Các bạn sinh viên năm nhất trường Đại học Bách khoa Hà Nội muốn được tư vấn về phương pháp học tập tích cực và tự học. Ảnh Trần Long. |
Đề án đặt ra mục tiêu 100% trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và tổ chức giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học. Từ đó, giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.Để phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên (HSSV), đề án đưa ra các giải pháp. Trong đó, tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo. Xây dựng và thực hiện chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa dành cho HSSV.Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa trường học và gia đình trong quản lý, giáo dục HSSV không phạm tội, vi phạm pháp luật. Đồng thời, quan tâm đối với HSSV có hoàn cảnh đặc biệt. Kết hợp chặt chẽ với các hoạt động triển khai Đề án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện phối hợp với công an địa phương tổ chức các mô hình Câu lạc bộ phòng, ngừa tội phạm ở các trường học có đủ điều kiện nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của HSSV tham gia phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Cùng với đó là chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ từ gia đình, cộng đồng dân cư và trường học.