Bên kia biên giới “việc nhẹ lương cao”: lời kể từ những nạn nhân
Kinhtedothi – Tin lời “việc nhẹ lương cao” ở Thái Lan, nhiều thanh niên Quảng Ngãi bị đưa sang Myanmar, ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo xuyên quốc gia. Muốn được thả về, họ phải nộp hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.
Những cạm bẫy xuyên biên giới
Dù đã trở về gần một tháng, L.Q.Đ (26 tuổi, trú xã Long Phụng, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa thể ngủ yên. Những ký ức bị giam lỏng, bị đe dọa, bị ép làm việc cho đường dây lừa đảo xuyên quốc gia ở Myanmar vẫn in hằn trong anh.

Công an tỉnh Quảng Ngãi làm việc với thanh niên từ Myanmar trở về (ảnh:CACC)
“Họ nhốt tôi với hơn 200 người Việt trong một tòa nhà kín mít có camera giám sát và lính canh. Mỗi người được phát một máy tính, 2 điện thoại và nhiều tài liệu hướng dẫn lừa đảo. Nhiệm vụ là lừa người trong nước chuyển tiền. Không được thì bị đánh. Muốn về thì phải nộp hàng trăm triệu đồng gọi là "phí đền bù hợp đồng” - Đ kể.
Hành trình đưa anh đến chốn tăm tối ấy bắt đầu từ những cuộc trò chuyện trên Facebook. Một người quen rủ Đ sang Thái Lan làm việc nhẹ lương cao, 20 triệu đồng/tháng. Thấy lời mời hấp dẫn, Đ đồng ý lên đường với hy vọng đổi đời.
Nhưng sau khi đặt chân đến Thái Lan, nhóm môi giới lập tức đưa anh vượt biên sang Myanmar. Mọi thứ biến thành ác mộng: điện thoại, giấy tờ bị tịch thu; bị giám sát nghiêm ngặt; làm việc từ sáng đến khuya trong căng thẳng và sợ hãi. Hễ không đạt “chỉ tiêu” là bị hành hung, đe dọa...
L.T.T (36 tuổi, ở xã Vạn Tường) cũng vừa về nước sau chuỗi ngày bị lừa. Có nhu cầu việc làm, T lên Facebook tìm kiếm và được một tài khoản rủ sang Thái Lan với lời hứa hẹn hấp dẫn "việc nhẹ lương cao", gần 20 triệu đồng/tháng. T cứ nghĩ tìm được cơ hội tốt, không thể ngờ đó là cái bẫy giăng sẵn.
"Qua tới Thái Lan, họ tiếp tục chuyển tôi sang Myanmar. Ở đó, tôi bị ép chỉnh sửa thông tin trên các tài khoản Facebook giả, rồi chuyển cho nhóm khác tiếp tục "dụ" người Việt chuyển tiền. Mọi bước đều có hướng dẫn cụ thể, bài bản như một công ty thật. Nhưng đó là một ổ lừa đảo xuyên quốc gia” - T kể.
T và Đ chỉ là hai trong số hàng nghìn người Việt đang hoặc từng bị bán vào các trung tâm lừa đảo nằm dọc khu vực Tam Giác Vàng. Nhưng may mắn hơn, họ được lực lượng chức năng Myanmar phát hiện và trục xuất về nước.

Có rất nhiều người là nạn nhân của các nhóm buôn người và tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia. (ảnh: CACC)
Từ lời kể của các nạn nhân, có thể thấy thủ đoạn của các nhóm buôn người và tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia ngày càng tinh vi. Chúng thường dụ dỗ thanh niên qua mạng xã hội, mời gọi đi Thái Lan làm việc với mức lương hấp dẫn.
Nhưng khi đến nơi, nạn nhân bị đưa sang Myanmar, vào các khu vực do tổ chức tội phạm kiểm soát. Tại đây, họ bị ép ký “hợp đồng lao động”, bị tước hộ chiếu, giam giữ và buộc làm việc từ 12-17 giờ mỗi ngày. Ai không đạt "chỉ tiêu" sẽ bị đe dọa, đánh đập hoặc bán sang các nhóm khác. Việc chuộc thân có thể tốn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo thống kê, hiện khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan vẫn còn khoảng 100.000 người đang bị bóc lột trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến.
Thượng tá Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi, khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần tuyệt đối cảnh giác trước các lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội, ứng dụng phổ biến như Facebook, Zalo, Tiktok...
“Không nên cung cấp thông tin, giấy tờ cá nhân cho người lạ qua mạng. Nếu có nhu cầu đi lao động nước ngoài, cần tìm hiểu thông qua công ty, tổ chức được Nhà nước cấp phép. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để được hỗ trợ” - Thượng tá Đức nói.

Danh sách nhân sự đứng đầu các sở, ngành của Quảng Ngãi sau sáp nhập
Kinhtedothi - Chiều 1/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ.

Ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp: Quảng Ngãi vào guồng ổn định
Kinhtedothi - Sáng 1/7, tại xã Bình Sơn - đơn vị hành chính đông dân nhất tỉnh Quảng Ngãi với hơn 89.000 người sau sáp nhập đã hoàn tất các cuộc họp quan trọng, ban hành văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ và quy chế làm việc.

Quảng Ngãi: gia tăng ca tay chân miệng, nhiều trẻ biến chứng nặng
Kinhtedothi-Trong 6 tháng, số ca mắc tay chân miệng tại Quảng Ngãi tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại, nhiều trẻ phải nhập viện với biểu hiện biến chứng nặng, trong bối cảnh nguy cơ “dịch chồng dịch” đang hiện hữu.