Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung đại án DABank giai đoạn II

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là quyết định của HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh tại phiên tòa sơ thẩm xét xử giai đoạn II đại án DABank.

Theo dự kiến chiều 13/7, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank), gây thiệt hại 8.827 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để Viện KSND Tối cao điều tra bổ sung vấn đề: Làm rõ vai trò của các đối tượng trong Nhóm TTC (gồm 11 tổ chức và 16 cá nhân) do Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP vốn Thái Thịnh, đã bỏ trốn) cầm đầu, và các đối tượng thuộc Nhóm Hiệp Phú Gia trong khoản vay và gây thiệt hại 3.139 tỷ đồng của DABank.
Bị cáo Trần Phương Bình (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng phạm tại tòa.
Theo HĐXX, trước đó dù Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao đã tách hành vi của Nguyễn Thiện Nhân và các đối tượng thuộc 2 nhóm nêu trên ra. Như vậy là chưa xem xét toàn diện, gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân liên quan và các bị cáo trong vụ án. Vì vậy cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank) tù chung thân cho cả 2 tội danh nêu trên.
Đối với 11 bị cáo đồng phạm với Bình trong tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, trong đó bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) bị đề nghị từ 18 - 20 năm tù. Riêng các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ DABank, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc DABank); Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Chí Công (nguyên Giám đốc DABank, nguyên Phó Phòng tín dụng DABank Sở giao dịch); Phạm Huy Luận, Vũ Đức Dũng và Nguyễn Văn Bảo (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng Phòng tín dụng DABank chi nhánh quận 4); Nguyễn Quang Thọ, Phạm Chiến Quốc (nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Phòng tín dụng DABank chi nhánh quận 9); Nguyễn Tăng Ngọc Linh, Nguyễn Chí Thiện (nguyên Phó giám đốc, nguyên cán bộ DABank chi nhánh quận 10) bị đề nghị từ 2 năm tù treo đến 8 năm tù giam.
Đại diện Viện KSND nhận định bị cáo Trần Phương Bình giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội: Lập ra các công ty “ma”; vẽ ra nhiều tài sản đảm bảo, nâng khống tài sản đảm bảo để thế chấp vay tại DABank và làm thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng.
Theo đó, từ năm 2007 - 2013, với vai trò Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTD DABank, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia vay tiền gây thiệt hại trên 3.139 tỷ đồng, nhóm khách hành Đồng Tiến vay tiền gây thiệt hại 393 tỷ đồng, nhóm khách hành M&C vay tiền gây thiệt hại 3.949 tỷ đồng, nhóm Tân Vạn Hưng vay tiền gây thiệt hại trên 1.269 tỷ đồng…
Ngoài ra, Trần Phương Bình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thông qua việc chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ sai nguyên tắc hơn 75,6 tỷ đồng nhằm trả nợ các khoản vay cá nhân và sử dụng vào mục đích riêng. Song song đó, bị cáo Bình còn chỉ đạo cấp dưới cho 2 tổ chức, 5 cá nhân thuộc nhóm Hiệp Gia Phú vay 11 khoản với tổng số tiền 1.820 tỷ đồng và xuất quỹ chi 78 tỷ đồng để sử dụng, 1.735 tỷ đồng mua 5 tài sản của nhóm TTC và 163 tỷ đồng sử dụng cho mục đích khác. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống 1.349 tỷ đồng trả nợ cho 30 khoản vay liên quan đến việc mua 5 tài sản của nhóm TTC, đầu tư dự án Ricland Hill… gây thiệt hại 886 tỷ đồng.
Nhằm che giấu tình trạng nợ xấu, bị cáo Bình đã chỉ đạo nhiều thuộc cấp cơ cấu lại những khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ tiền mặt. Sau đó, DABank cho các cá nhân, tổ chức vay vàng vay khoản tiền mới để đảo nợ nhưng không có tài sản đảm bảo, thậm chí dùng dự án của Công ty BA Son (đơn vị quân đội) làm tài sản đảm bảo cho nhóm khách hàng M&C vay. Hậu quả, nhiều nhóm khách hàng là công ty, cá nhân không còn khả năng trả nợ, gây thiệt hại hơn 8.827 tỷ nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện KSND cũng đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Phương Bình bồi thường số tiền bị cáo này lấy từ DABank để dùng cho mục đích cá nhân cùng hàng ngàn tỷ đồng mà bị cáo cùng các  đối tác, thuộc cấp rút ruột.
Viện KSND cũng đề nghị cho bị cáo Bình được quyền khởi kiện dân sự đối với các nhóm khách hàng vay những khoản vay với tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý. Đồng thời những bị cáo khác và những người liên quan đã vay tiền trái quy định phải hoàn trả số tiền của DABank bị thiệt hại nêu trên. Đối với những tài sản (bất động sản, vốn góp của các dự án, cổ phần…) của các bị cáo đã bị kê biên ở giai đoạn I của đại án, tiếp tục giao cho DABank quản lý để bảo đảm cho thi hành án.