Tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân-Từ mục tiêu đến hành động”

Nhóm phóng viên báo KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 24/9, báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm với Chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Những cống hiến thầm lặng mùa 3. Buổi toạ đàm được tổ chức với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, góp thêm tiếng nói góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.

Tham dự buổi toạ đàm có PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII; Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam; Ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm.

Về phía Ban tổ chức có PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập báo KT&ĐT, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Những cống hiến thầm lặng; Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức; Ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Thành viên Ban tổ chức.

Buổi tọa đàm cũng có sự tham gia của hơn 20 phóng viên đại diện đến từ các báo Trung ương và Hà Nội.

Nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh các nội dung cần trọng tâm bàn luận tại tọa đàm.
Nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh các nội dung cần trọng tâm bàn luận tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập báo KT&ĐT, Trưởng Ban tổ chức cho biết, thời gian qua Báo KT&ĐT đã có nhiều hoạt động, nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến nhà khoa học chia sẻ, đề xuất các giải pháp về các vấn đề an sinh xã hội.

Báo KT&ĐT tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề thứ 4 với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”. Đây là chủ đề hết sức có ý nghĩa, vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc, cung cấp thêm các luận cứ để giải quyết những vấn đề đang đặt ra về nhà ở cho người lao động.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi hy vọng thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực với góc nhìn mới, các nhà báo tham dự toạ đàm sẽ có nhiều góc tiếp cận khác nhau, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đảm bảo cho người lao động có chỗ ở an toàn.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng BTC cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 cho biết, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra trong nhiều năm qua. Trong khuôn khổ cuộc thi Những cống hiến thầm lặng năm 2023, Ban tổ chức đã tổ chức 2 tọa đàm chuyên đề trao đổi các nội dung liên quan đến vấn đề này với sự tham gia của các vị chuyên gia,  phóng viên báo chí trao đổi, đại diện người lao động. Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động hiện nay, đặc biệt là nhà ở đảm bảo điều kiện an toàn và các dịch vụ tối thiểu, như một nhân tố quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội.

Các diễn giả cùng báo giới sôi nổi trao đổi bàn giải pháp đưa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ đã đề ra sớm hoàn thành.
Các diễn giả cùng báo giới sôi nổi trao đổi bàn giải pháp đưa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ đã đề ra sớm hoàn thành.

"Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh thành có các khu công nghiệp quy mô lớn. Viêc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… dẫn đến hậu quả thảm khốc mà đến hôm nay mỗi khi nhắc lại chúng ta lại thấy nhói lòng.

Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở xã hội không đảm bảo an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ" - ông Tạ Việt Anh nêu.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”, Ban tổ chức sẽ cùng quan tâm, trao đổi làm rõ 3 vấn đề: Những nguy cơ thiếu an toàn đang rình rập ở những khu nhà trọ công nhân. Từ vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân, đâu là giải pháp để quản lý các chung cư mini đang nở rộ hiện nay không?.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" nhằm giải quyết bài toán thiếu chỗ ở và nhà ở của công nhân. Để thực hiện mục tiêu này chúng ta cần phải làm gì?.

Dưới góc độ của người góp ý xây dựng và thực thi pháp luật, hay góc độ các cơ quan thực hiện, cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động như Tổng Liên đoàn lao động, Doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội bất động sản Việt Nam… chúng ta cần làm gì để biến ý tưởng thành hành động, giúp mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt được hiệu quả cao?.

Ông Tạ Việt Anh bày tỏ, trên tinh thần cùng góp tiếng nói nhằm tìm ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về nhà ở cho công nhân- một lực lượng lao động quan trọng đang làm ra của cải vật chất cho xã hội hiện nay, chúng tôi rất mong muốn các đại biểu tham gia buổi tọa đàm sẽ chia sẻ, cung cấp được nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

"Nhà ở cho công nhân không thể lụp xụp mãi được"

 
Ông Nguyễn Mạnh Hà (bên phải)– Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Hà (bên phải)– Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là nhu cấu cấp thiết và chính đáng; cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích.

Hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp.

Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch việc sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.

Đối với những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ thì các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc quản lý nên giao cho phường và quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G, việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân. "Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, thể lụp xụp mãi được. Công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo môi trường, nơi ở đảm bảo môi trường sống cho công nhân".

Phát triển nhà lưu trú cho công nhân là phù hợp

 
PGS.TS Bùi Thị An(ở giữa)-nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII.
PGS.TS Bùi Thị An(ở giữa)-nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII.

Bày tỏ quan điểm về quy định việc phát triển nhà ở lưu trú công nhân trong KCN được bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm phục vụ công nhân, chuyên gia và người lao động, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, quy định mới này sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế. "Tôi cho rằng luật hóa là cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi đi các nước và thấy họ thuê nhà nhiều hơn mua. Chúng tôi ủng hộ quan điểm thuê nhiều hơn mua".

Về tính khả thi của quy định phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân ở các khu công nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, chúng ta phải phân định rõ 2 loại hình nhà ở xã hội, đó là nhà ở xã hội được đầu tư để cho các đối tượng quy định trong luật nhà ở mua, thuê mua và thuê, trong đó có đối tượng là công nhân có thu nhập thấp. Thứ 2 là nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng chủ yếu trên đất thương mại, dịch vụ tại các khu công nghiệp để cho công nhân thuê mà hiện nay dự kiến bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Trên thực tế, mô hình nhà lưu trú công nhân đã được một số nhà máy, khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở của công nhân. Họ vẫn phải thuê các khu công nghiệp mà chưa được đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Đây là loại hình mới mà Chính phủ đầu tư nhưng các doanh nghiệp cũng không mặn mà vì hiệu quả nguồn vốn và cạnh tranh với các khu nhà trọ dân doanh. "Vì vậy tôi thấy rằng nếu như chúng ta có cơ chế chính sách tốt cũng như tạo quỹ đất ưu đãi về vốn vay thì sẽ huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư loại hình nhà lưu trú cho công nhân này", ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

 
Ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G.
Ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G.

Ủng hộ việc xây nhà lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Đặng đề xuất thêm xây nhà ở xã hội trong KCN vì hiện nay các KCN đang xây dựng theo mô hình hệ sinh thái trong KCN, bao gồm: khu dịch vụ, các công trình xã hội, công tác quản lý, vận hành giống như một khu đô thị. Có như vậy mới tạo được môi trường sống tốt cho công nhân, mới phát triển được các KCN theo định hướng môi trường an toàn, có môi trường làm việc tốt hơn.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chuẩn bị đủ điều kiện xây nhà cho công nhân thuê

Về đề án 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, theo PGS.TS Bùi Thị An đây là đề án khả thi. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần kiến nghị Chính phủ làm rõ lấy nguồn tiền ở đâu, thiếu chỗ nào, Hà Nội được giao bao nhiêu m2, TP Hồ Chí Minh được bao nhiêu m2. Mong rằng Tổng liên đoàn đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, đồng hành với anh chị em công nhân ở để họ có chỗ ở và yên tâm làm việc.

Nói về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, để chương trình này khả thi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị. Khi bắt tay vào thực hiện sẽ tìm ra những vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

 
Ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong các cuộc giao ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn đề cập đến vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhắc nhiều nhưng do cơ chế chưa thực hiện được nên đang đề xuất Quốc hội, Chính phủ thông qua luật. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, có thể thực hiện được ngay trong năm 2023, hiện chỉ chờ chính sách được thông qua.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 09c/NQ-BCH về điều chính giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng đã quy định hành chính và truyền thông liên quan lấy nguồn đó làm nhà ở cho công nhân. Năm 2022 Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân. Với xu thế như vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam hi vọng được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Vừa qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo Quốc hội bày tỏ quan điểm chỉ làm nhà ở cho công nhân thuê chứ không bán. Các thế hệ công nhân sẽ vào đó ở, tài sản của Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ được.