Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa chuyển đổi số tới từng người dân

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại nhiều địa phương trên toàn quốc, Tổ công nghệ số cộng đồng đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số quốc gia của mỗi người dân.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Cự Khê, huyện Thanh Oai hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Ánh Ngọc
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Cự Khê, huyện Thanh Oai hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Ánh Ngọc

Chuyển đổi số tới từng người dân

Nói về vụ na năm nay, một đặc sản của địa phương, ông Lại Văn Hưng (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, chỉ tính riêng từ việc bán trên mạng, thông qua sàn thương mại điện tử đã đạt hơn 100 đơn hàng với số lượng gần 8 tạ. Phương thức kinh doanh trực tuyến mới này giúp thu nhập của ông Hưng tăng đáng kể so với việc buôn bán truyền thống trước đây.

Được biết, ông Hưng không phải là trường hợp duy nhất tại xã Chi Lăng đưa sản phẩm của mình lên bán hàng online. Hiện nhiều mặt hàng nông sản ở đây như xoài, măng, ớt, hành, tỏi khô… đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và có tốc độ tiêu thụ khá tốt. Đáng chú ý, có tới hơn 70% hộ buôn bán tại xã Chi Lăng sở hữu gian hàng trên postmart.vn, một con số rất ấn tượng tại khu vực vốn được cho là khó khăn của tỉnh Lạng Sơn.

Để có được thành quả như hiện tại, ngay từ giữa năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã chọn Chi Lăng là xã điểm để thực hiện phát triển kinh tế số thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, xã thành lập 11 Tổ công nghệ số cộng đồng với 5 - 7 người/tổ có nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp các hộ kinh doanh đăng ký cửa hàng trực tuyến và tài khoản thanh toán điện tử, cũng như hỗ trợ hộ dân mua bán sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Với việc chia nhỏ 2 người phụ trách hướng dẫn 20 hộ dân cũng như hướng vào những người trẻ, thuộc lứa dễ tiếp cận với công nghệ nên quá trình thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ diễn ra được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đây cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy lợi ích của chuyển đổi số có thể gia tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình thay đổi nhận thức về chuyển đổi số tới từng người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng không phải là câu chuyện đơn lẻ của xã Chi Lăng mà hiện đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có 1.684 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 7.700 thành viên, phủ kín 100% các thôn, bản, khối phố trên địa bàn.

Với tôn chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Tổ công nghệ số cộng đồng được xem là có vai trò quan trọng góp phần vào quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất sâu rộng, triệt để cũng như hiệu quả ở Lạng Sơn. Điều này được thể hiện rõ ràng qua việc hiện Lạng Sơn đang xếp thứ 5 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2021.

Tại nhiều tỉnh, TP khác, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ cũng như có tác động tích cực nhằm hướng người dân lên môi trường số. Tính đến tháng 8/2022, toàn quốc đã có 39.631 Tổ công nghệ số cộng đồng với trên 197.532 thành viên tham gia. Trong đó có 10 địa phương đã hoàn thành 100% cấp xã có Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, trong tháng 8 vừa qua, các Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, TDP thuộc các xã Dương Xá, Phù Đổng… cũng đã ra mắt với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố cũng là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Đáng chú ý, các hộ kinh doanh còn được tập huấn kiến thức về thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả bán hàng, thành công trong kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ra mắt Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Thuận Quang, xã Dương Xá. Ảnh: Nam Bắc
Ra mắt Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Thuận Quang, xã Dương Xá. Ảnh: Nam Bắc

Cần sự chung tay của cộng đồng

Nói về vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, mô hình này không chỉ giúp ích cho người dân trong việc tiếp cận với môi trường số mà còn mang lại lợi ích cho các DN, những đối tượng đang chuyển dần sang nền kinh tế số. Theo tính toán, để đào tạo được một người dùng số thì chi phí vào khoảng 5 USD nhưng nếu có sự tham gia của Tổ công nghệ số cộng đồng thì con số này chỉ là 2 USD. Nhìn vào trường hợp Lạng Sơn, khi người dân chuyển sang số hóa thì rõ ràng các DN số sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

"Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, toàn diện Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc thì yêu cầu công việc rất lớn mà nguồn lực cũng như con người của Bộ TT&TT và chính quyền các tỉnh, TP là có hạn. Do đó, cần phải huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng chung tay giải quyết vấn đề và phải tạo ra lợi ích dương cho xã hội cũng như các bên tham gia" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Từ cơ sở trên, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với UBND của 63 tỉnh, TP cùng sự tham của các DN công nghệ lớn để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng cũng như người dân. Đây được xem là hoạt động góp phần gắn kết DN với các địa phương, đồng thời mở rộng thị trường các sản phẩm, dịch vụ cho người dân của DN.

Dự kiến, đến hết năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và tối thiểu 10 triệu lượt người dân. Cách thức thực hiện cũng được làm mới hơn khi tiến hành thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn .

Được biết, sẽ có 6 nội dung quan trọng được bồi dưỡng và tập huấn, bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn; kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản; nội dung quan trọng khác theo định hướng, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Cũng theo Bộ TT&TT, cơ quan này đã có đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn phổ biến đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

 

Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tạo ra các công dân số, công dân số thì tạo ra xã hội số, xã hội số thì tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số thì tạo ra thị trường số, thị trường số thì tạo ra DN số và từ đó hình thành nền kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần