Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”: Thiếu quy chuẩn kiểm định chất lượng

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, DN, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường đã đưa ra nhiều ý kiến bàn thảo về thực trạng công nghệ tái chế hiện nay, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm đưa sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Khánh
Khó khăn vẫn là phân loại
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các DN có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Như vậy, ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, song còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí tài nguyên rác như hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC) Đỗ Thanh Bái, việc sáng chế nhựa và sản phẩm nhựa là tiến bộ, gắn liền với sự phát triển xã hội, phát triển ngày càng nhanh thì sẽ càng có nhiều vật liệu mới. Nhựa thực chất không có tội mà chính việc quản lý nhựa sau khi sử dụng mới là nguyên nhân chính tác động tới môi trường xã hội. Tái chế là làm thế nào để giúp các sản phẩm đã qua sử dụng quay ngược trở lại với mục tiêu ban đầu. Hiện, công nghệ tái chế ở Việt Nam và Hà Nội quy trình phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới nhưng với quy mô lớn thì chưa có.

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái cho biết, chúng ta hiện đang có 3 công nghệ tái chế chính. Thứ nhất, công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sạch, phân loại và chuyển hóa thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester. Thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng rủi ro là với nhựa y tế, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh nên cần có sự kiểm soát chặt. Công nghệ thứ ba là biến chất thải nhựa thành một phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bê tông, hiện, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng công nghệ này.

“Hiện, Hà Nội và nhiều nơi tại Việt Nam đang chuyển từ 3R sang 5R, tuy nhiên chúng ta vẫn còn cần một số công nghệ khác. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là vấn đề phân loại, không chỉ đảm bảo giá trị kinh tế mà còn giảm đặc tính độc hại cho người dùng, trong đó các nhà bán lẻ và người tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phân loại tại nguồn các nguồn rác thải”- ông Đỗ Thanh Bái nhấn mạnh.

Trao đổi về thực trạng trên, Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Nguyễn Thị Hưởng cho rằng, nguyên nhân do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút DN đầu tư nhà máy xử lý, tái chế chất thải nhựa. "Để thực hiện được, Sở TN&MT Hà Nội đã và đang kiến nghị Bộ TN&MT sớm có cơ chế, chính sách để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện”.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội, nhóm làng nghề tái chế chất thải, đặc biệt là tái chế chất thải nhựa chủ yếu tập trung tại 2 làng nghề Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Hai làng nghề này đều nằm ở vị trí gần trung tâm Thủ đô, công nghệ tái chế cũng còn nhiều hạn chế, trong khi đó các sản phẩm thân thiện với môi trường lại chưa có quy chuẩn về kiểm định chất lượng, thiếu hướng dẫn cụ thể của các nhà sản xuất về sử dụng nên hiệu ứng sử dụng sản phẩm chưa cao.

Hiệu ứng tiêu dùng phụ thuộc vào chất lượng

Trao đổi tại tọa đàm, bà Lại Hà Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông cho rằng, để giảm thải chất thải nhựa độc hại ra môi trường, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng. Tại quận Hà Đông, nhờ những tích cực trong tuyên truyền, người dân, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức. “Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã tổ chức phát động, xây dựng phong trào "3 nhớ" từ tháng 3/2017. Đó là nhớ phân loại rác từ đầu nguồn, nhớ đổ rác đúng giờ, nhớ để đúng nơi quy định. Đến nay, đây là nội dung được chị em nhiệt tình hưởng ứng, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Ví như, nhiều bà mẹ đã chủ động dùng cặp lồng inox đi mua cháo cho con chứ không phải là cặp lồng nhựa như trước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nếu chỉ có sự hưởng ứng từ chị em mà các sản phẩm thân thiện môi trường không chất lượng, không được hướng dẫn sử dụng đúng thì tất cả chỉ dừng lại ở phong trào và khó bền vững” - bà Lại Hà Phương chia sẻ.

Dưới góc độ DN, Phó Tổng Giám đốc BRG Retail (Tập đoàn BRG) Nguyễn Thùy Dương cho biết: "Đứng trên vai trò của người sử dụng, chúng tôi quan tâm đến 2 trách nhiệm giảm sử dụng và tái sử dụng. Dưới góc độ là nhà bán lẻ, hiện tại một số sản phẩm chúng tôi không còn đưa vào kệ hàng như ống hút nhựa hay cốc nhựa dùng một lần, được thay thế bằng cốc giấy, ống hút nhựa bằng tre làm bằng bột mì". Theo bà Nguyễn Thùy Dương, các DN sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, thậm chí ngay cả DN phân phối như BRG Retail cũng rất cần lắng nghe ý kiến phản hồi của người tiêu dùng. Từ đó đề nghị nhà cung cấp cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. "Ví dụ, ống hút để trong cốc nước không sử dụng được trong 2 giờ thì nhà sản xuất phải nghiên cứu điều chỉnh. Nếu không, thị trường sẽ tự đào thải và họ không còn thị phần” - bà Nguyễn Thùy Dương nhìn nhận.

Đồng bộ các giải pháp

Tại tọa đàm, các chuyên gia, DN... đều nhận định, để nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế nhựa, đồng thời đưa các sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống, rõ ràng chúng ta cần phải có những biện pháp đồng bộ, đi từ ý thức của người dân cho đến trách nhiệm của DN tái chế và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cần phải có cơ chế, chính sách và các giải pháp để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần túi ni lông khó phân hủy, phải có cơ quan tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định. Không thể có một giải pháp đơn lẻ mà cần song song, từ phía siêu thị và cả người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Hưởng, để giải pháp đưa ra khả thi, Bộ TN&MT cần sớm hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Cùng với đó, xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng; tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, đặc biệt là DN chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường…

Sau khi Bộ TN&MT có cơ chế, chính sách, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tham mưu UBND TP triển khai các giải pháp tiến hành việc thu gom, phân loại, tái chế thành một chuỗi liên kết, từ đó sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Nguyễn Thị Hưởng