Tai nạn giao thông tăng 20,8% số vụ
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, ngày 30/4/2022 toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 12 người, bị thương 9 người. So với cùng kỳ ngày 30/4/2021, tăng 5 vụ (tương đương 20,8%), giảm 1 người chết (tương đương 7,69%), giảm 2 người bị thương (tương đương 18,1%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 29 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 9 người. Đường sắt và đường thủy không xảy ra vụ TNGT nào.
Về công tác tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, qua trong ngày 30/4, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 7.793 trường hợp; ra quyết định xử phạt 12 tỷ 575 triệu đồng; tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn 883 trường hợp; tạm giữ 102 ô tô, 1.108 mô tô và 15 phương tiện khác.
Trong đó, đường bộ xử lý 7.655 trường hợp so với ngày nghỉ Lễ đầu tiên của năm 2021, giảm 412 trường hợp (giảm 5,1%); ra quyết định xử phạt: 12 tỷ 341 triệu đồng, tước GPLX 874 trường hợp; tạm giữ 102 ô tô, 1.108 mô tô và 11 phương tiện khác. Các Đội TTKSGT đường bộ cao tốc/C08: Lập biên bản 80 trường hợp vi phạm, phạt tiền 296 triệu đồng, tước GPLX 3 trường hợp, tạm giữ 02 ô tô.
Đường thủy nội địa xử lý 125 trường hợp so với ngày nghỉ Lễ đầu tiên của năm 2021, giảm 104 trường hợp (giảm 45,41%); ra quyết định xử phạt: 209 triệu đồng (trong đó, thủy đoàn I và II/C08 phát hiện, xử lý 7 trường hợp vi phạm, phạt tiền 8 triệu đồng); Đường sắt phát hiện, xử lý 13 trường hợp vi phạm, phạt tiền 25 triệu đồng.
Hơn 500 “ma men” bị xử lý
Các lỗi vi phạm tập trung xử lý gồm: Nồng độ cồn 527 trường hợp; ma túy 6 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 198 trường hợp; quá khổ giới hạn 41 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 10 trường hợp; chở quá số người quy định 115 trường hợp; vi phạm tốc độ 696 trường hợp; phần đường, làn đường 159 trường hợp; tránh, vượt 36 trường hợp; dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định 404 trường hợp; không có GPLX 472 trường hợp; không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe 232 trường hợp; mũ bảo hiểm 1.236 trường hợp; vi phạm khác 2.292 trường hợp.
Trong ngày 30/4, đường dây nóng của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận được 6 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản về việc tăng giá vé, xe khách đi lòng vòng đón thêm khách và tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) kéo dài tại một số tuyến đường.
Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp
Về tình hình trật tự, ATGT qua phương tiện thông tin đại chúng, Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, từ chiều 29 và sáng 30/4, theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng UTGT nghiêm trọng kéo dài do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Những tuyến đường ùn tắc điển hình như trên tuyến Pháp Vân - cầu Giẽ, đường vành đai 3; trên tuyến QL1 qua Đồng Nai, qua Ninh Bình Thanh Hóa..., cao tốc theo hướng TP Hồ Chí Minh đi Long Thành - Dầu Giây, cửa ngõ đi về miền Đông, miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre…), phà Cát lái và Rạch Miễu; QL51 hướng đi Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như tại các bến xe nhà ga tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại một số trạm thu phí lực lượng chức năng đã phải tiến hành xả trạm để khắc phục tình trạng UTGT kéo dài. Nguyên nhân chính dẫn tới UTGT do mật độ người và phương tiện tăng rất cao so với ngày thường, các vụ va chạm giao thông; chủ đầu tư một số tuyến đường cao tốc chậm xả trạm thu phí theo quy định.
Đánh giá về tình hình trật tự, ATGT trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, dẫn tới tình trạng UTGT kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ và tại các bến xe, nhà ga, sân bay, đặc biệt tại các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc ra, vào cửa ngõ của 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù số người chết và số người bị thương giảm, song số vụ TNGT lại tăng so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2021.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là CSGT, thanh tra giao thông vận tải tiếp tục hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là chỉ huy giao thông, trực tiếp phân luồng để kéo giảm UTGT, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Phần lớn người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang và các quy định về phòng chống dịch Covid-19.