Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toan tính đằng sau dự án kênh đào tỷ đô của Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự án kênh đào Pinglu với tổng trị giá lên đến 72,7 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) có thể đón những con tàu chở hàng với trọng tải lên tới 5.000 tấn.

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu của Bắc Kinh khi khởi động dự án này là nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương mại đối với phương Tây, cũng như tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 đã vạch ra một lộ trình "giảm thiểu rủi ro" từ Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima vào giữa tháng Năm. Ảnh: REUTERS
Các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 đã vạch ra một lộ trình "giảm thiểu rủi ro" từ Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima vào giữa tháng Năm. Ảnh: REUTERS

Các nhà phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết cả hai bên đang có chung nỗi lo về việc một bên sẽ bất ngờ vũ khí hóa thương mại như cắt đứt dòng chảy xuất nhập khẩu nhằm đạt được các mục đích chính trị.

Chính vì vậy, kênh Pinglu ra đời nhằm mục đích hạn chế sự phụ thuộc của Trung Quốc vào phương Tây, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại với các quốc gia ASEAN – các bên đều thuộc hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) - các quan chức Trung Quốc cho biết.

Hiện tại, cả ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với thương mại hai chiều tăng 52% từ năm 2019 đến năm 2022 - vượt xa mức tăng 20% với Liên minh châu Âu.

Bên cạnh việc giảm sự phụ thuộc vào thương mại với phương Tây, một số người cho rằng tăng cường hợp tác với Đông Nam Á có thể làm dịu đi mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số quốc gia ở khu vực này.

Phar Kim Beng, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Malaysia Pan Indo Pacific Arena (SPIPA) cho biết: “Mối quan hệ bền chặt hơn giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN sẽ có lợi cho cả hai bên.”

Kênh đào có quy mô lớn nhất lịch sử

Kênh Pinglu trải dài hơn 134 km từ Hồ chứa Xijin, gần thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây, đến cảng Khâm Châu ở phía nam. Kênh được xây dựng nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa bên cạnh các đường cao tốc và đường sắt hiện có.

Một góc kênh đào Pinglu đang xây dựng ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Nguồn: Nikkei Asia
Một góc kênh đào Pinglu đang xây dựng ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Nguồn: Nikkei Asia

Theo ước tình của các quan chức, khoảng 340 triệu mét khối đất và đá - gấp ba lần khối lượng để xây dựng đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới - sẽ bị dọn sạch.

"Hiện quá trình xây dựng được thực hiện 24/24 để kịp tiến độ vào năm 2026” – Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, Li Xiaoxiang, một quan chức tham quan công trường cho biết.

Được khởi động vào năm ngoái, dự án này cho thấy Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm từ đường bộ sang hàng hải cho dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường.

"Điều này thực sự khá mới mẻ" - Yang Jiang, một chuyên gia về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, tiết lộ rằng kênh đào này đã được lên kế hoạch từ năm 2019 với mục tiêu tăng cường giao thông quốc gia bên cạnh các tuyến đường sắt.

Cũng theo các quan chức nước này, sau khi hoàn thành, kênh đào sẽ rút ngắn một khoảng cách là 560 km khi di chuyển từ hệ thống sông nội địa ra biển so với đi qua Quảng Châu như lúc trước. Và theo ông Li Xiaoxiang, điều này sẽ tiết kiệm tới 5,2 tỷ nhân dân tệ hàng năm.

Với vị trí gần Đông Nam Á, tuyến đường thủy này hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp ở Quảng Tây và các khu vực khác ở phía tây Trung Quốc.

Các quan chức Quảng Tây cho biết kênh đào này nổi sẽ giúp đẩy nhanh các chuyến hàng từ Trùng Khánh, Trung Quốc đến Singapore từ 22 ngày lên bảy ngày.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng toàn bộ lợi ích kinh tế từ kênh đào chưa chắc chắn sẽ đạt được.

"Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng này là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, bản thân nó không thể tạo ra sức mạnh tổng hợp thương mại nếu chúng không tồn tại, cũng như không thể giúp ASEAN sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu Trung Quốc,” Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich của Singapore, cân nhắc về những giới hạn nhất định đối với tăng trưởng thương mại của khối Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại đến chi phí, môi trường khi có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái nếu không có kế hoạch cụ thể cũng như chi phí bỏ ra lên đến 10,3 tỷ USD trong bối cảnh quốc gia này đang gặp một số trở ngại về kinh tế sau đại dịch.