Tọa đàm “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá” - Ảnh 1
 

Trước khi diễn ra buổi toạ đàm, Ban tổ chức cùng các vị khách mời tham dự, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. 

Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 2/7/2024 của Chủ tịch nước về việc Công bố Luật Thủ đô 2024.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6/2024. Luật gồm 7 chương và 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trong đó, Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước. Đồng thời, bổ sung nhiều điểm mới thể hiện sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong nhiều lĩnh vực, như tổ chức chính quyền đô thị, huy động nguồn lực xây dựng Thủ đô. Cùng với đó, có những cơ chế, chính sách mới liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển hạ tầng đô thị, giao thông xanh, đường sắt đô thị…

Với mong muốn phân tích sâu hơn về những cơ chế, chính sách mới nổi bật trong Luật. Đồng thời, tiếp tục tham góp thêm các ý kiến trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phân cấp phân quyền, phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức toạ đàm “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn.

Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm có:

Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội

Về phía các cơ quan truyền thông có  Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, báo Hà Nội Mới, Kinh tế và Đô thị, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô…

Về phía Ban tổ chức có sự tham gia của Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị  Nguyễn Thành Lợi và các Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết: "Thực hiện Kế hoạch số 41 ngày 29/1/2024 của UBND TP Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để tiếp tục thông tin về những chính sách nổi bật trong Luật, góp phần đưa Luật vào cuộc sống, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại."

Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng mong mỏi kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Bởi những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, để tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trong thời gian này, TP Hà Nội đang triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024; phối hợp các bộ, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để luật sớm đi vào cuộc sống.

TP Hà Nội cũng sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định phân cấp được quy định trong Luật Thủ đô 2024 của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cấp xã theo quy định."

"Tổ chức tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về những chính sách nổi bật trong Luật Thủ đô 2024, về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đối với thực tiễn hiện nay.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra. Qua đó, cùng góp phần để các cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống" - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh.

MC: Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ đồng thuận rất cao; ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật. Luật có nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù, đáp ứng được sự mong đợi của Thủ đô Hà Nội trước một giai đoạn phát triển tiếp theo cũng như gỡ khó cho những điểm vướng hiện nay. Ông có thể phân tích cụ thể, đâu là những điểm mới nổi bật, mang tính điểm nhấn của Luật Thủ đô 2024 lần này?

Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trả lời:

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6 và ngày 23/7 vừa rồi, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh công bố của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô và một số luật khác. Luật Thủ đô được xây dựng trong bối cảnh Luật Thủ đô năm 2012 chưa giải quyết, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách đặc thù. Các cơ chế chính sách đặc thù này được Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu ra và Luật Thủ đô lần này đã thể chế được toàn bộ yêu cầu của Nghị quyết 15 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Các chính sách cơ bản và cơ chế chủ chốt của Luật Thủ đô 2024 bao gồm: Tổ chức chính quyền đô thị - được quy định một chương trong Luật Thủ đô (Chương 2). Trong đó, quy định về: tổ chức chính quyền đô thị; từ HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn của thành phố cũng như các quận, huyện. Trong Luật Thủ đô có rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan Trung ương cho TP Hà Nội.

Ví dụ như: cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD), phát triển nông thôn. Trong khi, Luật Thủ đô năm 2012 không có nội dung phát triển nông thôn. Cùng đó, Luật Thủ đô quy định phát triển các chính sách về y tế và an sinh xã hội; Các chính sách về phát triển khoa học công nghệ, có quy định về sử dụng tài sản công trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đây là quy định mới mà hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đề cập đến, mà Luật Thủ đô 2024 đã có.

Tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như: huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Đây là những nội dung đã được Luật Thủ đô năm 2012 đề cập nhưng lần này tiếp tục bổ sung và làm rõ hơn để có các điều kiện để phát triển.

Một nội dung rất quan trọng là phát triển văn hóa Thủ đô, các cơ chế để phát huy phát triển các giá trị văn hóa, công trình văn hóa. Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô, đó là nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh. Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển.

MC: Để đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng theo định hướng của Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, chuyển đổi giao thông xanh. Ông nhận định thế nào về những quy định mới liên quan đến phát triển giao thông được quy định trong Luật?

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời:

Tôi đánh giá rất cao các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực GTVT đã được đề cập trong Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Các cơ chế, chính sách này thực sự là những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô Hà Nội, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi của MC tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi của MC tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Đáng chú ý, Luật Thủ đô trong quá trình được xây dựng đã rà soát, kế thừa các kinh nghiệm từ một loạt các TP lớn, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, để tổng hợp, đưa vào những chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô. Đặc biệt, trong Luật có nguyên một điều tạo ra 7 - 8 nhóm chính sách để huy động nguồn lực cho Thủ đô. Điều này góp phần khắc phục những hạn chế, như trong lĩnh vực giao thông, hiện nguồn ngân sách của Trung ương cũng như thành phố hỗ trợ cho Hà Nội mới đạt ở mức khiêm tốn.

Bên cạnh đó, một loạt nội dung liên quan cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, nhất là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, nổi bật là mạng lưới đường sắt đô thị, mà trong Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã nêu ra nhưng chưa cụ thể được.

Cụ thể, trong Luật có một số đột phá lớn, như: cho phép Thủ đô được Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Khác với trước đây, trong quá trình thực hiện có rất nhiều nội dung cần điều chỉnh phải triển khai các thủ tục, từ xin chủ trương đến lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, từ Thủ đô, đến Bộ Xây dựng và đến Thủ tướng Chính phủ. Theo kinh nghiệm, để điều chỉnh được một vấn đề thường mất đến 12 tháng, nay giao lại cho Hà Nội sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tăng tính chủ động, rút ngắn thủ tục.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập (trước đây theo quy định về pháp luật đầu tư công chỉ cho phép thực hiện tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập đối với dự án nhóm A trở lên, nay cho phép đối với cả dự án nhóm B, C).

Bên cạnh đó, bổ sung loại Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành. Nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, mà theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư Luật PPP hiện nay không có loại hợp đồng này và là trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án mới cũng như các dự án chuyển tiếp cũ.

Hơn nữa, Luật cho phép Thủ đô được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (không sử dụng vốn T.Ư) mà không giới hạn tổng mức vốn đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND TP làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài.

Đồng thời, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn thành phố có sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Đặc biệt, trong Luật đưa ra một khái niệm quan trọng, mới là “nhà đầu tư chiến lược”, trong đó có một số lĩnh vực dạng ưu tiên thu hút nhà đầu tư này như đường sắt đô thị, giao thông thông minh, gắn với chuyển đổi số... Cùng đó, đã đưa ra khái niệm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); đồng thời dành nguyên 1 điều trong Luật để quy định các nội dung cơ bản về cách thức triển khai thực hiện, thẩm quyền cũng như các cơ chế chính sách thực hiện mô hình này trong thời gian tới.

MC: Chuyển đổi số là một vấn đề TP Hà Nội đang đặc biệt quan tâm và có tác động lớn tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. Từ thực tiễn và những quy định của Luật, với tư cách là chuyên gia về chuyển đổi số, ông có thể điểm cốt lõi của lĩnh vực này trong Luật Thủ đô 2024 lần này?

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng trả lời:

Luật Thủ đô rất quan trọng với TP Hà Nội, giúp TP Hà Nội phát triển bứt phá nhanh hơn trong chuyển đổi số như: xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi số của Hà Nội nhanh hơn; sử dụng tài sản công để ứng dụng công nghệ tiến tới TP thông minh.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng trả lời câu hỏi của MC tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng trả lời câu hỏi của MC tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Để hướng tới mục tiêu đó phải xác định chuyển đổi số là lĩnh vực cần đẩy mạnh trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Nội thúc đẩy quá trình xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh trong thời gian tới.

Luật Thủ đô có mục tiêu, định hướng rõ ràng, sẽ xây dựng TP Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thì không đơn giản.

Luật Thủ đô là “cơ hội vàng”, giúp Hà Nội có quyền tự chủ, vấn đề là xây dựng kế hoạch phát triển như thế nào? Tôi mong muốn Hà Nội tạo ra cơ chế để thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, rà soát hiện trạng - nhìn lại chúng ta đã làm được gì để điều chỉnh, khắc phục cho lộ trình mới.

Cùng với đó, theo tôi, Hà Nội cần có cơ chế sử dụng, đào tạo nhân tài, phải có định hướng phục vụ chung cho chuyển đổi số. Đồng thời, cần bố trí nguồn vốn, ví dụ xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu cũng cần nguồn vốn lớn. Khi có nguồn vốn thì một phần phục vụ hành chính công, một phần phải ưu tiên doanh nghiệp bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển ứng dụng số nhưng họ không có nguồn vốn, không có chính sách hỗ trợ về vốn...

Tôi cho rằng, cần phải làm triệt để tất cả những nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới.

MC: Với việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có thể xem như Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc “chìa khóa vàng”, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc trong phát triển đường sắt đô thị. Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Ông có thể phân tích cụ thể về khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy đường sắt đô thị, TOD phát triển? Đồng thời, làm sao để những quy định đi vào cuộc sống hiệu quả?

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời:

Hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đang được nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như: quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nhà ở xã hội, thiếu hụt nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng…

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành các định hướng chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gần đây nhất, các nội dung liên quan đến TOD đã được đề cập trong quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được luật hóa trong Luật Thủ đô. Đây là những tiền đề quan trọng đặt nền móng cho việc gắn kết phát triển đô thị với mô hình TOD.

Mặc dù TOD đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới, song ở Việt Nam, đây vẫn còn là một mô hình phát triển đô thị, phát triển giao thông công cộng tương đối mới mẻ, mới bắt đầu được quan tâm, đề cập đến trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây. Các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về TOD trong điều kiện đặc thù của Việt Nam nói chung, của TP Hà Nội nói riêng còn rất ít ỏi. Việc áp dụng mô hình TOD hiện nay còn một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, hành lang pháp lý cho việc tích hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông công cộng chưa rõ ràng; các chỉ tiêu, tiêu chí để quy hoạch xây dựng theo định hướng TOD chưa được ban hành làm căn cứ cho việc triển khai quy hoạch xây dựng chi tiết; đòi hỏi rà soát điều chỉnh lại quy hoạch (đặc biệt là mạng lưới đường sắt đô thị).

Bên cạnh đó, nhiều khu vực không còn không gian, diện tích để triển khai áp dụng; cơ chế, chính sách triển khai áp dụng mô hình này cũng chưa có; việc di chuyển một khối lượng lớn dân cư để thực hiện mô hình TOD có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân; nguồn lực đầu tư là rất lớn.

Hơn nữa, việc khai thác không gian ngầm vẫn là một trong nhưng giải pháp quan trong khi triển khai, tuy nhiên các hành lang pháp lý thực hiện chưa đầy đủ; thiếu một chiến lược tổng thể với các lộ trình và mục tiêu của từng giai đoạn; nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và vai trò của TOD trong phát triển đô thị, phát triển giao thông công cộng còn chưa đầy đủ; trình độ phát triển ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng còn thấp.

Ngoài ra, việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị hiện rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó cho giao thông đô thị của Thủ đô. Không có lý do gì các quốc gia khác làm được, chúng ta không làm được. Luật Thủ đô đã dành nguyên 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu đã tháo gỡ được phần nào các tồn tại như đã nêu trên.

Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng trình HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND là nghị quyết đặc thù về đầu tư xây dựng bến bãi đỗ xe, giao thông thông minh. Bên cạnh đó là một loạt cơ chế chính sách đang được xây dựng, trong đó có các chính sách về bến xe ngầm…

Hiện nay, Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chúng ta chưa làm được. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, lựa chọn những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và thực tiễn để đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi.

MC: Luật Thủ đô 2024 cũng được coi là một đạo luật về phân cấp, phân quyền. Trong đó, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ phải chăng được xem là động lực để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trả lời:

Chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều điểm mới. Trong đó, số lượng đại biểu HĐND TP được bầu tăng từ 95 lên 125 người. Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND.
Cùng đó, HĐND TP được tăng các ban chuyên trách của hội đồng tối đa thêm 2 ban để tăng tính chuyên nghiệp hoạt động của HĐND TP. Quan trọng là giao cho HĐND TP xây dựng cơ chế làm việc để phát huy hiệu quả các chính sách; giao cho HĐND TP rất nhiều thẩm quyền…

HĐND TP được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quyết định số lượng đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách; quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND TP; quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các Ban của HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố;

b) Ban hành Quy chế làm việc của HĐND TP, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND TP;

c) Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác; bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp thành lập thêm cơ quan thì phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định;

d) Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trên cơ sở điều chỉnh chức năng của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác và mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp thành lập thêm cơ quan thì phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định;

đ) Xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định…

MC: Luật quy định, trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo ông, quy định này sẽ tác động thế nào để việc triển khai phát triển hệ thống giao thông công cộng, đường sắt đô thị trong tương lai? Và để triển khai, có những vấn đề gì cần lưu ý?

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Trả lời:

Theo nội dung Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung điều chỉnh (đã được Bộ Chính trị và Quốc hội cho ý kiến) đang hoàn tất thủ tục phê duyệt thì mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Thủ đô sẽ có 14 tuyến ĐSĐT, với khoảng gần 600km (theo quy hoạch cũ có 10 tuyến, 417km), tổng vốn đầu tư để hoàn thành 14 tuyến ĐSĐT là khoảng 56 tỷ USD cần huy động nguồn lực rất lớn.

Theo đó, chính sách ‘‘trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư’’ cũng như các chính sách khác về huy động nguồn lực phục vụ đầu tư cho đường sắt đô thị có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn cần phải đa dạng các nguồn lực thực hiện, trong đó có nguồn lực ngân sách TP, vốn vay trái phiếu, huy động từ nguồn thu quyền sử dụng đất, huy động từ phát triển đô thị theo định hướng TOD, huy động từ ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Khi nghiên cứu lộ trình, kịch bản triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị cần xem xét trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, xây dựng kịch bản đầu tư hệ thống ĐSĐT trên cơ sở Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 và các tuyến ĐSĐT dự kiến điều chỉnh, bổ sung trong các đồ án Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô; hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT Hà Nội đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo lộ trình phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của TP, nhưng phải đảm bảo hình thành mạng lưới nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, trong đó ưu tiên triển khai bước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các tuyến ĐSĐT kết nối các đầu mối giao thông của TP như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư... Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống ĐSĐT gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư.

Hiện nay, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bộ GTVT đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT TP Hà Nội và TP Hồ chí Minh để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, lộ trình thực hiện, cơ chế chính sách huy động nguồn lực thực hiện sẽ được đề cập đầy đủ, toàn diện làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện.

MC: Từ thực tiễn hiện nay cũng như kinh nghiệm chuyển đổi số của các nước trong khu vực, theo ông, với những quy định pháp lý đã có, Hà Nội cần lưu ý những gì trong quá trình triển khai Luật Thủ đô 2024 để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực quản trị, kinh tế, xã hội…?

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng trả lời:

Đối với Hà Nội, để thể chế hoá các văn bản, cần xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể, chi tiết - đây là điều quan trọng giống như khi xây dựng ngôi nhà chúng ta phải có thiết kế không gian sử dụng. Phải xây dựng được hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô với những nội dung cụ thể cũng như có thiết kế tổng thể ban đầu cho chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Hiện chúng ta chưa có thiết kế này. Việc quy hoạch không đơn thuần là xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số mà phải chi tiết từ cơ sở dữ liệu, tin học, số hóa, chuyển đổi số.

Thứ hai, phải chuẩn bị nguồn lực, một số người chỉ giỏi ở một số lĩnh vực nên phải có chi tiết thiết kế cho từng lĩnh vực ngành, từ nông nghiệp đến văn hoá, nghệ thuật, du lịch.

Thứ ba, phải quan tâm tới nguồn vốn ngân sách, phải có con số cụ thể và phân bố chi tiết cho từng ngành nghề. Ví dụ, hạ tầng phải có thiết kế, khi đã có thiết kế tổng thể thì quản lý được một cách đồng bộ trên phạm vi rộng.
Thứ tư, liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin. Hiện bắt đầu xuất hiện hacker tấn công hệ thống thông tin, vì thế phải xây dựng, cụ thể hóa, chi tiết kế hoạch bảo mật, an toàn thông tin. Bất kỳ sở, ban, ngành nào cũng phải xây dựng đồng bộ kế hoạch để liên thông, chia sẻ thông tin và quản lý được một cách tổng thể trên toàn thành phố.

Ngoài ra, để thể chế hóa Luật Thủ đô, phải xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, cần có chính sách để có quy định cụ thể cho hạ tầng internet vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến hệ thống dịch vụ công. Hạ tầng tốt thì đáp ứng tốt tiến độ thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn... Cùng đó, phải có chính sách cụ thể để hành chính công, doanh nghiệp, người dân vui vẻ, tự nguyện thực hiện chuyển đổi số, có như vậy mới tận dụng được lợi thế khi có Luật Thủ đô, quyết định sự thành công của nền hành chính công.

MC: Là một công dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội, cá nhân ông có những đóng góp gì để đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống?

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng trả lời:

Bản thân sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, khi quay lại Hà Nội, tôi cảm thấy trăn trở về tình hình giao thông của Hà Nội. Cá nhân tôi mong muốn Hà Nội sánh ngang tầm với các nước trong khu vực về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, tập trung vào AI... Từ kinh nghiệm từng làm việc ở nước ngoài, tôi mong muốn đóng góp với chính quyền để phát triển thành phố; đóng góp những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để đưa Hà Nội phát triển xứng tầm Thủ đô.

MC: Dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề giao thông, ông có mong muốn thế nào để những cơ chế, chính sách mới trong của Luật Thủ đô liên quan đến quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông đối với sự phát triển của Hà Nội đi vào cuộc sống?

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời:

Công việc triển khai Luật Thủ đô từ nay đến hết năm 2024 với các sở, ngành là rất lớn. Thông qua các kênh tuyên truyền, rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp trong quá trình chúng tôi soạn thảo những vấn đề triển khai Luật có thể góp ý thêm cho chúng tôi, để đưa vào những văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể.

Cũng cần khẳng định thêm, trong quy hoạch xuyên suốt từ trước đến nay và sau này, phát triển giao thông hiện đại cũng như các lĩnh vực khác tại Thủ đô sẽ tiếp tục bảo đảm luôn gắn với bảo tồn.

Tôi tin tưởng rằng, với Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua và 2 đồ án quy hoạch của Thủ đô được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa rồi là cơ sở pháp lý, là điều kiện, cơ hội thuận lợi cho TP Hà Nội phát triển xứng tầm trong khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò là Thủ đô - trái tim của cả nước; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng Sông Hồng; Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam…

MC: Xin ông cho biết về kế hoạch triển khai Luật Thủ đô năm 2024 cũng như những cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội cho Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 quy định ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô. Vậy, việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trả lời:

Sở Tư pháp là cơ quan được UBND TP Hà Nội giao tham mưu, đề xuất và tổng hợp các nội dung về Luật Thủ đô.

Để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, ngay từ khi diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp. Từ đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết gửi lấy ý kiến các sở, ngành.
Luật Thủ đô có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành chung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể chế hóa, không nỗ lực trong tổ chức thực hiện thì không phát huy được nhiều. Rút kinh nghiệm Luật Thủ đô 2012 quy định quá nhiều chính sách chung chung, mang tính định khung, khó áp dụng; nhưng Luật Thủ đô lần này quy định rất cụ thể.

Chính vì vậy, trong kế hoạch có các nội dung lớn, đó là: Quán triệt các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, công chức của Thủ đô hiểu cặn kẽ các quy định của Luật Thủ đô và người dân hiểu các quy định của Luật Thủ đô để khi mọi người hiểu thì sẽ nỗ lực cùng nhau chung tay góp sức để thực hiện hóa vào chương trình của Thành phố.

Thể chế hóa các nội dung Luật Thủ đô được giao cho Chính phủ, các bộ, HĐND, UBND. Theo đó, nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết Nghị định là 6 nội dung, giao TP Hà Nội 52 nội dung và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, trước mắt 30 nội dung của HĐND và 12 nội dung thuộc UBND; cùng với đó là rất nhiều đề án, các quyết định cụ thể, dự án, đề án… để triển khai cụ thể Luật Thủ đô. Tổng cộng là 80 nội dung đã đề cập, không phải văn bản quy phạm pháp luật đề cập 80 nội dung mà cả các đề án cụ thể để triển khai Luật Thủ đô.

Rà soát các văn bản của TP Hà Nội ban hành trước khi thi hành Luật Thủ đô 2024. Tất cả các sở, ngành phải rà soát, nếu chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay hoặc ban hành mới. Chúng ta phải nhìn lại đoạn trước đây chúng ta từng làm, thực hiện; cái gì chưa tốt thì chúng ta sửa, cái gì tốt rồi thì chúng ta phải sử dụng.

Khi các văn bản đã được ban hành rồi thì trong quá trình mình vừa làm, vừa đánh giá. Theo khái niệm của ngành Tư pháp là “theo dõi thi hành pháp luật”, tức là đánh giá các kết quả đạt được, các quy định đó có phù hợp hay không? Nếu chưa phù hợp, chúng ta phải đề xuất điều chỉnh ngay, nhất là các quy định chi tiết.

Khi các văn bản được ban hành rồi, thực hiện thì hàng năm phải đánh giá để kịp thời điều chỉnh, làm sao các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống. Đấy là các nội dung cơ bản của kế hoạch trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta vừa làm, vừa đánh giá, vừa bổ sung, điều chỉnh…

Quy định về áp dụng Luật Thủ đô là quy định hoàn toàn mới và khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Thủ đô là luật đặc thù từ phân cấp, phân quyền, đặc thù từ cơ chế, chính sách, khác với các luật khác. Luật Thủ đô được quyền khác với luật khác và không chịu ràng buộc bởi các luật khác.

Cụ thể, Điều 4 quy định về áp dụng Luật Thủ đô:

1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

08:38 25/07/2024