Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý nghĩa tri ân những người lính đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhiều đơn vị nghệ thuật sẽ tổ chức các chương trình nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023).

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tiếp nối thành công của những chương trình kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ hàng năm như: “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “Biển đảo là quê hương”, “Vùng trời bình yên”, chương trình “Đi cùng năm tháng 2023” là lần thứ 5 liên tiếp, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng và thực hiện chương trình nghệ thuật về nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua ngôn ngữ xiếc. Chương trình có các tiết mục, hoạt cảnh được dàn dựng công phu, hấp dẫn như “Cúc ơi!”, “Lê Anh Nuôi”, “Vết chân tròn trên cát”, “Huyền thoại mẹ”, “Hát mãi khúc quân hành”.

Chương trình nghệ thuật xiếc tôn vinh lực lượng chiến sĩ Phòng không, không quân.
Chương trình nghệ thuật xiếc tôn vinh lực lượng chiến sĩ Phòng không, không quân.

Trong đó, hoạt cảnh “Cúc ơi!” - tưởng nhớ tới 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đã được trao giải xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023. Hình ảnh xúc động nhất chính là khoảnh khắc tái hiện sự hy sinh của 10 cô gái bằng tiết mục đu lụa trên cao, từng người bay lên bằng những dải lụa, tạo nên ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Hoạt cảnh “Huyền thoại mẹ” là tiết mục dây da đôi nam nữ. Những động tác xiếc thể hiện hình tượng nhân vật mẹ và con vô cùng thiêng liêng, đặc biệt là động tác tạo hình người mẹ cầm đèn thắp sáng cho con hướng về phía trước. “Những người lính biển” là hoạt cảnh dựa trên thể loại tiết mục Leo cột mang tính thể thao, rèn luyện thể lực cũng như giải trí vui chơi. Chiếc cột - đạo cụ biểu diễn xiếc được hình tượng hóa như những chiếc cột buồm. Hằng ngày, các chiến sĩ hải quân hăng say luyện tập và vui chơi sau những giờ trực chiến vất vả.

Chia sẻ về chương trình, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Chương trình góp phần tri ân các thương binh, liệt sĩ, người có công với Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay nói chung, nghệ sĩ trẻ nói riêng về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Thông qua ngôn ngữ xiếc, thế hệ trẻ sẽ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh, chấp nhận gian khổ của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các hình tượng nhân vật anh bộ đội, cô gái xung phong, chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển đầy sống động trên sân khấu. Các hoạt cảnh được lồng ghép có nội dung trên nền giai điệu ca khúc cách mạng, giúp cảm xúc biểu diễn của các nghệ sĩ thêm thăng hoa, thông qua các nhân vật được ghi nhớ trong lịch sử cách mạng dân tộc”.

Cũng trong tháng 7, Nhà hát Nghệ thuật đương đại - Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật "Vết chân tròn trên cát" vào tối 23/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nghệ thuật “Vết chân tròn trên cát” gồm 3 chương: "Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"; "Dòng sông hoa đỏ"; "Lũy đá bất tử".

Chương trình với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Lam, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Tùng Dương… và đặc biệt là nhạc sĩ Trương Quý Hải - người con Hà Nội, đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới năm 1979 và có những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên từ 1984 – 1985. Trong chương trình “Vết chân tròn trên cát” lần này, nhạc sĩ Trương Quý Hải sẽ xuất hiện trên sân khấu để kể lại những ký ức xúc động về trận chiến năm xưa, nơi mà anh và những người đồng đội của mình đã chiến đấu với ý chí và quyết tâm chiến thắng.

Tổng đạo diễn chương trình, NSND Trần Bình cho biết: 48 năm kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, dư âm về cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam vẫn còn sống mãi trong dòng chảy lịch sử. Những người lính năm xưa ấy đều xuất thân là những người dân bình thường, nhưng khi đất nước cần, họ sẵn sàng lên đường, hi sinh cả tuổi xuân và tính mạng để giành độc lập tự do cho dân tộc, bằng tất cả sức mạnh, ý chí và tinh thần đồng đội bất diệt. Tất cả những dư âm thiêng liêng đó sẽ được tái hiện lại trong đêm nhạc "Vết chân tròn trên cát" với những lời ca tiếng hát, những thanh âm trong trẻo, khí phách hào hùng.

Nhiều hoạt động tại các địa phương

Bên cạnh các hoạt động do các đơn vị nghệ thuật T.Ư tổ chức, nhiều chương trình nghệ thuật sẽ được các địa phương tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Ngày 19/7, tại 2 điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nghĩa trang liệt sĩ A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chủ đề “Bản hùng ca bất diệt”.

 Một tiết mục trong chương trình “Bản hùng ca bất diệt” năm 2022 Ảnh: Trần Huấn.
 Một tiết mục trong chương trình “Bản hùng ca bất diệt” năm 2022 Ảnh: Trần Huấn.

Với thời lượng khoảng 90 phút, chương trình gồm phần lễ “Tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân”. Phần nghệ thuật gồm ba chương: "Việt Nam máu và hoa”; “Những cánh hoa bất tử” và “Khúc tráng ca hòa bình”. Trong phần lễ, tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương dự kiến có sự tham gia của 50 cựu chiến binh, 40 đoàn viên, thanh niên và 30 thiếu nhi tham gia tiết mục hợp xướng nghệ thuật. Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 Điện Biên Phủ sẽ có sự tham gia của Đoàn Nghệ thuật Điện Biên cùng 50 thiếu nhi, 350 đoàn viên, thanh niên, 50 cựu chiến binh cùng thắp nến tưởng nhớ, tri ân.

Điểm khác biệt của chương trình đó là không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác. Đó là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước thiêng liêng, của lý tưởng sống cao đẹp, của sức trẻ phơi phới, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu ban sơ mà son sắt, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu. Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà theo một góc nhìn nhân văn, lãng mạn và rất con người.

Ngày 22/7, tại Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm”. Theo BTC, chương trình gồm hai phần: Lễ thả hoa đăng và nghệ thuật, trong đó điểm nhấn đặc biệt là Lễ thả hoa đăng – “10 tiếng chuông chiêu vọng”, như lời nguyện cầu hôm nay của người cả nước mong ước về một đất nước hòa bình, không còn chiến tranh.

Các chương trình nghệ thuật nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp  Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua Chương trình thể hiện trách nhiệm, tìm cảm, sự tri ân cảu các cấp chính quyền và Nhân dân  đối với công ơn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.