Toàn cảnh lễ thông xe hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm của các nhà thầu thi công, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (QL45) và Phan Thiết - Dầu Giây đã về đích.

Lễ thông xe cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hóa.
Lễ thông xe cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hóa.

Lễ thông xe cao tốc Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu, một tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (điểm cầu chính) và một tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Không như lo ngại trước đó, lễ thông xe diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối lí tưởng. Trời nắng nhẹ và mát mẻ.

Đến dự buổi lễ, tại điểm cầu Bình Thuận có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Còn tại điểm cầu Thanh Hóa có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ngoài ra, còn nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng đến dự lễ thông xe tại hai điểm cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự buổi lễ tại điểm cầu Bình Thuận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự buổi lễ tại điểm cầu Bình Thuận.

Muôn trùng khó khăn

Cao tốc Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây là hai dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Cả hai dự án đều được khởi công vào tháng 9/2020. Đến nay, sau gần 3 năm thi công, hai dự án về cơ bản đã hoàn thành, đủ điều kiện thông xe. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng hai dự án đều được triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà dự án phải đối mặt là với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp), mặc dù Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án. Ngoài ra, còn một số nhà thầu còn hạn chế về năng lực, chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công công trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự buổi lễ tại điểm cầu Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự buổi lễ tại điểm cầu Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, giai đoạn triển khai thực hiện trùng với giai đoạn năm 2020 - 2022 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, có những thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu dẫn tới tổng thời gian các công trường phải dừng thi công từ 04 - 06 tháng. Đồng thời, trong các năm 2021, 2022, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Ngoài ra, những diễn biến đột ngột trên chính trường quốc tế mà điển hình là xung đột giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hai dự án. Trong đó, ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.

Cả hệ thống chính trị chung tay, giúp sức

Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT xác định việc sớm hoàn thành các dự án thành phần cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ GTVT đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của bộ GTVT, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.

Trong suốt quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là dự án thành phần Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của người dân vùng dự án.

Dù gặp vô vàn khó khăn trong quá trình thi công nhưng cao tốc Mai Sơn - QL45 đã cơ bản hoàn thành và thông xe.
Dù gặp vô vàn khó khăn trong quá trình thi công nhưng cao tốc Mai Sơn - QL45 đã cơ bản hoàn thành và thông xe.

Đặc biệt là qua các chuyến kiểm tra hiện trường thường xuyên, trong đó có chuyến kiểm tra xuyên Tết, xuyên Việt năm 2022, 2023 với quãng đường hàng nghìn kilomet bằng đường bộ của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thông qua các kỳ họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, nhiều khó khăn vướng mắc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xử lý với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Đồng thời, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối với các Ban QLDA, đơn vị thi công. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng liên tục bám sát các công trường để đôn đốc, xử lý và giải quyết ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình. Chính phủ, Bộ GTVT ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo, quán triệt nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Việc đưa hai tuyến cao tốc vào khai thác sẽ góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông của những địa phương vùng dự án nói riêng và của cả nước nói chung.
Việc đưa hai tuyến cao tốc vào khai thác sẽ góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông của những địa phương vùng dự án nói riêng và của cả nước nói chung.

Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10/9/2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ GTVT đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30/4/2023. Đây cũng là “thước đo” để kiên quyết loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Thực hiện phong trào thi đua do Bộ GTVT phát động, các ban QLDA đã tập trung chỉ đạo các Nhà thầu tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, huy động mọi nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công. Một không khí thi đua, quyết tâm lan tỏa trên khắp các công trường vì chính “danh dự” của các nhà thầu, của ngành GTVT.

Hầm Thung Thi nằm trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45.
Hầm Thung Thi nằm trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45.

Tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, tính đến cuối tháng 4/2023, 2 dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến. Đồng thời, các chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục liên quan (Hồ sơ hoàn thành công trình của các hạng mục, quy trình bảo trì, báo cáo thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác, phương án tổ chức giao thông…), làm việc với Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023.

Sau khi đưa 2 dự án vào khai thác sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Người dân địa phương vui mừng đến nhìn ngắm tuyến cao tốc vừa hoàn thành.
Người dân địa phương vui mừng đến nhìn ngắm tuyến cao tốc vừa hoàn thành.

Phát biểu tại lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc đưa hai dự án vào khai thác có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ những địa phương vùng dự án mà còn với nhiều tỉnh, TP lân cận. Đặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào khai thách hai dự án sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cũng như từ TP Hồ Chí Minh đến những trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ.

Bên cạnh đó, sự có mặt của hai tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây cũng sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A đoạn qua các tỉnh; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến; Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.

Nhiều tài xế trải nghiệm cảm giác đi trên cao tốc Mai Sơn - QL45 vào sáng 29/4.
Nhiều tài xế trải nghiệm cảm giác đi trên cao tốc Mai Sơn - QL45 vào sáng 29/4.

Để các dự án đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công để hoàn thiện những hạng mục còn lại của công trình, hoàn thành đồng bộ dự án trước ngày 30/6/2023; tập trung để hoàn thành công tác thanh, quyết toán công trình; trong quá trình vận hành khai thác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

“Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp để đơn vị sớm hoàn thành hạng mục còn lại của dự án, cũng như phối hợp trong quá trình tổ chức khai thác tuyến cao tốc đảm bảo an toàn, hiệu quả” – ông Lê Đình Thọ nói.

 

"Những khó khăn mà chúng ta đã vượt qua sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đối với ngành GTVT; Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các dự án trong thời gian tới. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ công tác khảo sát, thiết kế, đến quản lý thi công phải chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Toàn ngành phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ" - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.