Tòa án tối cao Mỹ có thể không có tiếng nói cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, bất chấp việc Tổng thống Trump đã đệ đơn kiện phản đối kết quả tại các bang “chiến trường”.
Tòa án tối cao có thể không đưa ra phán quyết cuối cùng về người giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. |
Trong khi ông Trump muốn Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc này hãy còn quá sớm và đó có thể không phải là trọng tài cuối cùng trong cuộc bầu cử.
Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc bỏ phiếu qua thư trong chiến dịch bầu cử, cho rằng việc này có thể dẫn đến gian lận trong quá trình kiểm phiếu. Cũng liên quan đến vấn đề này, hôm 4/11, ông Trump tuyên bố: “Đây là một vụ gian lận lớn đối với quốc gia của chúng ta. Chúng tôi muốn luật pháp can thiệp, vì vậy, chúng tôi sẽ chuyển việc này đến Tòa án Tối cao. Chúng tôi muốn dừng việc kiểm phiếu”.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã đệ nhiều đơn kiện, mở đường cho việc phản đối kết quả tại các bang chiến trường có thể quyết định kết cục diện cuộc đua Nhà Trắng.
Ngày 4/11, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết đã đệ đơn yêu cầu tòa án tạm dừng việc kiểm phiếu tại bang Pennsylvania với lý do các lá phiếu qua thư không được tiếp cận và giám sát một cách công bằng.
Theo chiến dịch tranh cử của Trump, động thái này nhằm ngăn các quan chức đảng Dân chủ trong bang "che giấu" quy trình kiểm phiếu khỏi các quan sát viên của đảng Cộng hòa.
Luật sư Jenna Ellis của ông Trump hôm 4/11 lên tiếng bảo vệ quyết định gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao về việc kiểm phiếu tại các bang chiến trường. "Ông Trump muốn đảm bảo rằng cuộc bầu cử không bị đánh cắp" - luật sư Ellis phát biểu trên kênh Fox Business Network.
Chiến dịch tranh cử của Trump đã đệ đơn một vụ kiện tương tự trước đó tại bang Michigan, yêu cầu dừng việc kiểm phiếu ở bang này.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng khó có khả năng tòa án chấp nhập đề nghị từ phía ông Trump để dừng việc kiểm đếm các lá phiếu đã nhận được trước hoặc vào ngày bầu cử, hoặc bất kỳ tranh chấp nào sẽ thay đổi quỹ đạo của cuộc đua ở các bang chiến trường như Michigan và Pennsylvania.
Tổng thống Trump đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố gian lận của mình hoặc nêu chi tiết vụ kiện tụng mà ông sẽ theo đuổi tại Tòa án Tối cao.
Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù có thể có những phản đối liên quan đến thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu nhưng vẫn chưa rõ liệu những tranh chấp như vậy có quyết định kết quả cuối cùng hay không.
Ned Foley - chuyên gia về luật bầu cử tại trường Đại học bang Ohio, cho biết cuộc bầu cử hiện tại không có các yếu tố có thể tạo ra tình huống như trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, giữa ông George W. Bush và ứng viên đảng Dân chủ Al Gore. “Còn rất sớm nhưng tại thời điểm hiện tại, dường như khó có khả năng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ ra phán quyết về tân Tổng thống Mỹ năm 2020” – ông Foley cho hay.
Trong khi đó, David Boies, người đại diện cho Gore vào năm 2000, nói rằng không có khả năng chiến dịch Trump sẽ thành công trong nỗ lực thứ ba có thể để chặn thời hạn kéo dài.
Hiện ông Trump đang có lợi thế ở Pennsylvania nhưng hàng trăm ngàn phiếu bầu qua thư sẽ được kiểm và tiếp thêm sức mạnh cho ông Biden. Ông Trump gần như không thể tái đắc cử nếu không thắng ở Pennsylvania.
Trong khi đó, tại bang Michigan, ông Trump đã thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ông Biden hiện có 264 phiếu, chỉ còn cách 6 phiếu để trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Các chuyên gia pháp lý cho biết nếu ông Biden giành được 270 phiếu đại cử tri mà tính số phiếu đại cử tri của Pennsylvania, khả năng xảy ra một cuộc chiến pháp lý ở bang này sẽ giảm.
Steve Vladeck, giáo sư tại trường Đại học Luật Austin ở Texas cho biết: “Tôi nghĩ rằng Tòa án Tối cao sẽ từ chối mọi nỗ lực của Tổng thống Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông nhằm rút ngắn quy trình pháp lý thông thường./.