Tòa án yêu cầu gì trước khi mở phiên xử các bị cáo Công ty Alibaba?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 23 bị cáo vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” tại công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, tòa đã có thông báo về việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên sơ thẩm, gửi luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Tại thông báo số 9689/2022/TB-TA của TAND TP Hồ Chí Minh, cho biết đang giải quyết vụ án hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Rửa tiền” xảy ra tại công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (công ty Alibaba).

Nguyễn Thái Luyện (ngồi giữa, chủ mưu) cùng 2 đồng phạm trước khi bị bắt còn huênh hoang trên kênh Youtube của Công ty Alibaba. Ảnh tư liệu.
Nguyễn Thái Luyện (ngồi giữa, chủ mưu) cùng 2 đồng phạm trước khi bị bắt còn huênh hoang trên kênh Youtube của Công ty Alibaba. Ảnh tư liệu.

Tòa án dự kiến đưa vụ án ra xét xử vào ngày 12/8, tại trụ sở TAND TP Hồ Chí Minh, số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1. Những người tiến hành tố tụng, gồm: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa Trần Minh Châu; Thẩm phán Phạm Viết Hùng; Thẩm phán dự khuyết Nguyễn Văn Hà và bà Đoàn Thị Hương Giang.

Các Hội thẩm Nhân dân, gồm: Ông Huỳnh Trường Sơn, Lê Giáo và bà Võ Thị Nam. Hội thẩm Nhân dân dự khuyết: Ông Nguyễn Tùng, bà Lê Thị Xuân Lang.

Thư ký phiên tòa, gồm: Ông Lý Lê Trọng Nghĩa, bà Nguyễn Thị Oanh, ông Hồ Ngọc Trường. Thư ký các khuyết: Ông Lê Trọng Hưng.

Đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, gồm các kiểm sát viên: Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền, Châu Hoàng Sơn. Kiểm sát viên dự khuyết, gồm: Ngô Phạm Việt, Võ Đức Trị, Trương Bảo Ngọc.

Trong vụ án này có 23 bị cáo, có 4.361 bị hại với số tiền 2.264 tỷ đồng, có 31 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Do đó TAND TP Hồ Chí Minh ban hành thông báo cho những người bào chữa có một số quyền.

Trong vụ án tại Công ty Alibaba, có 31 luật sư bào chữa cho 23 bị cáo, 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại.
Trong vụ án tại Công ty Alibaba, có 31 luật sư bào chữa cho 23 bị cáo, 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại.

Cụ thể, theo điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự, những người bào chữa cho bị cáo có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này, đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

Ngoài ra, người bào chữa còn có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng…

Thông báo của thẩm phán Trần Minh Châu cũng cho rằng do vụ án có tính chất phức tạp với số lượng đương sự đặc biệt lớn, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền của người bào chữa khi thực hiện bào chữa cho các bị cáo, TAND TP Hồ Chí Minh thông báo đến người bào chữa được biết quyền của mình và đề nghị có ý kiến (bằng văn bản) về 8 vấn đề.

Cụ thể, có ý kiến về đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản; Đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Có ý kiến về đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tụng; Có ý kiến về việc thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Có ý kiến về việc kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.

Ngoài 4 vấn đề nêu trên, người bào chữa còn có quyền có ý kiến về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; Có ý kiến về việc đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa; Có ý kiến về việc khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nếu có ý khác ngoài các vấn đề nêu trên thì cần trình bày rõ trong văn bản.

Thông báo của TAND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị người bào chữa gửi văn bản trình bày ý kiến của mình đến TAND TP chậm nhất đến hết 17 giờ chiều 12/8/2022. Hết thời hạn trên, nếu không có ý kiến gì đối với các vấn đề nêu trên. TAND TP Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật để giải quyết vụ án.