Phú Thọ: nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho các trung tâm hành chính công
Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Phú Thọ, bao gồm trung tâm cấp tỉnh và 148 trung tâm cấp xã, phường, đã cơ bản vận hành ổn định.
Nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của cư dân tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ tăng cao sau khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: Sỹ Hào
Vận hành ổn định, cơ bản hoàn thiện nền tảng kỹ thuật
Theo Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ, đến nay, 100% xã, phường đã bố trí đầy đủ cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm; cơ sở vật chất bước đầu được đảm bảo với trụ sở có từ 2 gian trở lên, trang bị thiết bị thiết yếu.
Hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính cũng duy trì ổn định, đang được tiếp tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân, tổ chức.
Tỉnh đã cấp xong tài khoản cho lãnh đạo, cán bộ, công chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trên hệ thống; hoàn tất cấp tài khoản chứng thực điện tử và cấu hình tài khoản ngân hàng thu phí, lệ phí cho toàn bộ 148 xã, phường.
Hiện có tổng cộng 2.181 thủ tục hành chính đang được công bố, công khai trên địa bàn, trong đó 406 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp xã.
Lực lượng thanh niên tình nguyện tiếp sức hành chính công được huy động tăng cường hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Sỹ Hào.
Tuy vậy, thực tế vận hành cho thấy còn nhiều khó khăn, bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều TTPVHCC cấp xã vẫn còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cấp xã, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, khu vực Hòa Bình cũ hiện vẫn gặp vướng mắc trong công tác đấu giá, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công do chưa thành lập được Trung tâm phát triển quỹ đất.
Một số khó khăn từ thực tế
Khảo sát từ thực tế, PV báo Kinh tế & Đô thị cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ cư dân phản ánh về khó khăn trong giải quyết TTHC hiện nay. Ngoài việc đi lại xa xôi – nhất là với người cao tuổi, thì việc tiếp cận và sử dụng công nghệ cũng là rào cản không nhỏ.
“Tôi ở Thanh Trù, đơn vị hành chính thuộc TP Vĩnh Yên cũ, trước đây các TTHC đều chỉ cần đi một đoạn ngắn là ra xã giải quyết. Nhưng từ sau khi sáp nhập xã, tôi phải đi đoạn đường tầm hơn 4km đến TTPVHCC phường Vĩnh Yên để làm thủ tục hưởng trợ cấp xã hội dành cho những người trên 75 tuổi – lo ngại đường xa, các con đều bận việc nên tôi phải đi từ 4 giờ sáng.
Với một người 76 tuổi như tôi, gần như cả đời không ra khỏi làng xóm, thì việc tiếp cận công nghệ hiện nay vô cùng khó khăn. Giá như các cơ quan chức năng thống kê lập danh sách cụ thể những người già ở địa phương từ 75 tuổi trở lên đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội, và giao cho địa phương ấn định ngày, thông báo cho chúng tôi đến nhận chế độ thì đỡ vất vả hơn” - bà Nguyễn Thị Ngát, cư dân phường Vĩnh Yên chia sẻ.
Đường sá xa xôi và hạn chế trong tiếp cận công nghệ đang là những rào cản trong giải quyết TTHC với nhiều người cao tuổi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ảnh: Sỹ Hào.
Không chỉ vậy, nhiều người dân cũng cho rằng quy trình hoàn tất hồ sơ, giấy tờ xử lý một số TTHC hiện nay vẫn còn kéo dài, chưa như kỳ vọng. “Tôi làm thủ tục đăng ký cho con chuẩn bị nhập học, trước đây chỉ cần đem giấy báo điểm và bằng tốt nghiệp phô tô kèm đơn xin xác nhận ra xã thì trong cùng lắm một buổi sáng là xong. Tuy nhiên hiện nay, quy trình xác nhận có khi mất cả ngày, thậm chí phải 3 ngày đi lại nhiều lần mới xong” – anh Nguyễn Văn Bình, cư dân phường Vĩnh Phúc phản ánh.
Cũng theo nhiều cư dân, các thủ tục như xác định lý lịch, xác định đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp xã hội là công việc đơn giản trong điều kiện hiện nay – VneID, công nghệ số, nền tảng số đã len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội. Còn các thủ tục khác ví dụ như liên quan đến xác minh tài sản, đăng ký quyền sử dụng đất... mất nhiều thời gian để xác minh, đối chiếu thì cũng cần rút ngắn các quy trình, thủ tục để tiết kiệm thời gian và đi lại của cư dân.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, xử lý tồn đọng trước ngày 20/7
Liên quan đến các vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông đã có chỉ đạo và khẳng định, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay cơ bản các TTPVHCC cấp xã đã vận hành ổn định, thông suốt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là với các thủ tục trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện nay chuyển về cấp xã, nhất là lĩnh vực đất đai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tăng cường đi thực tế cơ sở để nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các xã, phường phối hợp chặt chẽ với VNPT, Viettel củng cố, nâng cấp đường truyền, đảm bảo hoạt động thông suốt tại các trung tâm phục vụ hành chính công.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ tập trung rà soát, hoàn thiện chữ ký số, đăng ký tài khoản trực tuyến; chủ trì tổng hợp tài sản, thiết bị cần thiết của các trung tâm để đề xuất phương án xử lý, khắc phục sớm. Đối với những TTHC còn tồn đọng, yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm xong trước ngày 20/7/2025.
Phú Thọ: huy động hơn 2.000 đoàn viên tham gia tiếp sức hành chính công
Kinhtedothi - Thực hiện Tháng cao điểm tình nguyện, đồng loạt 148 đoàn xã, phường tại tỉnh Phú Thọ đã triển khai đội hình “Thanh niên tiếp sức hành chính công”. Hơn 2.000 đoàn viên, sinh viên và học sinh cùng công chức trẻ đã trực tiếp tham gia hỗ trợ tại các trung tâm một cửa.

Phú Thọ: quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6
Kinhtedothi - Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hòa Bình (cũ), hoàn thành GPMB trước 30/9/2025.
Phú Thọ: tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính sau hợp nhất 3 tỉnh
Kinhtedothi - Sau sắp xếp đơn vị hành chính, hệ thống chính quyền hai cấp tại tỉnh Phú Thọ bước đầu vận hành ổn định, thực tế triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, thông suốt.