Việt Hùng cho rằng, Sở GTVT TP Hà Nội nên áp dụng những công cụ mô phỏng giao thông hiện đang có sẵn trên thị trường (như các phần mềm VISSUM, AIMSUN hoặc PARAMICS) để tiến hành thu thập số liệu và tiến hành mô phỏng các phương án tổ chức giao thông khác nhau trước khi áp dụng. Chi phí cho việc mua các phần mềm này khoảng từ 10.000 -15.000 USD, cộng với chi phí đào tạo thì khả năng Sở GTVT có thể làm chủ một phần mềm chỉ tốn khoảng 20.000 USD. Sau đó, Sở GTVT chỉ mất một tháng để tiến hành mô phỏng các nút giao thông (như dự kiến) là có câu trả lời thoả đáng |
Tuy nhiên, điều người dân dễ nhận thấy nhất là nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người đi bộ qua đường đã tăng cao hơn trước. Tại các giao lộ, do ít có lực lượng chức năng túc trực, nên phương tiện giao thông cứ vô tư “phóng” bất chấp đèn đỏ. Từ cuối năm 2009 đến nay, cảnh ùn tắc từ 30 phút đến 1 giờ dễ dàng gặp tại nhiều ngã tư được tổ chức phân luồng như: Nguyễn Chí Thanh - Láng - Trần Duy Hưng, Xã Đàn - Ô Chợ Dừa…
Ông Phạm Tuân, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Công trình xây dựng Cienco 5 (người từng tranh luận với Sở GTVT Hà Nội về phân luồng giao thông tại Thủ đô), cho rằng, vẫn cần phải thực hiện phân luồng phương tiện theo cách mà Sở GTVT Hà Nội đang làm. Các giải pháp “chỉnh sửa” lại giao thông tại các ngã ba, ngã tư cũng chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong thời gian từ 5 - 10 năm.
Nên lập rào chắn di động
Theo ông Phạm Tuân, Sở GTVT Hà Nội phải căn cứ vào vị trí nút giao thông, lưu lượng phương tiện, diện tích mặt đường để đưa ra các chỉ số về khoảng cách giữa các giải phân cách mềm, nút thoát cho xe máy, ô-tô,… “Rõ ràng tính toán áp dụng tại một số nút giao thông chưa hiệu quả nên mới gây tình trạng ùn tắc như vừa qua. Giải pháp về lâu dài là phải làm cầu vượt trên cao và đường ngầm dưới lòng đất", ông Tuân nói.
Trong khi đó, Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Đại học GTVT Hà Nội), giải pháp đóng nút giao vĩnh viễn là phù hợp với các nút giao thông nằm giữa các tuyến đường không đồng cấp. “Trong điều kiện giao thông của Hà Nội, lập rào chắn di động sẽ hiệu quả hơn vì ý thức người tham gia giao thông chưa cao”, ông Hùng khẳng định và phân tích thêm: do lưu lượng của giờ cao điểm sáng và chiều chỉ chiếm từ 20 - 25% lưu lượng giao thông qua nút trong một ngày (24 giờ), nên tại một số nút có thể dùng rào di động đóng nút; giờ thấp điểm sẽ điều hành bằng đèn bình thường. Như vậy, 75% lưu lượng phương tiện qua nút mỗi ngày sẽ không phải tăng quãng đường đi lại từ 200 - 300m nữa, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, hạn chế mất an toàn cho phương tiện khi quay đầu tại các lối mở, đặc biệt trong giờ thấp điểm hoặc ban đêm.