Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em đảm bảo phòng chống dịch Covid-19

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND các cấp tổ chức các hoạt động Tết Trung thu cho trẻ em phù hợp với tình hình của địa phương, cộng đồng dân cư và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Tổ chức Tết Trung thu hằng năm cho trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 31/8 Bộ LĐTB&XH có công văn đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp tổ chức các hoạt động Tết Trung thu cho trẻ em phù hợp với tình hình của địa phương, cộng đồng dân cư và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
 Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức những hoạt động Tết Trung thu cho trẻ em phù hợp với tình hình của địa phương và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Các địa phương tăng cường nội dung, thời lượng, chương trình, sân chơi dành cho trẻ em trên các phương tiện thông tin, truyền thông và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào dịp Tết Trung thu. Đồng thời, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, độc hại, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em.
Để “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh”, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tháng tuổi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 
Bên cạnh đó là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc trẻ em bị nhiễm, trẻ em phải cách ly y tế, trẻ em không có cha, mẹ và người thân chăm sóc do đại dịch Covid-19
Các địa phương quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ trẻ em là con của những người đang ở tuyến đầu chống dịch, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày. Và các địa phương phát huy vai trò của gia đình, cộng động, xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em.