Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm trực tuyến về Hỗ trợ doanh nghiệp: Đừng chỉ là những mệnh lệnh hành chính

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực, đó là ghi nhận mà các đại biểu, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, và nhiều DN ghi nhận tại buổi Giao lưu -Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị quyết 35/NQ-CP về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Hiệu quả và những giải pháp”.

Vẫn còn những khoảng cách

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhấn mạnh: Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN, trong đó có DNNVV chiếm 97% số lượng DN của cả nước, được đánh giá như một luồng gió mới tạo động lực khuyến khích DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến DN như: Cấp đăng ký kinh doanh, thủ tục thuế, hải quan, thủ tục vay vốn, bảo hiểm xã hội, thủ tục đất đai…, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi đáng ghi nhận chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ tích cực cho DN. Điều này góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2016 tăng 10 bậc so với bảng xếp hạng năm 2015 và lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt và ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, TP…

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu, những kết quả trên cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN đang đi đúng hướng. Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội chia sẻ, trung bình mỗi ngày, các phòng đăng ký kinh doanh (thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội) xử lý trên 700 hồ sơ thành lập mới, điều chỉnh thông tin DN. Tuy nhiên, các phòng đăng ký kinh doanh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong thực hiện thủ tục, giảm thời gian đi lại và chi phí cho DN. Thậm chí với việc áp dụng đăng ký qua mạng, hồ sơ của DN chỉ giải quyết trong 2 ngày làm việc. Ngành hải quan cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, Cục Hải quan TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong ngành hải quan triển khai chính thức thành công và đảm bảo kỹ thuật cho hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS trên toàn Cục từ tháng 4/2014. Thủ tục hải quan đến nay thực hiện bằng phương thức điện tử trên cơ sở áp dụng phương thức quản lý rủi ro kết hợp với thực hiện giám sát bằng các trang thiết bị kỹ thuật, thời gian thông quan được rút ngắn.

Còn với ngành ngân hàng, nơi cung cấp vốn cho hoạt động của DN, thay vì chờ DN đến làm thủ tục vay vốn, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chia sẻ, nhân viên các ngân hàng đã đến từng DN để hỗ trợ, thậm chí tham gia xây dựng dự án bảo đảm an toàn cũng như phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều DN tại buổi tọa đàm cũng ghi nhận những chuyển biến tạo hiệu ứng tốt cần kể đến là giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai, kê khai và nộp thuế…

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra vẫn còn một khoảng cách khá xa. Ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ, môi trường kinh doanh tốt hơn nhưng đó chỉ là so với trước, trong khi chúng ta đang cải thiện thì một loạt các nước trong khu vực cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Doanh nghiệp cần được bảo vệ thay vì hỗ trợ

Không còn là những cộng đồng DN đơn lẻ, nhiều nước đã hình thành những chuỗi liên kết chặt chẽ. Cạnh tranh không chỉ từng địa phương, từng khu vực mà mở rộng toàn cầu khiến môi trường kinh doanh trong nước chỉ chậm cải thiện là đã cảm nhận ngay sự tụt hậu. Nghị quyết 35 là một thông điệp để tạo động lực, truyền niềm tin cho cộng đồng DN. Nghị quyết này khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, theo ông Chu Đức Lượng - đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ, từ thực tiễn hoạt động của DN, thay vì tư duy hỗ trợ cần tạo điều kiện để DN phát triển sản xuất kinh doanh bằng các đòn bẩy kinh tế thay vì bằng mệnh lệnh hành chính. Ví dụ, các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể lập DN thời gian qua. 3 người cũng bắt tay thành lập DN để lấy thành tích là điều không nên. Số DN không quan trọng bằng chất lượng DN. “Cứ để họ ở hộ kinh doanh cá thể nếu họ phát huy tốt, thay vì lên DN. Chỉ nên xây dựng môi trường mà ở đó người kinh doanh thấy việc thành lập DN sẽ có nhiều lợi ích hơn mới là giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề” - ông Lượng nêu ý kiến. Đồng thời nhấn mạnh, hỗ trợ là cần thiết, nhưng điều quan trọng hiện nay mà DN cần là một cơ chế bảo vệ các lợi ích mà DN bằng nỗ lực của mình có được. Bà Trần Thị Thu Hằng - đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cũng nêu quan điểm, DN cần những giải pháp là động lực, đòn bẩy, một môi trường kinh doanh bình đẳng, chứ không phải những mệnh lệnh phi thị trường.

Khẳng định tinh thần hội nhập của DN Việt Nam thua kém các DN trong khu vực và trên thế giới; ghi nhận những chuyển biến về môi trường kinh doanh thời gian qua, song thông qua buổi tọa đàm cũng cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là những thông điệp mà cộng đồng DN gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành và TP Hà Nội sau hơn một năm triển khai các nghị quyết về hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trước thềm Hội nghị Thủ tướng với DN dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, nếu DN không tự đổi mới sáng tạo mà chỉ dựa vào hỗ trợ của Nhà nước sẽ không tạo ra được thị trường. Do đó, bản thân DN phải tự chủ động sáng tạo và thay đổi.

Với tư cách là một tổ chức hỗ trợ, tôi cho rằng phần chủ động vẫn phải là các DN. Tuy nhiên, các bên có chức năng hỗ trợ trên địa bàn TP (về phía Nhà nước có Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội và phía hỗ trợ trực tiếp cho DN như Hiệp hội DNNVV Hà Nội) thời gian tới phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để có các cuộc đối thoại, giải đáp kịp thời những thắc mắc của DN. Chúng tôi cũng xin đề xuất tổ chức hình thức đối thoại online hoặc trực tiếp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các DN một cách thường xuyên và quy mô hơn”.

Nguyễn Thị Mai Anh

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội


Thời gian qua, sự thay đổi làm chúng tôi vui mừng nhất là việc Chính phủ đã sửa sai về việc tăng giá cho thuê đất bằng cách cho hồi tố, rà soát giá thuê đất và có chính sách hợp lý hơn. Lần đầu tiên trong 20 năm làm DN, Thủ tướng đã cho sửa sai vấn đề này. Và cộng đồng DN chúng tôi thực sự vui mừng, đánh giá cao sự cầu thị này. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng, vì thế, sự sòng phẳng với DN là cần thiết để họ có thể phát triển tốt hơn, đóng góp cho xã hội và nền kinh tế.

Ông Chu Đức Lượng

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ


Chính sách hỗ trợ DN trong thời gian tới nên có định hướng phân khúc cụ thể với từng loại hình DN. Có thể tạm chia là: DN Nhà nước, DN lớn, DN nhỏ. Trên cơ sở đó, DN nhỏ làm việc nhỏ, DN lớn làm việc lớn. Như vậy sẽ tối ưu hóa các nguồn lực xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới tạo được sự lan tỏa. Những DN không tự thay đổi năng lực công nghiệp, năng lực sản xuất của mình thì phải tự đóng cửa, phá sản. Chúng tôi mong muốn có chính sách ủng hộ DN nhỏ có cơ hội phát triển bền vững để những DN muốn phát triển bền vững trước mắt có thể ưu tiên cho các DN tham gia đóng thuế đầy đủ, tham gia chính sách bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Ông Hoàng Văn Thuấn

Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam


Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBND TP Hà Nội, thời gian qua, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã tăng cường tiếp xúc, quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu. TP rất ưu tiên cho xuất khẩu, do đó NHNN Chi nhánh Hà Nội hướng đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển DN công nghệ cao. Đến tháng 4/2017, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3,62% so với 31/12/2016. Chúng tôi cũng đang tích cực triển khai các biện pháp trong đó có kết nối ngân hàng - DN. Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều các hình thức, làm việc tại các quận huyện, mở rộng phương thức kết nối, thông qua đó tiếp xúc, gặp gỡ với DN, đa dạng các hình thức kết nối ngân hàng - DN, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - DN 309.095 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 282.310 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn

Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội