Tọa đàm, ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân"

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/12, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022), Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Viện lãnh đạo ABG và gia đình cùng nhóm tác giả ở Hà Nội tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".

Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Viện lãnh đạo ABG và gia đình cùng nhóm tác giả ở Hà Nội tổ chức tọa ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".
Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Viện lãnh đạo ABG và gia đình cùng nhóm tác giả ở Hà Nội tổ chức tọa ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".

"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" là một tập hợp các bài viết công phu của 32 tác giả gồm những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà báo, các trợ lý, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Tất cả người viết đều đã từng gặp gỡ, làm việc và có nhiều dấu ấn với cuộc đời và phong cách làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một cuốn sách hay

Sách dày hơn 300 trang, được chia làm 3 phần chính, phần 1- Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước; phần 2- Có một tinh thần Sáu Dân để lại, phần 3- Cháy mãi ngọn lửa khát vọng cho tương lai.

Mở đầu cuốn sách, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài viết “Nhớ cái hào sáng, nghĩa khí Võ Văn Kiệt” khẳng định “Cái tính cách gần gũi, chịu lắng nghe của ông Sáu Dân- một ưu điểm nổi bật mà không phải người lãnh đạo cấp cao nào cũng có”.

Khách mời tọa đàm giao lưu cùng học viên Viện lãnh đạo ABG. Ảnh AT
Khách mời tọa đàm giao lưu cùng học viên Viện lãnh đạo ABG. Ảnh AT

Nhà thơ Trần Việt Phương, nguyên là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có bài “Cảm nhận về anh Sáu Dân” trong đó đề cập đến lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trong các Thủ tướng của nước ta, Bác Hồ kiêm chức Thủ tướng 10 năm đầu của chế độ mới, không ai so sánh cùng Bác được; còn lại 5 người Thủ tướng cho đến nay, là tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải thì anh Võ Văn Kiệt là Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước”. Nhóm soạn thảo đã lấy ý này để đặt tên cho phần 1 của cuốn sách quý "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".

Nhà báo Vũ Kim Hạnh đã đưa đến bạn đọc những dòng hồi tưởng “Nhớ một thời làm báo sôi nổi cùng ông Sáu Dân. Hóa ra, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn làm lãnh đạo tại TP Hồ Chí Minh chính là người đưa ra ý tưởng làm tờ báo cười (1983), chính là Tuổi trẻ cười đang rất ăn khách hiện nay. Phải sát với đời sống người dân lắm, ông Sáu Dân mới biết được mong muốn của bà con cần có nụ cười trong cuộc sống".

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh có bài viết “Võ Văn Kiệt, người đi trước thời đại” đã khẳng định: “Tôi biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt được rất nhiều nhà chính trị trên thế giới tôn trọng. Họ đánh giá bác rất cao, dường như họ nghĩ đây là một trong những người có thể đối thoại được”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã không giấu được ngạc nhiên khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã định hướng đường lối ngoại giao hội nhập theo xoáy trôn ốc, ưu tiên khu vực ASEAN trước tiên.

"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" là một tập hợp các bài viết công phu của 32 tác giả gồm những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà báo, các trợ lý, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh AT
"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" là một tập hợp các bài viết công phu của 32 tác giả gồm những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà báo, các trợ lý, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh AT

Tất cả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân

"Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" được đánh giá là cuốn sách hay vì hầu hết những bài viết đều lần đầu được công bố. 32 tác giả với nhiều lứa tuổi, vị trí công tác khác nhau đều cố gắng tìm cách bày tỏ tình cảm của mình qua ngòi bút để cố gắng khắc họa cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một người đã “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân”.

Các nhân vật chính của buổi tọa đàm gồm: ông Vũ Quốc Tuấn, GS Trần Văn Thọ, GS Võ Đại Lược, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nữ nhà báo Nguyễn Thế Thanh đều là những người nhiều năm gắn bó với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong đó, ông Vũ Quốc Tuấn từng có 10 năm làm trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS Võ Đại Lược, thành viên chính thức Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo là một trong 3 thành viên ở nước ngoài làm việc tại Tổ Tư vấn.

Các mẩu chuyện nhỏ được chia sẻ bởi các vị khách mời phần lớn đã cao tuổi đã giúp người nghe hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của ông Sáu Dân. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng nhưng lại rất gần gũi với thực tiễn đời sống của đất nước, hết lòng vì quyền lợi của người dân. Trong dòng suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc, ông Sáu Dân là người tôn trọng và lắng nghe trí thức, xem trí thức là hiền tài, là nguyên khí quốc gia, không phân biệt nguồn gốc đào tạo.

Buổi tọa đàm, ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều người tham dự. Ảnh AT
Buổi tọa đàm, ra mắt cuốn sách "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân" tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều người tham dự. Ảnh AT

Những chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh (khi còn ở Lào Cai) về những năm tháng làm việc cùng ông Sáu Dân, hay quyết định cấm pháo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua lời kể của Thư ký Nguyễn Thái Nguyên đã khiến cho người ta hiểu thêm về tầm vóc ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới.

Có mặt tại buổi tọa đàm và giới thiệu sách, bà Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bày tỏ tình cảm mà nhóm tác giả, những người có thời làm việc cùng cha mình đã chia sẻ trên trang sách và tại buổi tọa đàm những tình cảm dành cho người cha đã đi xa 14 năm. Để biết vì sao chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét: “Ông là Người Truyền Lửa vĩ đại” thì chúng ta nên tìm đọc "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ Dân".