Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch"

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 11/10, tại Hà Nội, báo Kinh tế&Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP tổ chức buối giao lưu trực tuyến với độc giả tại địa chỉ https://kinhtedothi.vn với chủ đề:"Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch".

Thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, TP Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19, song vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh thành, một trong các nội dung quan trọng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu “Chuyển trạng thái an toàn để phát triển kinh tế tại các doanh nghiệp, qua đó vực dậy nền kinh tế...”.
Sau khi dịch Covid-19 từ năm 2020, đặc biệt bùng phát lần thứ tư vừa qua diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Song, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP, sự nỗ lực của chính cộng đồng DN đã đảm bảo sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động và thể hiện văn hóa DN khi chung tay sẻ chia trong công tác phòng, chống đại dịch. Qua đó, góp phần nâng chỉ số PCI của Thủ đô, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn nói riêng, đất nước nói chung...

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề trên, cũng như khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, Ban Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP tổ chức buối giao lưu trực tuyến với độc giả tại địa chỉ https://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch”.

 Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị tặng hoa các khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm:

Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp (Ban Tổ chức 248);

Ông Vũ Tiến Lộc – ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội);

Ông Nguyễn Minh Đức - ĐB HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hanoisme, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị;

Ông Phạm Đình Đoàn – ĐB HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng T.Ư các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái;

Ông Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn edX;

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hanoisme;

CEO Lê Dung – Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP

Tọa đàm trực tuyến diễn ra tại AZ Coffee 175 Tây Sơn - Đống Đa - Hà Nội (cổng trường Đại học Thủy Lợi). Độc giả có thể theo dõi trực tuyến tại https://kinhtedothi.vn và được livestream, zoom trong suốt thời gian diễn ra tọa đàm. Đồng thời tham gia gửi câu hỏi về https://kinhtedothi.vn và đường dây nóng 0866781318. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng kính mời đại biểu, độc giả tham dự buổi Giao lưu - Tọa đàm.

Doanh nghiệp - doanh nhân là một phần không thể thiếu để phát triển đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức gửi lời chúc mừng tới cộng đồng doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: “Tọa đàm là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm, trau dồi kiến thức từ chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đầy bản lĩnh... Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp phản ánh tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị về chính sách thông qua các câu hỏi gửi tới Ban Tổ chức và được giải đáp với mục tiêu cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn”.

 Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị tặng hoa các khách mời. Ảnh: Thanh Hải

Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Nói đến doanh nhân, ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp biên thư gửi “Công Thương cứu quốc đoàn”. Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam khi đó trước thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, DN Việt Nam. Đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Đây là tiền đề khơi nguồn cho sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đất nước.

Khó có thể quên Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) xứ Đoài, hay ông Khổng Lồ - người truyền lại nghề rèn sắt cho dân một số vùng ở Nghệ Tĩnh. Rồi Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục Lương Văn Can (1854 - 1927) với tư tưởng thực nghiệp, tầm tư duy kinh tế nhạy bén. Ông xứng đáng là nhà kinh tế học tiên phong của lịch sử Việt Nam hiện đại.

 Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải.

Đến giờ, nhiều người chưa thể quên vai trò, tầm quan trọng của một số nhà tư sản dân tộc nửa đầu thế kỷ 20 như Trịnh Văn Bô, khởi nghiệp từ cửa hiệu buôn bán tại phố Hàng Ngang. Với tinh thần cầu thị và nghị lực vươn lên, ông đã xây dựng cơ đồ và tạo dựng uy tín hàng đầu trong hoạt động công thương ở Hà Nội cũng như miền Bắc nói chung. Đặc biệt, doanh nhân này sớm giác ngộ, đồng hành cùng cách mạng, ngay cả những lúc khó khăn nhất. Chính ông và người vợ của mình đã hiến tặng phần lớn sản nghiệp cho chính quyền, trở thành biểu tượng về tấm lòng yêu nước, vì sự tiến bộ trong giới doanh nhân.

Một tấm gương khác là doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Đến nay, xã hội vẫn coi ông là hình ảnh minh chứng cho khát vọng, niềm kiêu hãnh và thành công của giới công thương nước nhà. Còn rất nhiều những tấm gương doanh nhân khác đã góp công, góp của vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc. Khi đất nước còn khó khăn, họ sẵn lòng hiến tặng sản nghiệp cho đất nước trên tinh thần đồng cảm và trách nhiệm với xã hội.

Thực tiễn quá trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh cũng như sự phát triển của các quốc gia trong khu vực đã cho thấy doanh nhân và DN là một phần không thể thiếu để phát triển đất nước.

Trong bài báo “Con đường phía trước” (với bút danh là C.K) đăng trên báo Nhân Dân ngày 20/1/1960, Bác viết: “Đời sống Nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: Dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường”.

Tiếp đó, Người chỉ rõ: “Muốn có nhiều máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu… Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà…”.

 Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải

Thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức hỗ trợ cho DN. Đồng thời, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng đã tạo động lực phát triển kinh tế.

Việc Đảng, Nhà nước ta đưa doanh nhân lại gần hơn với vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức cũng phần nào chứng tỏ rằng, tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã và đang trở thành một trong những lực lượng có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội, sự nỗ lực vượt khó, bản lĩnh của chính cộng đồng DN đã duy trì hoạt động, phục hồi sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung... Bản lĩnh của doanh nghiệp vượt khó không chỉ có vậy, điều đáng trân quý hơn họ luôn sẻ chia trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Khi đại dịch Covid-19, toàn xã hội đồng lòng, trong đó từ DN nhỏ, siêu nhỏ đến các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), EVN, Vingroup, Trường Hải, Sun Group, Vietjet, T&T GRoup... và ngay cả Tập đoàn  Phú Thái của anh Phạm Đình Đoàn có mặt trong tọa đàm ngày hôm nay, cùng cộng đồng DN đã nỗ lực, bản lĩnh trước đại dịch. Hàng loạt các thương hiệu FPT, Vinamilk, Viettel, Sabeco, Masan Consumer… đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đang được thị trường quốc tế quan tâm.

Không chỉ có thế, vừa duy trì sản xuất an toàn, hơn bao giờ hết, các tập đoàn, DN, doanh nhân... thể hiện tinh thần vì cộng đồng chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch. Việc góp sức cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, tặng trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... cho tuyến đầu chống dịch, cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mong muốn vì một xã hội an toàn chính là cách bảo vệ DN của mình, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bộc lộ nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cần khẳng định trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19, DN đang nỗ lực, chứng minh bản lĩnh từng bước chuyển sản xuất, kinh doanh sang trạng thái an toàn để đất nước phục hồi kinh tế.

Thay mặt Ban Tổ chức, Tổng biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức gửi lời cảm ơn các diễn giả, khách mời tham dự chương trình và mong muốn ở phần đối thoại mọi người sẽ chia sẻ, giải đáp một cách thẳng thắn, cởi mở. Đồng thời, cảm ơn các doanh nghiệp doanh nhân đã đồng hành để sự kiện được tổ chức thành công… Hi vọng các đơn vị, khách mời sẽ tiếp tục đồng hành với báo Kinh tế&Đô thị trong các chương trình lần sau với mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 6

    Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp (Ban Tổ chức 248)

    Ông Lê Doãn Hợp

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 7

    ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

    Ông Vũ Tiến Lộc

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 8

    Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội)

    Ông Lê Xuân Nghĩa

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 9

    ĐB HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hanoisme, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị

    Ông Nguyễn Minh Đức

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 10

    ĐB HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng T.Ư các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái

    Ông Phạm Đình Đoàn

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 11

    Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn edX

    Ông Nguyễn Đình Hùng

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 12

    Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hanoisme

    Ông Mạc Quốc Anh

  • Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 13

    Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP

    CEO Lê Dung

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Từ những vấn đề được chia sẻ tại cuộc tọa đàm, ông có đánh giá như thế nào, nhất là trước những kiến nghị của cộng đồng DN thì với tư cách Đại biểu HĐND TP Hà Nội, ông có giải pháp gì để hỗ trợ?  Đồng thời nhận xét gì về trách nhiệm của cộng đồng DN trong phòng chống Covid-19?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 14
Ông Nguyễn Minh Đức trả lời:
Cuộc tọa đàm ngày hôm nay trước hết là gửi đến thông điệp của xã hội, người dân, Chính phủ nhằm tri ân sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trước cuộc chiến chống dịch Covid-19. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn nhưng vẫn thắt lưng buộc bụng nhằm đóng góp vào quỹ vaccine cũng như hỗ trợ lực lượng chống dịch.
Những hoạt động trên là hết sức đáng quý và cần phải tôn vinh cũng như tri ân tới cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi xin nhất trí cao với các ý kiến đóng góp từ chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại cuộc tọa đàm ngày hôm nay.
 Ông Nguyễn Minh Đức phát biểu tại tọa đàm.
Trên thực tế, đại dịch đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nếu không sẽ không thích ứng được với môi trường vừa kinh doanh vừa phòng dịch. Ngay như báo Kinh tế & Đô thị đã phải thay đổi từ cách tác nghiệp cho đến đa dạng các dịch vụ cung cấp cho bạn đọc.
Đối với doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, phương thức bán hàng. Ngay tại báo Kinh tế & Đô thị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, đưa sản phẩm chính lên online. Đây là điều tương tự với doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa dịch vụ, tìm kiếm cách thức bán hàng mới.
Bên cạnh đó, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải có một kế hoạch tài chính căn cơ, vừa phải tận dụng chính sách vừa huy động các nguồn lực mới đảm bảo tình hình tài chính tốt. Ngay trong năm 2021 phải tính năm 2022 thế nào, đến năm 2025 phải làm sao.
Ngoài ra, rất cần có sự đoàn kết trong nội bộ, việc đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp cũng là điều rất quan trọng. Tinh thần đoàn kết đã tăng lên sẽ là yếu tố quan trọng để chúng ta có thể vượt qua được đại dịch.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Câu chuyện của DN đã cho ta kinh nghiệm và góc nhìn lạc quan về nền kinh tế, tuy nhiên ông có đề xuất nào cần thiết nhất đối với DN bản thân nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong lúc này. Ông có hiến kế gì để DN phục hồi, vực dậy nền kinh tế cho Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung?
 
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 16
Ông Phạm Đình Đoàn trả lời:
Cá nhân tôi có 3 đề xuất như sau: Thứ nhất, để xây dựng được một DN vững mạnh đã phải mất rất nhiều thời gian, lên tới 20 – 30 năm và rất nhiệu tiền của để trả lương cho nhân viên, chi trả bảo hiểm, đóng thuế… do đó để tránh các thiệt hại lớn trong thời gian khó khăn này, cần kịp thời hỗ trợ các DN, thông qua việc cho các DN nợ cũng như giãn thời hạn trả.
Thứ hai, rõ ràng dịch bệnh sẽ còn kéo dài, do đó cần giảm thiểu được các thủ tục cản trở, hạn chế đối với các DN. Như ông Vũ Tiến Lộ đã chia sẻ, chính việc tái mở cửa đã góp phần kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của DN lúc này.
Qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng cần tạo được cuộc cách mạng để phát động việc xây dựng được các DN thực sự lành mạnh, bền vững và tập trung hỗ trợ những DN này, qua đó thúc đẩy cộng đồng DN quốc gia phát triển vững mạnh thực chất.
Cuối cùng, nhìn lại lịch sử các cuộc chién của dân tộc, VN đã thành công khi kêu gọi được sức mạnh toàn dân, sức chiến đấu của cộng đồng để vượt qua mọi thách thức. Điều này vẫn sẽ đúng với cuộc chiến Covid-19 hiện nay. Chúng ta cần kêu gọi được sức mạnh đó, trong đó “cỗ xe tam mã” chính quyền - doanh nghiệp - người dân cần được quan tâm, chăm chút để sẵn sàng cho mọi thách thức. Có như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua, vì một Việt Nam thịnh vượng.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Đây là thời điểm DN tái sản xuất, tăng tốc kinh doanh, theo ông cần phải có giải pháp nào để hỗ trợ nào để DN vượt khó?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 17
Ông Vũ Tiến Lộc trả lời:
Theo tôi, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN.
Thứ nhất là “Trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Theo tôi, kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.
Thứ hai là “Tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.
Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó khăn.
Đặc biệt, bây giờ yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là DN kinh doanh, nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Do đó, theo tôi, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.
Thứ ba là “Thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.
Thứ tư là cải cách “Thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế.
Thứ năm là “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.
Đối với các DN, tôi khuyến nghị, DN cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số. Cách mạng 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là xã hội hóa DN. Đây là định hướng chiến lược mà DN cần tính đến. Theo tôi, giá trị của DN không chỉ đơn thuần là đánh giá về tài sản mà cần được đánh giá bằng đóng góp cho xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của DN.
Như vậy có thể khẳng định, số hóa, xanh hóa và xã hội hóa là 3 việc rất quan trọng mà các DN phải xây dựng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của DN.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Từ thực tiễn của DN, ông Phạm Đình Đoàn có thể chia sẻ kinh nghiệm vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người lao động?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 18
Ông Phạm Đình Đoàn trả lời:
Thời gian dịch bệnh khó khăn qua, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp VN có thể lên tới 200 – 300 nghìn tỷ, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. Do đó, tôi rất đồng tình với chia sẻ của ông Lê Xuân Nghĩa rằng điều các DN đang cần là sự hỗ trợ các dòng tiền từ nhà nước, nhằm duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho các lao động - những người đã phải bỏ về quê trong thời gian dãn cách khó khăn qua.
 Ông Phạm Đình Đoàn tham gia giao lưu với độc giả. Ảnh: Thanh Hải
Như ông Lê Xuân Nghĩa đã nói, sự hỗ trợ của nhà nước đối với dòng tiền cho các DN lúc này xuất phát từ các nguồn vốn sẵn có của nhà nước, cho các DN vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn. Nhờ đó, các DN có thể cân đối lại dòng tiền, duy trì hoạt động. Mặc dù việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều DN đang làm tốt phải ngừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền. Bởi đối với các DN đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại về nguồn tiền, sụp đổ thương hiệu đã xây dựng lâu năm là vô cùng lớn. Do đó, tôi cho rằng nhà nướcc cần mạnh dạn hỗ trợ DN và người lao động càng sớm càng tốt, và hỗ trợ ở mức độ cao dưới đa dạng các hình thức nói trên.
Đối với cộng đồng DN, đặc biệt là khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, thì chúng ta cần chủ động triển khai 3 kế hoạch. Thứ nhất là việc tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực, trong đó duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả.
Thứ hai là các DN cần có kiến thức về các hoạt động M&A - mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Những hoạt động này là hết sức bình thường với các DN, giống như mua bán sản phẩm dịch vụ thông thường.
Thứ ba, trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ của nhà nước, các DN cùng cần chủ động đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng, người lao động, là giải pháp tình thế để duy trì dòng tiền.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Với vai trò là cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, ông có những kiến nghị, đề xuất như thế nào với Chính phủ và TP Hà Nội để phục hồi nhanh nền kinh tế?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 20
Ông Mạc Quốc Anh trả lời:
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết làm cơ sở pháp lý áp dụng ngay các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.
 Ông Mạc Quốc Anh trả lời câu hỏi của độc giả tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch, tôi đề nghị Chính phủ và UBND TP Hà Nội cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và DN, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.
Song song với đó, giảm thuế thu nhập DN bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những DN, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Ông đánh giá bức tranh kinh tế sau giãn cách xã hội sẽ như thế nào? 
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 22
Ông Lê Doãn Hợp trả lời:
Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” chính là sự quyết tâm đoàn kết, sáng tạo vượt khó. Tôi là người từng tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ phải nói rằng dịch Covid-19 gần như 1 cuộc thực nghiệm rất oanh liệt và sáng tạo, có những mặt ác liệt hơn đánh Mỹ vì có quy luật, chúng ta có thể tiếp cận từ xa, chuẩn bị chiến đấu. Thế nhưng đối với Covid-19 thì chúng ta thấy hoàn toàn không có quy luật.
 Ông Lê Doãn Hợp trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Tôi đồng tình với ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa, sau Covid-19 chúng ta thấy có các bài học cho doanh nghiệp.
Trong đó, bài học đầu tiên là vai trò của chính quyền cơ sở, xã phường là nền tảng chính trị quốc gia. Xã yếu thì tỉnh yếu, trung ương yếu. Chúng ta nghĩ cấp trên khó làm hơn cấp dưới nhưng tôi cho rằng cấp nào gần dân nhất là khó làm.
Bài học thứ 2: Vai trò của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Bài học thứ 3: 70% đóng góp GDP là của doanh nghiệp, nếu không có doanh nghiệp thì chúng ta còn khó khăn như nào. Doanh nghiệp Việt Nam làm 5 nhiệm vụ vẻ vang, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt làm các chính sách xã hội nhân đạo; doanh nghiệp hợp tác; doanh nghiệp là nơi đào tạo cán bộ làm kinh tế giỏi. Đây là đội ngũ rất quan trọng nếu muốn cho đất nước phát triển.
Bài học thứ 4 chính là xây dựng niềm tin.
Tôi đồng tình với các giải pháp đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn trong đại dịch là chính sách vốn, thuế, kích cầu. Nhà nước cần xử lý các vấn đề đó, trong đó sửa 3 cơ chế: Từ cơ chế quản lý sang cơ chế làm việc, từ quản lý trách nhiệm sang khắc phục trách nhiệm, cái gì nhà nước không cấm thì mở ra cho doanh nghiệp làm mà không phải cơ chế xin-cho.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT để hoạt động 1 cách rõ ràng, minh bạch trong quản lý là một cách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Chúng ta cần tìm khó khăn tháo gỡ cho doanh nghiệp, đối với khu vực miền Nam doanh nghiệp muốn mở lại sản xuất trong điều kiện người lao động bỏ về quê hương thì nên cần củng cố nguồn lực này.
Chúng ta cần nghiên cứu gói kích cầu đủ mạnh, vừa cho doanh nghiệp, lao động, vốn liếng. Chúng ta cần làm giải pháp một cách đồng bộ nếu không sẽ không hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đã đến lúc vay cho tương lai sống cho hiện tại, chúng ta tìm nhiều cách để vay. Doanh nghiệp phát triển là quốc gia phát triển, doanh nghiệp giàu mạnh là quốc gia giàu mạnh.
Bạn đọc MC Lê Dung ( Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các DN là chủ đề nóng được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Rất nhiều ngành, trong đó có dịch vụ may mặc, thời trang bị tác động và ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy do đại dịch Covid. Liệu chuyển đổi số - chìa khoá Công nghệ 4.0  giúp các DN chuyển mình thành công, với các thương hiệu thời trang thì để “luôn trong cuộc chơi” và tăng doanh số, TMĐT liệu có phải lá bài duy nhất hay còn cách thức nào khác, thưa ông Hùng?

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 24
Ông Nguyễn Đình Hùng trả lời:
Cần khẳng định, chuyển đổi số hay thương mại điện tử chắc chắn không phải là lá bài duy nhất cho các doanh nghiệp thích ứng thời dịch bệnh, nhưng nó là điều kiện cần thiết, không thể thiếu được đối với mọi doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại.
 Ông Nguyễn Đình Hùng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Doanh nghiệp muốn tồn tại, khi dịch bệnh kéo dài thì buộc phải có giải pháp thay đổi một cách đồng bộ trên mọi mặt trận, như tái cấu trúc chiến lược, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, nhân sự online,…
Dịch bệnh kéo dài nhiều ngày, người dân ở nhà, nhu cầu mua sắm online tăng cao hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội vàng của doanh nghiệp chuyển sang bán hàng online. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội này, chuyển kinh doanh truyền thống sang kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online thì không những  không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn tận dụng được thời cơ, sự quyết tâm chuyển đổi sang bán hàng online. Doanh nghiệp có thể đạt được doanh thu lớn, thương hiệu ra tăng với chi phí thấp hơn việc duy trì các cửa hàng kinh doanh truyền thống.
Dịch bệnh kéo dài, nhân sự làm việc tại nhà là tất yếu, doanh nghiệp cần ngay lập tức ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý công việc, nhân sự,… để điều hành doanh nghiệp từ xa, để nhịp độ làm việc vẫn diễn ra bình thường,  nhân sự không bỏ việc, chuyển sang lĩnh vực khác, đơn vị khác. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thể tận dụng được một lượng lớn nhân sự cộng tác từ xa bán hàng cho mình mà không tốn nhiều chi phí như nhân sự cơ hữu.

Bạn đọc MC Lê Dung ( Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Thưa ông Nguyễn Đình Hùng, DN đã thực hiện những giải pháp nào để phòng chống dịch trong khi vẫn đảm bảo hoạt động, cũng như đảm bảo đời sống cho nhân viên?

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 26
Ông Nguyễn Đình Hùng trả lời:
Trong thời gian đầu, Tập đoàn edX không để ý nhiều lắm đến dịch bệnh nhưng không ngờ lại kéo dài đến thế và tới hiện tại cũng không thể đoán trước được dịch kéo dài bao năm nữa. 
Trên thực tế, edX đã bị ảnh hưởng nặng tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế. Mảng nhập hàng qua Hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng bị tạm ngưng do nhu cầu khách hàng giảm, công tác vận chuyển, logistic bị gián đoạn, giá hàng hoá tăng cao.
Đặc biệt mảng giáo dục đào tạo của của edX bị ảnh hưởng lớn, sinh viên nghỉ học nhiều tháng liên, công tác tuyển sinh gặp khó khắn lớn. 
Tuy nhiên, edX nhận thấy, dịch bệnh không thể kết thúc trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp cần phải có giải pháp triệt để, thích nghi với diễn biến phức tạp.
Trước tiên, để không gián đoạn công việc, edX chuyển toàn bộ hoạt động lên online, nhân sự làm việc online, họp online hàng ngày, báo cáo kết quả hoạt động hàng ngày, đào tạo online. Tận dụng nguồn cộng tác viên online.
Bên cạnh đó, edX triển khai thêm dự án xây dựng Hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate- Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD. Ngoài ra, edX cũng đã mở thêm khoá đào tạo ngắn hạn về Blockchain, bước đầu rất khả quan, đã thu hút được hàng trăm học viên tham dự.
Để gia tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ cán bộ công nhân viên, edX đã triển khai thêm nhiều dự án tư vấn tái cầu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp, tư vấn mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Bạn đọc MC Lê Dung ( Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:

  Về tái cấu trúc DN phục hồi kinh tế, xin ông chia sẻ về vấn đề này?

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 27
Ông Lê Xuân Nghĩa trả lời:

Bây giờ chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại, DN phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động.

 Ông Lê Xuân Nghĩa trao đổi với độc giả. Ảnh: Thanh Hải

Thứ hai, DN cần xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét.

Hiện nay, rất nhiều nước áp dụng cơ chế xoá nợ, không đòi được thì phải xoá nợ. Cái gì do khách quan thì xoá bỏ. Thứ ba, phải có gói kích thích tiền tươi thóc thật hỗ trợ DN, phải có phương án dãn hoãn nợ cho DN chứ không chỉ đến 30/6/2022.

Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Trên thị trường, ngành nghề nào sẽ phát triển và ngành nghề nào sẽ gặp khó khăn? Với rất nhiều khó khăn mà cộng đồng DN đang đối mặt, chúng ta phải làm gì để tập trung khơi dậy nguồn nội lực từ hệ thống doanh nghiệp trong nước và khu vực kinh tế tư nhân?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 29
Ông Lê Doãn Hợp trả lời:
Sau Covid-19 sẽ có rất nhiều ngành liên quan đến sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, CNTT là những ngành thuận lợi. Có những ngành khó khăn như dân dụng, du lịch, bất động sản và nông nghiệp.
 Ông Lê Doãn Hợp phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Chúng ta mở sản xuất trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn, tôi cho rằng có 4 giải pháp cần thực hiện: Quy tắc 5k, vaccine, ứng dụng thành tựu trong chuỗi hoạt động bao gồm truyền thông, biện pháp tài chính. 4 vấn đề này cần làm quyết liệt.
Chúng ta phải có niềm tin và tôi tin là chúng ta sẽ có giải pháp tốt để thành công.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế. Ông đánh giá như thế nào khả năng hồi phục của các DN?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 31
Ông Vũ Tiến Lộc trả lời:
Động thái nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế làm tôi nhớ đến tên một bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Tôi tin rằng, tháng Mười là tháng “hồi sinh” của các DN. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh đã mở cửa từ 1/10.
Theo tôi, mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN, hay còn gọi là trợ hợp cho DN, để DN “thở” được. Các biện pháp mở cửa thị trường của chúng ta trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã kiểm soát được dịch Covid-19 thực sự là tín hiệu vui để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của các DN. Tất nhiên, sự trở lại này vẫn còn vô vàn khó khăn đi kèm.
 Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Đối với các đơn hàng xuất khẩu, một số DN đang tiếp tục sản xuất đơn hàng. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của DN đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng chuyển đi nơi khác. Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.
Từ giờ đến cuối năm 2021 chúng ta mất khá nhiều cơ hội về đơn hàng xuất khẩu. Nhưng chúng ta cũng kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. Bởi, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng DN.
Một điều đáng quan tâm là hiện nay, rất nhiều lao động ở phía Nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các DN sản xuất phía Nam. Đăc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các DN phía Bắc, nhiều DN đang cũng đang thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, theo tôi đây cũng là cơ hội để một lượng lớn người lao động “ly nông bất ly hương”, là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bạn đọc MC Lê Dung (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện tượng nợ xấu của DN đang là vấn đề nan giải, ông có nhìn nhận và đánh giá như thế nào? Việc tái cấu trúc DN hậu dịch sẽ ra sao?

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 33
Ông Lê Xuân Nghĩa trả lời:
Nợ xấu ở Việt Nam là bệnh nền của nền kinh tế ngay cả khi chưa có Covid-19. Nay khi có dịch bệnh, nợ xấu đã trở thành vấn đề lớn. Chúng ta lo ngại khoanh nợ, giãn nợ sẽ gây khó khăn cho ngân hàng thế nào? Vay dài hạn, vốn lưu động… cũng rất dễ trở thành nợ xấu nếu DN khó khăn. Tôi nghĩ phần lớn DN của ta hiện nay đang rất khó khăn nợ xấu, không có tài sản đảm bảo.
Tôi cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng nên được thảo luận một cách nghiêm túc.
 Ông Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động. Chưa có nước nào tài trợ qua ngân hàng.
Như Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho DN và người dân 5.800 tỷ USD, GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ, như vậy chiếm hơn 1/4 GDP, phục hồi rất nhanh. Thậm chí, Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh hơn 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Họ hỗ trợ người lao động được hưởng lương và cho những DN lớn vay, tức là những DN cần phục hồi vay. Còn những DN hỗ trợ thông qua quỹ bảo lãnh DN. Hay châu Âu dùng gói 6.000 tỷ USD/15.000 tỷ GDP.
Điều đó cho thấy phải hà hơi tiếp sức ngay để có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vậy ở nước ngoài, trong điều kiện khẩn cấp lấy ở đâu, lấy ở ngân hàng Trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng Trung ương. Sau này ngân hàng trung ương giữ trái phiếu và bán trái phiếu ra thu tiền về chống lạm phát.
Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ hơn 1 tỷ USD, mới được có không phẩy mấy phần trăm GDP, rất khó phục hồi.
Lâu nay chúng ta có thị trường ngoại tệ đang giao cho ngân hàng Trung ương quản lý, 107 tỷ USD. Từ trước đến nay chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. Chống dịch như chống giặc. Giờ giặc đến nhà “vào tận gầm giường rồi” mà không bỏ ra. Chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Có tiền nhưng không bỏ ra. Chúng ta phải tin DN, tiền tiềm năng của DN nằm sẵn cầu của người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, với Việt Nam không cần phát hành trái phiếu chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ là nguồn lực rất lớn. Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.
Bạn đọc MC Lê Dung: (Moderator - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGROUP) hỏi:
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chịu tác động nặng nề nhất phải kể đến cộng đồng DN. Ông nhận định như thế nào về những khó khăn mà DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt?
Tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch" - Ảnh 35
Ông Vũ Tiến Lộc trả lời:
Theo tôi, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn. Thứ nhất là giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của DN hiện tại.
Thứ hai là siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được.
Thứ ba là chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Nếu DN có hợp đồng không thể vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu được.
Thứ tư là cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của DN đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.
 Ông Vũ Tiến Lộc trao đổi với độc giả tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều DN hiện nay đang trong tình trạng “kiệt quệ”. Như chúng ta đã biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới nhưng có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới.
Điều đáng nói là ngay cả các DN duy trì hoạt động tại chỗ được cũng chỉ hoạt động được 10 – 15% công suất, ít DN nào hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn.
Có thể nói rằng cùng lúc DN phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều DN sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.