Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm “Việt Nam vươn mình: Lịch sử - Hiện tại và Tương Lai”

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), chiều 25/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc Giao lưu - Tọa đàm “Việt Nam vươn mình: Lịch sử - Hiện tại và Tương lai”.

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn gia tham dự buổi Tọa đàm.
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn gia tham dự buổi Tọa đàm.

Các diễn giả tham dự chương trình có: ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung Tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Tuân; ông Đỗ Hoàng Linh - nguyên Phó Giám đốc Phụ trách khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Minh Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; GS. Lạc Hồng Viện - Viện Phó Viện kỹ thuật quân sự Thường trực Hội Hàng không vũ trụ; ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV); bà Hoàng Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam; ông Bùi Bá Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV.

Về phía Ban Tổ chức có PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; ông Lê Hoàng Anh - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị; ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị.

Anh hùng Phạm Tuân: “Tài sản lớn nhất tôi mang vào vũ trụ là niềm tin, niềm tự hào Việt Nam”

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết: Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, lập nên những chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ biên giới và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Ban Tổ chức mong muốn qua đây gửi lời tri ân sâu sắc đến các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mang đến hòa bình vĩnh viễn cho người dân Việt Nam, ghi khắc những tình cảm cao quý của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú cho quê hương, đất nước Việt Nam này; xin tri ân đến các cựu chiến binh, các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

Chia sẻ tại Tọa đàm về trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, Anh hùng Phạm Tuân cho biết, mọi thắng lợi của Quân đội Nhân dân đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo, tư duy chiến lược của Bác Hồ và Trung ương để đánh giá tình hình, thời cơ, xây dựng lực lượng và chỉ đạo cụ thể.

Nói về những thách thức, khó khăn thời điểm ấy, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ, nếu một 1 tốp gồm 2 - 3 máy bay B52 ném bom có thể san phẳng diện tích 2km; 3 - 4 tốp máy bay B52 ném bom ở Hà Nội có thể san phẳng toàn bộ. Ngoài ra, máy bay này có nhiễu sóng có thể thu được toàn bộ tần số radar của ta. Một đêm có 350 máy bay tiến vào Hà Nội, khoảng 50 - 70 chiếc, máy bay bay dày đặc trên bầu trời Hà Nội.

Các diễn giả tham dự buổi Tọa đàm. 
Các diễn giả tham dự buổi Tọa đàm. 

Trước khi diễn ra trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, quân Mỹ đã đánh thử những trận khác như trận ở Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Hải Phòng. Trên cơ sở đó, Mỹ chủ quan về tình hình khi đã biết hết các vũ khí và lực lượng của ta. Cho nên khi đàm phán không thành công, Mỹ quyết tâm đánh bom B52 vào Hà Nội.

Trung tướng Phạm Tuân kể, tối 18/12/1972, sau khi nhận lệnh xuất kích, chiếc MiG-21 do ông điều khiển cất cánh từ sân bay Nội Bài lao vào bầu trời đêm. Tiếp cận đội hộ tống của máy bay Mỹ, ông phát hiện dải đèn nhận diện lạ ở độ cao hơn 8km nhưng không biết đó là của B-52. Xin lệnh công kích và được đồng ý, phi công Phạm Tuân tiếp cận mục tiêu và bật radar. Cả màn hình radar sáng rực vì nhiễu. Lúc đó, chiếc B-52 bất ngờ tắt đèn tín hiệu nhận diện.

“Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, tôi bật tăng lực để tăng tốc máy bay tìm mục tiêu. Luồng lửa động cơ do chiếc MiG-21 tạo ra thu hút sự chú ý của đám F-4 hộ tống. Sau vài vòng tìm kiếm không thấy mục tiêu, tôi đã điều khiển máy bay thoát ly” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Lần xuất kích thứ hai vào đêm 27/12/1972, máy bay của phi công Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch. Trong đêm tối, các phi đội F-4 hộ tống của Mỹ không phát hiện ra máy bay của ta.

Phi công Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 khoảng thuận lợi, phi công Phạm Tuân xin lệnh công kích phóng 2 quả tên lửa điểm nổ trúng mục tiêu. Thấy máy bay B-52 bị máy bay ta bắn rơi, các phi đội F-4 hộ tống của địch quyết tâm truy đuổi, nhưng sau khi thoát ly, phi công Phạm Tuân đã nhanh chóng điều khiển chiếc MiG-21 cắt đuôi máy bay truy kích của địch, trở về sân bay Yên Bái và hạ cánh an toàn. Đó là lần đầu tiên không quân của chúng ta đánh được B-52.

Trung Tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Tuân  chia sẻ tại Tọa đàm.
Trung Tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Tuân  chia sẻ tại Tọa đàm.

“Sau khi hạ cánh, nhận điện chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mới thấy mình vô cùng phấn khởi vì không quân của ta đã đánh được B-52. Mình đã đại diện không quân để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thấy mình may mắn nhưng cũng thấy rằng phải bản lĩnh để chớp thời cơ bắn rơi B52” - Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi, xúc động.

Anh hùng Phạm Tuân cho rằng, Bác Hồ đã từng nói rằng, chúng có vũ khí gì đi nữa chúng ta cũng phải đánh. Đã đánh là phải thắng. Chúng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp và do ý chí tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc của chúng ta. Bên cạnh đó, do chúng ta nắm được chiến thuật đánh của Mỹ, cùng với sáng tạo của người Việt Nam chúng ta… tất cả các lý do trên đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Anh hùng Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ năm 1980. Trước đó, năm 1977 Phạm Tuân được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, khi chọn phi công vũ trụ, phía Liên Xô kiểm tra tất cả phi công và kỹ sư Việt Nam nhưng chỉ chọn được 3 người vì phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực khó khăn.

“Bác Hồ nói, thanh niên Liên Xô bay vào vũ trụ và đến một lúc nào đó thanh niên Việt Nam cũng bay vào vũ trụ và tôi rất may là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ” - Trung tướng Phạm Tuân bày tỏ.

Ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại Tọa đàm.
Ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại Tọa đàm.
 

"Thông tin liên lạc giữa quân sự trong cuộc chiến của chúng ta trên không là rất quan trọng. Thời điểm đó, ngoài dân sự bên Bộ Quốc phòng có riêng một Cục Thông tin liên lạc. Bác Hồ đã từng nói, thông tin liên lạc là quan trọng nhất, trong đó có cả thông tin bưu chính viễn thông. Trong các cuộc chiến chống phá hoại miền Bắc, thông tin liên lạc làm sao cho mệnh lệnh, vũ khí hậu cần đều có thông tin liên lạc nối kết với nhau. Trong cuộc chiến đấu năm ấy, Quân đội Nhân dân ta đã hy sinh xương máu. B-52 đánh mạnh lắm, hai đầu dây đứt không liên hệ được. Có những trạm bị đánh tan cả trạm, nhiều chiến sĩ liên lạc đã bị chôn thân tại đây. Phải nói sự hy sinh trong cuộc kháng chiến này là hết sức tàn khốc” - ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). 

Tình cảm của Bác Hồ với quân đội Nhân dân Việt Nam

Tại Tọa đàm, ông Đỗ Hoàng Linh - nguyên Phó Giám đốc phụ trách khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ về tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng phòng không - không quân. Là một người là lãnh đạo cao nhất của đất nước, vừa là lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch nước nhưng từ những việc nhỏ nhặt nhất đối với cán bộ, chiến sĩ, Bác luôn quan tâm.

Ông Đỗ Hoàng Linh - nguyên Phó Giám đốc phụ trách khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ tại buổi Tọa đàm.
Ông Đỗ Hoàng Linh - nguyên Phó Giám đốc phụ trách khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ tại buổi Tọa đàm.

Tháng 7/1967, khi đi ngang qua quảng trường Ba Đình, Bác nói với đồng chí thư ký lên nóc hội trường có ụ súng xem các chiến sĩ có đủ nước uống không. Sau khi biết là không có nước ngọt, Bác yêu cầu lấy sổ tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu tiền chuyển hết cho bộ đội phòng không - không quân để lấy tiền mua nước ngọt cho chiến sĩ. Tổng số tiền tiết kiệm lúc đó còn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền lớn, tương đương với 60 lạng vàng). Bác bảo thư ký: “Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mưu và nói đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”. Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội Phòng không Không quân được một tuần.

Các câu chuyện mà các diễn ra chia sẻ tại Tọa đàm đã càng làm sâu sắc hơn sự tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn trong thử thách của thế hệ cha ông. Để từ đó, thế hệ tiếp nối sẽ phát huy năng lực, sáng tạo trong công cuộc phát triển, bằng khát vọng của tuổi trẻ đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.