Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), chiều 28/12, Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi Tọa đàm về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” với độc giả Báo điện tử Kinh tế&Đô thị.

 Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay có:

Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

Luật sư Vũ Văn Biên – Văn phòng Luật sư Khoa Tín

Giảng viên Đỗ Hòa - Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy

Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 2

    Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

    Luật sư Nguyễn Đào Tơ

  • Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 3

    Văn phòng Luật sư Khoa Tín

    Luật sư Vũ Văn Biên

  • Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 4

    Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy

    Giảng viên Đỗ Hòa

  • Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 5

    Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

    Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Trương Thúy Ngà (Quận Long Biên) hỏi:
Nhà tôi có kho hàng thì khi sắp xếp hàng hóa phải cách ổ điện khoảng cách bao nhiêu để đảm bảo an toàn về PCCC, nhà dân có phải cách như vậy không? 

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 6
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Đối với kho hàng hóa thì ngoài việc sắp xếp hàng hóa đảm bảo lối thoát nạn, chống cháy lan thì hàng hóa phải sắp xếp cách ổ cắm điện, bảng điện tối thiểu là 0,5m. Khi sắp xếp hàng hóa cần chú ý không để hang ở phía dưới các ổ cắm điện, thiết bị tiêu thụ điện phòng trừ sự cố điện.
Lưu ý: Không để hàng hóa đè lên thiết bị điện, dây dẫn điện hoặc việc sắp xếp phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi ngã, đổ không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện.
Đối với nhà ở gia đình thì chúng tôi cũng khuyến cáo không để các vật dụng dễ cháy cạnh bảng điện gần quá 0,5m. Không phơi, móc các vật liệu vào hệ thống đường dây dẫn điện trong và ngoài nhà.
Đối các phương tiện, thiết bị có sử dụng bộ nguồn dự phòng (pin nguồn của xe đạp điện, pin nguồn của điện thoại, sạc dự phòng…) khi xạc pin cần sử dụng thiết bị xạc đúng công suất, pin và cục xạc phải để nơi thoáng mát, đặt trên các vật liệu không cháy, xa con người, không để các đồ vật khác đè lên cục xạc và pin nguồn.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hằng (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:
Xin chuyên gia cho biết về phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 7
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Điều 4 Luật PCCC có quy định "Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hạt động PCCC". Để công tác chữa cháy có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ; Phương tiện tại chỗ; Chỉ huy tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.
Trong phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ gồm đội PCCC cơ sở, đội dân phòng, đội PCCC chuyên ngành.
Phương tiện tại chỗ là các phương tiện chữa cháy ban đầu: Bình chữa cháy, chăn, cát; hệ thống chữa cháy vách tường...
Chỉ huy tại chỗ là những người đứng đầu cơ cở, đội trưởng đội PCCC cơ sở, trưởng thôn, đội trưởng đội dân phòng...
Hậu cần tại chỗ là các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy.
 Nếu phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ chúng ta có thể dập tắt đám cháy ngay từ khi nó mới phát sinh, làm giảm thiểu thiệt hại do đám cháy gây ra. 
Bạn đọc Nguyễn Kiều Như (kieunhu@gmail.com) hỏi:
Gia đình tôi có 4 căn phòng nhà cấp 4 cho thuê trọ với diện tích mỗi phòng 16m2. Vậy, gia đình tôi phải làm thủ tục gì về PCCC?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 8
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh trả lời:
Theo Nghị Định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; tại Phụ lục 01 (Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC) của Nghị định này thì gia đình bạn có 4 phòng cho thuê (nhà cấp 4 có diện tích 16m2/phòng x 4 = 64m2) không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
Tuy nhiên, cơ sở khi đi vào hoạt động vẫn thuộc diện nằm trong danh sách theo dõi về công tác an toàn PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC được quy định tại Điều 9 của Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Đó là điều kiện an toàn về PCCC đối với hộ gia đình:
-Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về PCCC;
-Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về PCCC;
-Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình.
Bạn đọc Vương Thư Trang (thutrang20@gmail.com) hỏi:
Công ty tôi sản xuất bánh kẹo tại kho. Theo quy định của luật PCCC bên công ty tôi có phải bắt buộc lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho kho không? Và được quy định ở văn bản nào?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 9
Luật sư Vũ Văn Biên trả lời:
Theo quy định của luật PCCC 2001, luật sửa đổi năm 2003, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP Phụ lục II quy định về Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ: "Kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được có khối tích từ 1.000 m3 trở lên; bãi hàng hóa, vật tư cháy được có diện tích từ 500m2 trở lên".
Theo đó, trong trường hợp này kho chứa nguyên liệu của bạn, nếu trong các bao bì cháy được có khối tích từ 1.000 m3 trở lên; bãi hàng hóa, vật tư cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên thì bạn phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động (spingler).
Bạn đọc Lê Viết Quang (vquang@gmail.com) hỏi:
Khi xảy ra đám cháy điện tại gia đình thì tôi dùng nước sinh hoạt để chữa cháy có được không?

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 10
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Khi xảy ra cháy điện, bạn có thể sử dụng nước sinh hoạt để chữa cháy, nhưng bạn phải chắc chắn là nguồn điện đã được ngắt hoàn toàn.
Còn khi chưa ngắt điện khu vực cháy thì bạn tuyệt đối không được sử dụng nước để chữa cháy, nếu không bạn có thể bị điện giật. 
Trong trường hợp chưa cắt điện, đám cháy nhỏ ở giai đoạn ban đầu, bạn có thể sử dụng bình chữa cháy vì bình chữa cháy có thể dập tắt các đám cháy điện, các thiết bị điện có điện áp < 500V.
Chính vì vậy, mà chúng tôi luôn khuyến cáo mỗi gia đình nên trang bị ít nhất 1 - 2 bình chữa cháy và biết cách sử dụng, để dùng khi có sự cố cháy xảy ra.
Bạn đọc Phạm Thị Hà (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:
Nhà nghỉ của tôi cao 6 tầng, đã xây dựng cách đây hơn 10 năm và đã được cấp đủ điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định cũ. Tuy nhiên, tôi được biết, những công trình khách sạn, nhà nghỉ thế này không còn phù hợp theo tiêu chuẩn về PCCC hiện hành. Vì vậy, phương án nào có thể giải quyết cho những công trình như thế này theo quy định của pháp luật hiện nay?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 11
Luật sư Vũ Văn Biên trả lời:
Theo điều 9 Phụ lục II Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, công trình khách sạn, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Mặc dù, cơ sở đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn PCCC theo quy định cũ, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, cơ sở phải tổ chức thực hiện và duy trì việc bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
 Luật sư Vũ Văn Biên trả lời độc giả tại buổi tọa đàm.
Ngoài ra, điều 8 Luật PCCC năm 2001 và Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 cũng quy định rõ về ban hành và áp dụng tiêu chuẩn về PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về PCCC. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động có liên quan đến PCCC phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về PCCC, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về PCCC, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC là bắt buộc kể từ ngày các tiêu chuẩn, quy chuẩn này có hiệu lực áp dụng.
Bạn đọc Dương Công Thọ (Mê Linh) hỏi:
Công ty chúng tôi nằm trong diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đã đi vào hoạt động từ năm 2008 nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Cán bộ kiểm tra an toàn PCCC có yêu cầu công ty xuất trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng hiện tại chúng tôi không có. Vậy trường hợp công ty chúng tôi có bị xử phạt không và phải làm thế nào để thực hiện được thủ tục trên?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 13
Luật sư Nguyễn Đào Tơ trả lời:
Trường hợp công ty thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC (Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) hoạt động từ năm 2009 nhưng chưa được thẩm duyệt, phải thực hiện theo các quy định tại Điều 13, Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn, xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình; Công ty sẽ bị xử phạt vì đã vi phạm các quy định tại Điểm a Khoản 5 và Khoản 6 Điều 36 đối với hành vi tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC với mức phạt từ 15 triệu đến 25 triệu (khoản 5) hoặc 30 đến 50 triệu (khoản 6)
Bạn đọc Đào Minh Đức (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
 Thời gian gần đây xuất hiện một vài vụ tai nạn do cháy, nổ bình gas. Trong khi đó đây là loại bếp được sử dụng chủ yếu trong các gia đình. Vậy cơ quan chức năng có khuyến cáo gì đến người dân trong việc sử dụng bếp gas cũng như cách phòng chống tai nạn cháy, nổ trong gia đình?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 14
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Về bản chất những vụ nổ liên quan đến gas đa số là nổ khí gas, khi khí gas thoát ra ngoài môi trường kết hợp với không khí tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ và khi gặp các nguồn nhiệt sẽ gây nổ.
Để sử dụng bếp gas an toàn, người dân cần chú ý thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 3 chuẩn: Thiết bị chuẩn; Sử dụng chuẩn; Xử lý sự cố chuẩn.
Trong đó, thiết bị chuẩn là khi mua bình gas, bếp gas và các phụ kiện, người dân nên chọn hàng chính hãng, có uy tín trên thị trường, có các thiết bị an toàn như: rơle an toàn khi tắt lửa, rơle an toàn khi quá nhiệt.
Sử dụng chuẩn thể hiện ở: Vị trí đặt bếp gas phải tránh gió lùa trực tiếp dễ gây tắt lửa khi đang đun nấu
Bình gas mới lắp đặt, phải kiểm tra ngay. Có thể dùng nước xà phòng để thử; Đặt bình ở tư thế thẳng, không để nằm, quá trình sử dụng, không dự trữ thêm bình; Tuyệt đối không để chất cháy gần khu vực bếp gas; Thường xuyên kiểm tra bếp, vòi dẫn và bình gas; Thường xuyên vệ sinh dầu mỡ bám xung quanh bếp nấu; Có thể lắp đặt thêm đầu báo rò rỉ gas để phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ gas sớm nhất. 
Về xử lý sự cố chuẩn: Khi phát hiện rò rỉ khí gas, cần thật bình tĩnh để đưa ra các quyết định chính xác, hợp lý. Người dân cần thực hiện các bước sau đây: Khóa van bình gas để ngắt nguồn rò rỉ; Tìm mọi cách làm thông thoáng giảm nồng độ hơi khí gas như mở cửa chính, cửa sổ… Chú ý với những cửa có bản lề thép nên đóng mở nhẹ nhàng tránh phát sinh tia lửa điện; Ra xa khu vực rò rỉ gas, điện thoại cho cửa hàng cung cấp gas hoặc điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 đến xử lý ngay.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được thực hiện các hành động sau đây: Không được bật, tắt thiết bị điện trong khu vực rò rỉ khí gas; Không được bật bếp gas; Không được mang nguồn nhiệt (ngọn lửa trần, thuốc lá...) vào khu vực rò rỉ khí gas.
Bạn đọc Nguyễn Việt Dũng (Đào Tấn, Hà Nội) hỏi:
Tôi có tòa nhà văn phòng 7 tầng đã được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. Do nhu cầu sử dụng, tôi muốn xin phép cải tạo, xây dựng nâng thêm 2 tầng, đồng thời lắp đặt bổ sung hệ thống PCCC để đảm bảo an toàn cho công trình thì có phải thẩm duyệt về PCCC nữa không?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 15
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh trả lời:
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC:
Điểm a, Khoản 2 Điều 15 quy định: Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Điểm 11 Phụ lục IV quy định danh mục dự án, công trình phải thẩm duyệt về PCCC: Trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước cấp xã trở lên; trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, DN, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3.
Vì vậy, công trình của bạn khi cải tạo, xây dựng thêm 2 tầng thì phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Bạn đọc Phí Thị Thu (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Đề nghị luật sư cho biết, có quy định bắt buộc nào về các trang thiết bị, dụng cụ PCCC đối với nhà chung cư không?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 16
Luật sư Nguyễn Đào Tơ trả lời:
Nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ là 1 trong những cơ sở được quy định thuộc diện quản lý về PCCC tại Phụ lục I, Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Do đó, tùy vào quy mô, tính chất hoạt động của từng cơ sở thì phải đáp ứng các điều kiện an toàn về PCCC thích hợp được quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Trong đó, các điều kiện về an toàn PCCC phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC Cụ thể:
-Tiêu chuẩn VN, TCVN 3890:2009 về Phương tiện PCCC cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng
-Tiêu chuẩn VN, TCVN 5738:2001 về hệ thống báo cháy tự động - yêu cầu kỹ thuật do bộ khoa học công nghệ và môi trường ban hành
Bạn đọc Ngô Hoàng Bảo Ly (Quận Đống Đa) hỏi:
Gia đình tôi có 1 hội trường 400 m2 và 1 hội trường 300 m2 để cho thuê tổ chức tiệc cưới, có tôi làm quản lý và hai nhân viên lau dọn. Cả ba chúng tôi đã học nghiệp vụ PCCC và cứu hộ cứu nạn. Vậy chúng tôi phải xây dựng phương án PCCC như thế nào?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 17
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Gia đình bạn có 2 hội trường cho thuê tiệc cưới, như vậy cơ sở này thuộc loại hình “Trung tâm hội nghị” và thuộc “Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý PCCC” quy định tại Mục 3, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ và phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
Về xây dựng phương án PCCC: Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP: “Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý của mình (gọi chung là phương án chữa cháy của cơ sở)”. 
Phương án chữa cháy của cơ sở được xây dựng theo mẫu PC 11, ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
Về thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở, do bạn không nói rõ 2 hội trường có sức chứa bao nhiêu chỗ ngồi, nên chưa có cơ sở để khẳng định thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở. Nên có 2 trường hợp:
Trường hợp nếu các hội trường nêu trên có tổng sức chứa dưới 300 chỗ ngồi (không thuộc Phụ lục 2, ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP): Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA thì người đứng đầu cơ sở phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở. Phương án chữa cháy được phê duyệt gửi về cơ quan Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn để theo dõi.
Trường hợp các hội trường này có tổng sức chứa trên 300 chỗ ngồi (thuộc Mục 3, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP): Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA thì thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở thuộc Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh…
Bạn đọc Trần Lan Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi:
Tôi đang làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng khách sạn cao từ 7 đến 10 tầng. Vậy, điều kiện về PCCC đối với khách sạn, nhà nghỉ loại hình này như thế nào?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 18
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh trả lời:
Theo quy định tại Phụ lục II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, khách sạn, nhà nghỉ cao từ 7 - 10 tầng thuộc mục số 9 của danh mục này. Về điều kiện mà khách sạn, nhà nghỉ cao từ 7 - 10 tầng cần đáp ứng được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
 Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh tham gia trả lời độc giả.
Cụ thể: Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
-Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở; Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở; Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; 
 -Có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; 
 -Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này; Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; 
 -Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Minh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) hỏi:
Tôi muốn kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, giám sát, kiểm định kỹ thuật về PCCC thì cần phải có những điều kiện gì để kinh doanh dịch vụ trên?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 20
Luật sư Nguyễn Đào Tơ trả lời:
Cơ sở pháp lý quy định về kinh doanh dịch vụ PCCC:
 1. Tại Khoản 1, Điều 9a, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC, quy định kinh doanh dịch vụ tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra và kiểm định kỹ thuật về PCCC là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
 Luật sư Nguyễn Đào Tơ trả lời câu hỏi của độc giả.
 2. Tại Điều 41 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, quy định điều kiện đối với DN, cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra và kiểm định kỹ thuật về PCCC. Cụ thể như sau:
 - Người đứng đầu DN và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC (tức là có bằng trung cấp chuyên ngành về PCCC trở lên hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC do Đại học PCCC cấp).
 - DN, cơ sở phải có cá nhân đủ điều kiện hành nghề dịch vụ về PCCC, cụ thể: Có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC theo quy định tại Điểm b, c Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP; Có ít nhất 1 cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC theo quy định tại Khoản 4, Điều 47, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
 - Có địa điểm hoạt động, phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC.
Bạn đọc Nguyễn Hà Giang (Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
 Khi phát hiện cháy phải báo cho ai? Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy được quy định thế nào?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 22
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Theo Điều 22 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy như sau:
Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết, cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây: Đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy; Đơn vị Cảnh sát PCCC nơi gần nhất; Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
Thực tế hiện nay, khi xảy ra cháy người dân thường báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114. Từ điện thoại bàn hay điện thoại di động chỉ cần bấm số 114. Sau khi gọi 114 người dân tiếp tục nên thông báo cho các cơ quan kể trên (Đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy, Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an nơi gần nhất...).
Cơ quan, đơn vị quy định kể trên khi nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy. Trường hợp cháy xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý, ngay sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý, đồng thời báo cáo cấp trên của mình.
Trong khi đó, người có mặt tại nơi xảy ra cháy và có sức khỏe phải tìm mọi biện pháp để cứu người, ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan khác có liên quan có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 33 Luật PCCC.
Bạn đọc Dương Minh Tú (Bạch Mai, Hà Nội) hỏi:
Công ty tôi chuẩn bị xây dựng khách sạn. Khi triển khai xây dựng, khách sạn phải được trang bị, xây hệ thống PCCC có phải không?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 23
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh trả lời:

Thông tư số 19/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL ban hành ngày 8/12/2014 và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định bắt buộc phải có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC đối với khách sạn, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng.

Trường hợp khách sạn từ 4 tầng trở xuống nếu khối tích dưới 5.000 m3 thì không bắt buộc phải lắp hệ thống PCCC. Tuy nhiên, khách sạn dưới 4 tầng và dưới 5.000 m3 cần phải có “Biên bản kiểm tra đủ điều kiện về PCCC” của cơ quan cảnh sát PCCC. Để được cấp “Biên bản kiểm tra đủ điều kiện về PCCC” thì khách sạn từ 4 tầng trở xuống phải đáp ứng các yêu cầu về hệ thống PCCC: Lắp đèn chiếu sáng sự cố (tự động khi cúp điện), đèn báo lối thoát hiểm; Bố trí đủ bình chữa cháy xách tay; Lắp bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC; Có hồ sơ quản lý PCCC cơ sở đầy đủ, đúng quy định. Quan trọng nhất là bố trí trang thiết bị đầy đủ theo quy định, phương án PCCC trong hồ sơ phải đảm bảo theo quy định của Bộ Công an.

Bạn đọc Nguyễn Hồng Chuyên (Hà Cầu, quận Hà Đông) hỏi:
Trong quá trình xây dựng nhà, nhà tôi mới sử dụng dây điện ở nhà vừa phá. Vậy khi xây dựng nhà mới có nên tận dụng lại dây điện cũ?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 24
Giảng viên Đỗ Hòa trả lời:
Chúng tôi khuyến cáo không nên tận dụng lại dây điện cũ, vì khi xây dựng nhà mới phụ tải thường lớn hơn nhà cũ (do lắp thêm điều hòa, nóng lạnh, tivi…), nếu sử dụng dây điện cũ sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải, quá tải kéo dài dẫn đến hỏng lớp vỏ cách điện lão hóa, làm chập mạch gây cháy.
 Giảng viên Đỗ Hòa trả lời câu hỏi của độc giả.
Dây điện cũ sau một thời gian sử dụng lâu dài chất lượng vỏ cách điện kém đi cũng làm chập mạch gây cháy, đặc biệt gây ra rò điện rất nguy hiểm. Do vậy chúng tôi khuyến cáo các hộ dân không sử dụng đường dây điện cũ để lắp đặt khi xây dựng nhà mới.
Bạn đọc Hoàng Minh Chung (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và cả nước xảy ra một số vụ cháy chung cư. Ngoài thiệt hại về người thì còn thiệt hại về tài sản, trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm?
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư” - Ảnh 26
Luật sư Nguyễn Đào Tơ trả lời:
Muốn xác định ai là người có trách nhiệm thì phải xác định ai là người có lỗi gây ra các vụ cháy. Khi pháp luật quy định cụ thể nghĩa vụ của từng chủ thể phải tuân thủ mà các chủ thể đó vi phạm (cố ý hoặc vô ý) thì sẽ có lỗi. Cụ thể:
Đối với chủ đầu tư. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định 79/2014/NĐ-CP, trách nhiệm chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới: Lập dự án thiết kế đúng quy định, tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định này. Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho cơ quan Cảnh sát PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC, dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Đồng thời, bảo đảm an toàn về PCCC đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Nếu chủ đầu tư chung cư vi phạm các quy định nêu trên dẫn đến xảy ra cháy thì phải chịu trách nhiệm.
Đối với cư dân chung cư và những người khác. Họ phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về PCCC đã được đưa ra bởi Nhà nước bởi ban quản lý tòa nhà. Chẳng hạn họ mang nguồn cháy không được phép vào chung cư để sử dụng dẫn đến cháy nổ thì chính họ phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại căn cứ theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Chương XX, Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội liên quan được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.