Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toà cấp cao tuyên y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - VTP) bị tòa án phúc thẩm giai đoạn I, tuyên y án tử hình với 3 tội danh, còn có bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị tuyên y án chung thân.

Sau gần 1 tháng xét xử phúc thẩm giai đoạn I vụ án xảy ra tại Tập đoàn VTP và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), và các đơn vị có liên quan. Ngày 3/12, HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị HĐXX phiên tòa phúc thẩm giai đoạn I -TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị HĐXX phiên tòa phúc thẩm giai đoạn I -TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án tử hình.

Theo đó, HĐXX phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. HĐXX phiên tòa phúc thẩm cũng tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho SCB khoản dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại, tương đương số tiền 673.800 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn I, bị cáo Trương Mỹ Lan từng đưa ra các phương án cam kết đưa nhiều tài sản để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, HĐXX tòa phúc thẩm đánh giá các tài sản này chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị tài sản. Do đó, không có căn cứ để giảm án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Đồng thời, HĐXX cho rằng trong trường hợp cựu Chủ tịch Tập đoàn VTP khắc phục đủ 3/4 hậu quả của vụ án, khi đó mới đủ cơ sở để được áp dụng giảm nhẹ hình phạt từ mức án tử hình xuống chung thân cho bị cáo.

HĐXX phúc thẩm giai đoạn I của vụ án cũng tuyên y án chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (SN 1966, nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) tội “Nhận hối lộ” 5,2 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) từ Trương Mỹ Lan.

Đối với bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) tuy được giảm án từ 19 năm tù xuống 16 năm tù đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, nhưng bị cáo Văn vẫn phải chịu mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp mức án chung thân về 2 tội.

Ngoài ra, bị tuyên y án chung thân còn có bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu thành viên HĐQT SCB) về tội “Tham ô tài sản”, 19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; tổng hợp hình phạt là chung thân.

Đối với bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Windsor, cháu của bị cáo Trương Mỹ Lan) được giảm án từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù tội “Tham ô tài sản”.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) được giảm từ 9 năm tù xuống 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ, nhân viên SCB, như: Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc SCB) được giảm từ 18 năm tù còn 17 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cùng tội danh này, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) được giảm án từ 16 năm tù xuống còn 15 năm tù giam.

Các bị cáo còn lại trong vụ án lãnh các mức án tù từ 1 năm 9 tháng tù đến 18 năm tù giam về nhiều tội danh khác nhau, như: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”…