Tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (30/8), tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị (21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”, được tổ chức trực tuyến tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Độc giả có thể xem toàn bộ cuộc tọa đàm TẠI ĐÂY

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh đã chia sẻ về chính sách chăm lo, trợ giúp cho người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của người khuyết tật được nâng cao.

Với mô hình Sinh kế theo chuỗi giá trị do người khuyết tật làm chủ, nhiều người khuyết tật ở tỉnh Ninh Bình đã có việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Ngọc Tú.
Với mô hình Sinh kế theo chuỗi giá trị do người khuyết tật làm chủ, nhiều người khuyết tật ở tỉnh Ninh Bình đã có việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Ngọc Tú.

Hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động là người khuyết tật (năm 2021).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội. Vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Ngọc Tú
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Ngọc Tú

Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Trong số 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”. Ảnh: Ngọc Tú
Quang cảnh buổi tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”. Ảnh: Ngọc Tú

Trên địa bàn TP Hà Nội có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức. Ảnh: Ngọc Tú
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức. Ảnh: Ngọc Tú

Lao động là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì. Không chỉ vậy, vấn đề người khuyết tật đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi. Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp tận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội.

Tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn” - Ảnh 1

Nhà nước khuyến khích các DN tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận được...

Với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật cũng như có khuyến nghị xây dựng chính sách an sinh cho họ, hôm nay (30/8) báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm trực tuyến tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn” với sự tham gia của các diễn giả:

- Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam.

- Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội.

- Luật gia Phạm Thu Hương - Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia TP Hà Nội.

- Bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.

- Ông Nguyễn Xuân Khánh là Phó Ban Thanh niên, Hội Người khuyết tật Hà Nội.

- Ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art.

- Nguyễn Việt Anh - Đại diện Công ty TNHH Xã Hội Vì người khiếm thính Việt Nam (HLCS Vietnam Co., Ltd).

- Bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng  (địa chỉ tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Các diễn giả tập trung bàn luận để làm rõ những vấn đề:

- Các rào cản khi người khuyết tật đi tìm việc làm.

- Những hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật

- Các giải pháp tăng quyền làm việc, có thêm nhiều người lao động khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo chế độ an sinh xã hội.

Từ những nội dung trao đổi của các diễn giả, bạn đọc sẽ được cung cấp các thông tin bổ ích; đồng thời giúp các chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn khi tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc. Từ thực tế đang diễn ra, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp là người khuyết tật sẽ đề xuất những giải pháp để đảm bảo quyền được làm việc của người khuyết tật cũng như chính sách hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu…

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể tham khảo các khuyến nghị trong buổi tọa đàm để xây dựng chính sách tạo việc làm và bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật một cách phù hợp. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà từ đó góp phần đảm bảo an sinh cho người dân, trong đó có người khuyết tật.

Độc giả có thể xem toàn bộ cuộc tọa đàm TẠI ĐÂY