Tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” - Ảnh 1

Kinhtedothi - Sáng 16/6, tại trụ sở báo Kinh tế&Đô thị (21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội) diễn ra tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động, người lao động.

Ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, năm nay còn có mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nhưng giá xăng kéo theo giá cả sinh hoạt tăng khiến cho cuộc sống của người lao động vẫn còn khó khăn.

Với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn về mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản và mức lương đủ sống của công nhân lao động, báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”.

Buổi tọa đàm được tổ chức trực tuyến từ 9 giờ 00 ngày 16/6 tại địa chỉ  http://kinhtedothi.vn

Lãnh đạo báo Kinh tế&Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tặng hoa các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Lãnh đạo báo Kinh tế&Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tặng hoa các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Tham dự buổi tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” có các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động, người lao động:

  1. TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
  2. PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH.
  3. Bà Mai Thị Thùy – Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
  4. Bà Hà Thị Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy.
  5. Bà Nguyễn Thủy - Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Thống Nhất Hà Nội.

Phát biểu mở màn buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết: "Thuật ngữ lương tối thiểu vùng xuất hiện sớm nhất từ Bộ luật Lao động năm 1994, có hiệu lực từ ngày 01/01/1995. Cũng theo Điều 56 Bộ luật này, lương tối thiểu vùng do Chính phủ quyết định và công bố sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, phải đến năm 2007, Chính phủ mới ban hành Nghị định đầu tiên về lương tối thiểu vùng là Nghị định 167/2007/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định này được bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2008."

Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: "Hiện nay, theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu vùng hầu như đều tăng dần qua các năm. Riêng giai đoạn năm 2021 và sang đầu năm 2022, mức lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ muốn các doanh nghiệp tập trung nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

Sang đến năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, lương tối thiểu vùng hiện nay cũng đang chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của lao động. Do đó, thay vì tăng từ 01/01 như các năm trước, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022.

Và ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đó là tin vui với người lao động. Nhiều người lao động cho biết, tuy rằng, số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho họ bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas, tiền thuê nhà…

Tuy nhiên, dù mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thì các vấn đề về mức lương tối thiểu vẫn còn không ít những băn khoăn: Việc kiểm soát các doanh thực hiện tăng lương như thế nào, tăng lương có cắt giảm phúc lợi xã hội, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH ra sao? Nghị định số 38/NĐ-CP không còn quy định những người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, người lao động có bị thiệt thòi…?"

"Trong cuộc tọa đàm hôm nay, tôi rất mong các diễn giả tập trung bàn luận để làm sáng tỏ các vấn đề sau: Lương tối thiểu ở Việt Nam được hiểu như thế nào? Lương tối thiểu đã đủ sống? So sánh mức lương tối thiểu của Việt Nam với các nước ASEAN.

Để từ những thông tin của diễn giả, không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích, mà còn giúp các nhà quản lý Nhà nước, chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn về lương tối thiểu có tiệm cận mức sống tối thiểu của công nhân lao động, ưu nhược điểm trong chính sách tiền lương của Việt Nam so với các nước trong khu vực." - Ông Nguyễn Minh Đức nói.

"Cuộc tọa đàm ngày hôm nay nằm trong chương trình của báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với tổ Chương trình - ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) trong cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng”. Chúng tôi xin cảm ơn các diễn giả đã nhiệt tình đến với buổi tọa đàm hôm nay. Chúc tọa đàm thành công tốt đẹp!" - Ông Nguyễn Minh Đức kết thúc bài phát biểu.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi: 

Định nghĩa của Oxfam năm 2019: Lương đủ sống là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường để duy trì mức sống đầy đủ cho bản thân và gia đình. Đó là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian (40 – 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết, bao gồm: Thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các việc bất khả kháng xảy ra).

Ở Việt Nam, chúng ta dùng khái niệm mức lương tối thiểu trong các quy định. Vậy theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông cho biết về cách tính lương tối thiểu ở Việt Nam như thế nào?

Hiện nay, người ta hay nói đến mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản, mức lương đủ sống; tuy nhiên nhiều người lao động phổ thông rất khó phân biệt. Qua buổi tọa đàm hôm nay, ông có thể làm rõ khái niệm của từng loại?

 

Ông Tạ Việt Anh  - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Ông Tạ Việt Anh  - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời:

Tiền lương là mối quan tâm của mọi người lao động. Tôi rất chia sẻ phần dẫn của Ban tổ chức, khi tôi đi gặp người lao động, công nhân, họ hay hỏi tôi bây giờ lương thấp quá. Nhưng bên quản lý cho biết hiện mức lương đã trả cao hơn lương tối thiểu vùng. Quả thật, về khái niệm và thực tiễn, thế nào là mức lương tối thiểu (MLTT), mức lương cơ bản, tiền lương thực nhân, hay lương đóng bảo hiểm? Các đối tượng cần thống nhất thêm.

Về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay, về cơ sở pháp lý, Bộ luật Lao động điều 91 quy định rõ MLTT trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.

TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Quang Tấn
TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Quang Tấn

Nhưng hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5,7% để trả cho người lao động. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.

Ngoài ra, tôi có thể chia sẻ cách xác định mức sống tối thiểu (MSTT) của Hội đồng tiền lương quốc gia dựa trên phương pháp khá cổ điển đã áp dụng từ lâu ở nước ta đó là: MSTT của 1 người lớn trước tiên = tính giá tiền LTTP (2.300 kcalo/ngày) + phi lương thực thực phẩm -> tổng bao nhiêu x xuất trẻ em = 70% của người lớn.

• Giá tiền LTTP 1 tháng: Xây dựng rổ hàng hoá, khối lượng, giá cả tương ứng để xác định số tiền bảo đảm đủ 2.300 Kcalo/ngày x 30 ngày.

• Giá tiền Phi LTTP = 1,11 giá trị LTTP (cơ cấu: 52,5% – 47,5%)

• Cộng lại được bao nhiêu x 1,7 lần (bao gồm cả trẻ em) = MSTT.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi

Thưa bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH, nhiều năm nghiên cứu về chính sách lao động tiền lương, bà có thể cho biết, ở các nước, người ta sử dụng mức lương cơ bản hay mức lương đủ sống để tính lương cho người lao động?

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH trả lời:

Việt Nam là một trong những nước thực hiện theo Công ước số 26 của ILO về lương tối thiểu. Khi đó, xây dựng lương tối thiểu dựa trên 6 nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ; chỉ số giá sinh hoạt; khả năng chi trả của DN; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí đào tạo, chi trả liên quan đến các chính sách về thị trường lao động; DN tái đào tạo chiếm đến 25 -30% tổng chi phí liên quan đến người lao động...

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn.

Khái niệm tiền lương tối thiểu là do tổ chức người lao động đưa ra. Lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người làm việc trong điều kiện bình thường. Chúng ta cũng phải phân biệt các yếu tố trong cơ cấu tiền lương gồm có tiền lương cơ bản, các phần chi phí DN trả cho người lao động và tiền lương gắn với năng suất lao động.

Quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay là người lao động làm việc 26 ngày/tháng, 8 giờ/ngày thì DN mới đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động.

Quay trở lại quy định lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua, cách tiếp cận đó chưa phải là tối ưu nhưng là phương pháp tiếp cận khá tốt, đi theo khuyến nghị của ILO; dựa trên 2 nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm.

Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp đi do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác; chi phí tiền nhà, họ khai báo rất thấp.

Về cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam, khi xây dựng chính sách xã hội, dựa trên điều kiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực tế ký hợp đồng lao động chỉ khoảng 60% và thực hiện trong nhóm DN nhà nước, PDI. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên, mỗi năm cần đợi Hội đồng tiền lương quốc gia họp và đề xuất mức và thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào mức điều chỉnh theo chỉ số CPI, tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung cầu lao động.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Những năm qua, mỗi năm Chính phủ có quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vùng (trừ 2 năm 2020 và 2021 không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng) thì doanh nghiệp thực hiện trả lương cho người lao động như thế nào?

 

Bà Nguyễn Thủy – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Cty CP Thống Nhất Hà Nội trả lời:

Ở phương diện doanh nghiệp sản xuất, tôi xin chia sẻ thực tế: Trước đây, Công ty Xe đạp Thống Nhất là doanh nghiệp Nhà nước. Từ năm 2017, Công ty chính thức trở thành Công ty Cổ phần. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự năng động, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Cty đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ đầy tích cực. Chúng tôi tự hào là một thương hiệu thương hiệu Quốc dân.

Bà Nguyễn Thủy – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Cty CP Thống Nhất Hà Nội trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Bà Nguyễn Thủy – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Cty CP Thống Nhất Hà Nội trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Những năm vừa qua, Chính phủ không có những đợt tăng lương cơ bản tối thiểu vùng nhưng Công ty CP Thống nhất, dù ít dù nhiều đều có những lần tăng lương cho cán bộ, CNV, NLĐ. Tăng lương có thể là định kỳ hoặc đột xuất với những người lao động đạt thành tích tốt. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới đời sống của cán bộ, CNV, NLĐ từ những sự quan tâm nhỏ nhất.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Hai năm qua do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về doanh thu. Theo dõi các doanh nghiệp nằm trong Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội có thể chia sẻ gì về cách thực hiện chi trả nguồn lương tối thiểu của các doanh nghiêp cho công nhân của họ? Mức lương đó có giúp công nhân duy trì cuộc sống trong những ngày giãn cách cũng như khó khăn của dịch bệnh? 

 

Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội trả lời:

Hai năm qua, do ảnh hưởng của Covid -19, nhiều đơn vị bị ảnh hưởng, vậy cách chi trả của DN có đảm bảo không? Đứng về góc độ Hiệp hội tôi nhận định, hai năm qua do ảnh hưởng của Covid-19, mọi tầng lớp xã hội đều gặp khó khăn.

Tuy nhiên, có những DN vẫn trụ được và sản xuất bình thường, nên Nhà nước có chủ trương 3 tại chỗ, đối với các DN không bị ảnh hưởng nhiều vẫn thưc hiện giãn cách tại chỗ, vẫn được trả lương bình thường (không phải mức lương tối thiểu) và thậm chí, có những phụ cấp thêm.

Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn

Đối với các làng nghề truyền thống, nhiều cở sở sản xuất có hàng trăm lao động nhưng không ký HĐLĐ nên gặp rất nhiều khó khăn, du lịch đóng cửa, các làng nghề không bán được hàng, đồng nghĩa họ phải đóng cửa và người lao động thất nghiệp. Câu hỏi đặt ra là lương cơ bản có duy trì được không trong thời gian Covid-19? Người lao động Việt Nam rất năng động, họ đã nỗ lực tìm kiếm việc làm trong thời kỳ này để duy trì cuộc sống.

Hậu Covid-19, rất nhiều DN thiếu lao động. Họ chật vật đi tìm người, và đây là cơ hội cho người lao động. Chính vì vậy, DN nên thật sự quan tâm đến người lao đông và có những chế độ đãi ngộ dù nhỏ, đáp ứng nhu cầu cơ bản của NLĐ như cơ sở vật chất, thưởng, chế độ nghỉ mát... thì sẽ giúp giữ chân và thu hút được người lao động.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Với vai trò là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi, quan tâm đến đời sống của công nhân trong công ty, bà Hà Thị Phương Anh – Chủ địch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy có thể chia sẻ thông tin về mức lương tối thiểu nhận được hàng tháng của công nhân công ty, nhìn mặt bằng mức lương đó có đủ chi tiêu cho tiền nhà, tiền học tập của các con và các tiền sinh hoạt phí của gia đình? Khó khăn mà công nhân công ty của bà chị gặp phải nhất thời gian gần đây với mức thu nhập đó là gì?

 

Bà Hà Thị Phương Anh – Chủ địch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy trả lời:

Mức thu nhập tối thiểu tại Công may liên doanh Plummy ở thời điểm hiện tại 5tr320/tháng. Mức bình quân chung theo khảo sát của Công đoàn cơ sở 6 tháng đầu năm 2022: 5tr680/ tháng/48h lao động/tuần. So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước tôi khẳng định người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu, và có thể dự phòng. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.

Bà Hà Thị Phương Anh – Chủ địch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy. Ảnh: Quang Tấn
Bà Hà Thị Phương Anh – Chủ địch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy. Ảnh: Quang Tấn

Tôi chưa tính đến những phát sinh ốm đau, hay cưới giỗ, thăm hỏi, quê quán, tôi đang nói đến sự leo thang của giá cả thị trường dẫn đến thu nhập của NLĐ phải thực sự tiết kiệm tối đa chi phi để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi dám chắc 50% NLĐ cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống. Dù đây là khó khăn không riêng gì với công ty, NLĐ chúng tôi, mà của cả đất nước và thế giới khi vừa trải qua thời gian tổn thất nặng nề do Đại dịch Covid-19.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và chi tiêu và đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống. Cụ thể là: 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần.

Thưa ông Vũ Minh Tiến, việc công nhân lao động phải đi vay tiền là do mức lương không đủ sống, cho dù họ đã phải tăng ca hay vì lý do nào khác?

 

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời:

Chắc chắn là người lao động đi vay tiền để giải quyết vấn đề đời thường trước mắt. Đối với họ, nếu phát sinh con ốm trong khi không làm thêm giờ, chắc chắn tháng sau là nợ tiền thuê nhà, vay nợ để mua gạo.

Với phần lớn công nhân, theo điều tra, 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở; cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền.

Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo… Nhân đây tôi cũng cảm ơn nhiều DN đã thường xuyên quan tâm tới đời sống, việc làm người lao động.

Tôi cũng chia sẻ thông tin về băn khoăn của nhiều DN rằng, tăng lương thì ảnh hưởng khả năng chi trả của DN. Tôi muốn đề cập về giải Nobel kinh tế 2021 trao cho ba nhà khoa học Mỹ với nghiên cứu về lương tối thiểu. Họ đã đưa ra kết luận, những tác động tiêu cực của tăng lương tối thiểu là nhỏ và không đáng kể.

Tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” - Ảnh 2

Thực tế cho thấy, một số DN xác định, càng khó khăn thì càng phải tăng lương cho người lao động. Và từ việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng năng suất, hiệu quả lao động, dẫn đến doanh thu tăng cao cho DN. Qua đó cho thấy, đây là mối quan hệ rất hài hoà.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra việc, tiền lương không đủ sống khiến nhiều người phải đi vay tiền, nhiều người phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Tiền lương không đủ sống ảnh hưởng tới sức khỏe, quyết định lập gia đình, sinh con… Vậy, theo bà Nguyễn Lan Hương, tiền lương đủ sống phải là như thế nào? Và tới đây chúng ta có nên duy trì khái niệm  tiền lương tối thiểu mà chuyển sang tiền lương đủ sống?

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH trả lời:

Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để cho người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm việc giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường; là sàn thấp nhất, lưới bao phủ thấp nhất; DN không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu. Tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp các bao phủ tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ là: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế. Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái; thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. Như vậy mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ. Trong thực tiễn, chưa nhiều Chính phủ chuyển từ kiểm soát lương tối thiểu sang lương đủ sống. Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ. Hiện nay trong thị trường lao động, một người lao động có thể đóng các vai khác nhau, chúng ta cứ căn cứ vào việc người lao động phải có hợp đồng lao động thì đẩy người yếu thế ra khỏi lưới an sinh. Do vậy, rất cần nhanh chóng ban hành luật Lương tối thiểu.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Sau khi nghe các chuyên gia phân tích về mức lương đủ sống, lương tối thiểu… đứng dưới góc độ người làm công đoàn, bà Hà Thị Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy mong muốn mức thu nhập tối thiểu của công nhân hiện nay cần đoạt khoảng bao nhiêu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của gia đình?

 

Bà Hà Thị Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy trả lời:

Khi người lao động đi làm ở các DN, họ không thể gửi con tại trường công lập. Bởi tại trường công lập, phụ huynh phải đón con muộn nhất là 5 giờ. Tuy nhiên, người lao động làm việc tại các DN thường xuyên phải tăng ca đến 6 – 7 giờ tối. Công nhân tại các DN bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục. Do vậy, chi phí cũng sẽ tăng lên. Chưa tính đến kinh phí đi lại, ăn uống.

Tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.

Tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” - Ảnh 3

Thực tế, mong muốn của người lao động rất nhiều. Nhưng tôi mong rằng, sau khi có Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng và đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động ngày 12/6, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, có chính sách tốt nhất cho người lao động. Để qua đó, người lao động có động lực tiếp tục cùng với lãnh đạo DN, toàn hệ thống chính trị - xã hội góp phần để phát triển nhà máy nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi

Với mức thu nhập của người lao động làm việc cho doanh nghiệp (bao gồm cả làm thêm trung bình mấy tiếng/ngày?), bà có thể cho biết, ngoài làm việc theo giờ chuẩn 8h/ngày, Cty CP Thống Nhất Hà Nội có tổ chức làm thêm giờ? Thu nhập trung bình của người lao động làm việc trong Cty (bao gồm cả làm thêm trung bình mấy tiếng/ngày)?

 

Bà Nguyễn Thủy – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Cty CP Thống Nhất Hà Nội trả lời:

Thực tế tại Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, chúng tôi khuyến khích CBCNV, NLĐ làm thêm giờ. Đặc biệt, với đặc thù là lĩnh vực sản xuất theo mùa vụ nên việc sản xuất xe đạp từ tháng 3 đến tháng 11 là cao điểm.

Khi huy động anh em làm thêm giờ, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề ăn, uống, sinh hoạt trong thời gian làm thêm giờ để đảm bảo sức khỏe tái tạo sức lao động.

Với Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, hiện tại, mức thu nhập bình quân của NLĐ là 9 triệu đồng/tháng. Với những khâu kĩ thuật đặc thù tại Công ty, ví như: hàn, cân vành,... mức thu nhập bình quân của thợ còn cao hơn lương của Trưởng/Phó phòng. Sản lượng NLĐ làm được nhiều, họ có thêm nguồn thu cho cá nhân và đó là động lực của NLĐ.

Chúng tôi tự tin với sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, cùng nguồn thu đạt được của NLĐ, NLĐ của Công ty CP Thống Nhất đủ khả năng trang trải cuộc sống và tiết kiệm, sẽ không tìm đến tín dụng đen.

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Thưa bà Mai Thị Thùy, như thông tin đã đưa, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; tăng từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng. Việc này, sẽ giúp cho người lao động có cơ hội được tăng lương như thế nào?

 

Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội trả lời:

Khi tăng lương tối thiểu từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng, người lao động sẽ được hưởng lợi. Đây là khung sườn để các DN thực hiện theo, nếu không NLĐ có thể kiện. Quỹ lương DN cũng phải tăng theo, đó là điều dĩ nhiên. Điều này một mặt ảnh hưởng đến người sử dụng lao động nhưng là tin vui đối với NLĐ.

Chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng tới NLĐ để học có thể đòi được quyền lợi và hứng khởi làm việc hơn, do đó, có cơ hội tang thêm thu nhập cho gia đình. Đây là tín hiệu rất vui đối với NLĐ, tôi tin là như vậy!

 

Ông Tạ Việt Anh đặt câu hỏi:

Từ 1/7/2022, bên cạnh việc áp dụng lương tối thiểu tháng, lần đầu tiên chúng ta có lương tối thiểu giờ. Tổng Liên đoàn đã từng đề xuất lương tối thiểu giờ có hệ số 1,3 – 1,5 lần so với lương tối thiểu tháng quy đổi, nhưng chưa được Chính phủ đồng ý. Vậy theo ông Vũ Minh Tiến làm sao để người lao động làm việc theo giờ có mức lưng đảm bảo, không bị thiệt thòi? Và đối với người yếu thế thì việc tiếp cận lương tối thiểu, lương cơ bản, lương đủ sống ra sao?

 

TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời:

Mục tiêu chính của lương tối thiểu trước tiên là bảo vệ người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế. Những người làm thêm giờ hầu hết là nghèo, trình độ thấp, không có khả năng tự bảo vệ, đàm phán đưa ra mức tiền lương.

Như đề xuất của chúng ta, tiền lương tối thiểu giờ chỉ là sàn thấp nhất để NLĐ đàm phán, thương lượng mức lương thực tế. Do đó, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tham khảo người làm trước, các công việc tương tự để tự tin, mạnh dạn đưa ra yêu cầu mức lương tương xứng, bằng hoặc cao hơn công việc tương tự; Có thể nhờ người môi giới, hỗ trợ đưa ra yêu cầu.

Thứ hai, tìm hiểu các quy định để yêu cầu về bảo đảm điều kiện lao động, hỗ trợ, trợ cấp, phúc lợi khác… ví dụ, Trung tâm giới thiệu giúp việc; CLB giúp việc gia đình; Nghiệp đoàn bốc xếp…;

Thứ ba, NLĐ cần dựa vào hội nhóm, CLB, Trung tâm giới thiệu việc làm… và tốt nhất là có tổ chức đại diện khi tham gia đàm phán, xác định tiền lương.

Ông Tạ Việt Anh cho biết:  "Sau hơn hai giờ đồng hồ trao đổi, bàn luận; qua ý kiến của các chuyên gia, người sử dụng lao động và người lao động… buổi tọa đàm đã làm rõ hơn các thông số cũng như bức tranh đời sống về mức lương tối thiểu ở Việt Nam. Chúng tôi cũng biết rằng, trong thời lượng hạn hẹp, hôm nay, chúng ta chưa thể cung cấp hết các nội dung mong muốn cần được giải đáp của bạn đọc, đi đến cùng tất cả quan điểm cần luận bàn của các chuyên gia… mà chỉ góp phần đưa ra những góc nhìn đa chiều về chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống kinh tế, xã hội – chính sách tiền lương, đóng góp các ý kiến để cải cách chính sách tiền lương nhằm nâng cao đời sống cho công nhân lao động.

Xin trân trọng cảm ơn các khách mời đã nhiệt tình tham gia buổi tọa đàm hôm nay."

09:00 16/06/2022