Tòa án nhân dân cấp tỉnh được trao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm từ 1/7/2025
Kinhtedothi - Từ ngày 1/7/2025, Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh chính thức được trao thêm thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị. Đây là một bước điều chỉnh quan trọng trong cơ chế phân cấp thẩm quyền xét xử, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm từ ngày 1/7/2025.
Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND cấp tỉnh
Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Theo khoản 4 Điều 1 của Luật sửa đổi, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”.
Trước đó, theo Điều 66 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), hệ thống Tòa án được tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, trong đó TAND cấp cao chấm dứt hoạt động, TAND cấp huyện không còn là một cấp tòa án độc lập.
Từ đó, TAND cấp tỉnh trở thành trung tâm xét xử mới, đảm nhiệm cả 3 cấp độ tố tụng: sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.
Phạm vi thẩm quyền của TAND cấp tỉnh từ ngày 1/7/2025
Cùng với thẩm quyền mới, TAND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bao gồm: xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động, hôn nhân - gia đình có tính chất phức tạp hoặc do TAND khu vực chuyển lên; xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giải quyết yêu cầu hủy bỏ hoặc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại; tự mình thụ lý sơ thẩm các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND khu vực khi xét thấy cần thiết.
Sự mở rộng thẩm quyền này đòi hỏi đội ngũ thẩm phán cấp tỉnh phải nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghiệp vụ và trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm bảo đảm xét xử lại đúng đắn những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn tranh cãi về tính hợp pháp và khách quan.
Cơ cấu tổ chức và chức năng chuyên biệt hóa rõ ràng
Theo Điều 56 Luật Tổ chức TAND năm 2024 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2025), TAND cấp tỉnh được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, bao gồm: Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh; các tòa chuyên trách: tòa hình sự, tòa dân sự, tòa hành chính, tòa kinh tế, tòa lao động, tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định thành lập thêm Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao. Bộ máy giúp việc gồm thẩm tra viên, thư ký tòa án và công chức chuyên môn.
Bên cạnh đó, TAND cấp tỉnh có đầy đủ các chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật: chánh án, phó chánh án, chánh tòa, phó chánh tòa, thẩm phán, thư ký tòa án, thẩm tra viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn chuyển đổi tổ chức.
Tăng quyền - tăng trách nhiệm - đảm bảo kiểm soát quyền lực trong tố tụng
Việc phân cấp thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND cấp tỉnh là sự điều chỉnh đáng chú ý trong tổ chức quyền lực tư pháp. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý các vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn tranh chấp, mà còn tăng tính tự chủ và trách nhiệm của tòa án địa phương.
Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng thẩm quyền, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử không bị lạm quyền, đồng thời tránh tình trạng tùy tiện trong việc xem xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
“Tăng quyền là cần thiết, nhưng kiểm soát quyền cũng phải đủ mạnh” - TS. Luật sư Hồ Minh Khánh trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị.
Trước những thay đổi lớn về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh theo Luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS. Luật sư Hồ Minh Khánh để làm rõ những tác động pháp lý và yêu cầu đặt ra đối với cơ quan xét xử địa phương trong giai đoạn mới. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:
Phóng viên: Việc trao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND cấp tỉnh từ 1/7/2025 được nhìn nhận là một bước cải cách lớn. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
TS. Luật sư Hồ Minh Khánh: Tôi cho rằng đây là một bước đi đúng hướng và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Khi TAND cấp cao chấm dứt hoạt động và TAND cấp huyện không còn là một cấp độc lập, thì việc tái định vị vai trò của TAND cấp tỉnh là điều hợp lý và cần thiết.
Việc bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ giúp rút ngắn quy trình tố tụng, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, đồng thời giảm tải cho TAND tối cao. Quan trọng hơn, điều này thể hiện định hướng phân cấp thực chất, gắn quyền hạn với trách nhiệm xét xử tại địa phương.
Phóng viên: Theo ông, cần lưu ý điều gì để không lạm dụng cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm?
TS. Luật sư Hồ Minh Khánh: Đây là hoạt động tố tụng đặc biệt, chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng về thủ tục hoặc sai lầm rõ ràng trong nội dung bản án. Nếu không kiểm soát tốt, sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính ổn định pháp lý, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống tòa án.
Do đó, cần thiết phải thiết lập quy trình nội bộ chặt chẽ trong từng TAND cấp tỉnh, xác định rõ tiêu chí tiếp nhận kháng nghị, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch quá trình xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực. Ngoài ra, TAND tối cao vẫn phải thực hiện vai trò định hướng, giám sát và tổng kết thực tiễn xét xử toàn ngành.
Phóng viên: Ông có nhìn nhận gì về xu hướng phát triển Tòa án địa phương trong tương lai?
TS. Luật sư Hồ Minh Khánh: Tôi cho rằng, đây là tiền đề cho việc hình thành một mô hình Tòa án hiện đại - nơi thẩm phán không chỉ là người xét xử mà còn tham gia giám sát, hiệu chỉnh pháp luật thông qua thực tiễn giải quyết vụ việc.
TAND cấp tỉnh cần phát huy vai trò trung tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, xây dựng văn hóa xét xử dựa trên trách nhiệm cá nhân, chuẩn mực đạo đức và năng lực pháp lý vững vàng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ngành
Kinhtedothi - Sáng 1/7, tại Kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND thành phố đã công bố các quyết định bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành trực thuộc. Đây là đợt kiện toàn nhân sự quan trọng sau khi địa giới hành chính Đà Nẵng - Quảng Nam chính thức hợp nhất từ 0 giờ ngày 1/7/2025.

Ông Nguyễn Chí Công giữ chức Chánh án TAND TP Đà Nẵng
Kinhtedothi - TAND Tối cao vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Công - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng - giữ chức Chánh án TAND TP Đà Nẵng sau sáp nhập, kể từ ngày 1/7/2025.

Thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) với nhiều điểm mới
Kinhtedothi - Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) với kết quả 94,25% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.