70 năm giải phóng Thủ đô

Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Tổng Bí thư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

“Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự hội nghị,

Theo Chương trình vừa được Trung ương thông qua, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ bàn về các nội dung: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XI). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XI).
Sau đây, tôi xin nêu một số vấn đề có tính gợi mở mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

1. Về kinh tế-xã hội năm 2015-2016

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chuẩn bị để trình Trung ương các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước chín tháng đầu năm và dự báo cả năm 2015; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước năm 2016.

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước lần này được đặt trong bối cảnh, tình hình có những đặc điểm riêng.

Năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và năm 2016 là năm mở đầu Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Việc đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội đất nước từ đầu năm đến nay, dự báo cả năm 2015 sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục cập nhật, đánh giá chuẩn xác và tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội do Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương đã đề ra; làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo đà và bảo đảm cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020.

Vì vậy, đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2015; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Tập trung đánh giá, thống nhất nhận định về độ vững chắc của ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội; tình hình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp; kết quả triển khai thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trước hết là cơ cấu lại đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại; tình hình phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú ý phân tích, đánh giá tác động của những diễn biến bất thường trên thế giới và trong khu vực đối với kinh tế-xã hội nước ta, đặc biệt là tác động của tình hình kinh tế thế giới chậm phục hồi, kinh tế nhiều nước lớn gặp khó khăn và sự sụt giảm mạnh giá dầu thô thế giới cũng như việc giảm giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng tiền nhiều nước khác. Giải đáp thật đúng một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là, chúng ta đã thực sự tạo được tiền đề vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững hơn trong nửa cuối của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 chưa?

Hiện đang còn những hạn chế, yếu kém chủ quan nào cần tiếp tục nỗ lực sửa chữa, khắc phục? Phải chăng vẫn là những vấn đề như ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách, bảo đảm sự lành mạnh, vững chắc của thu chi ngân sách nhà nước; độ tin cậy, an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp trong nước và toàn bộ nền kinh tế, tình trạng tham nhũng, lãng phí?

Phân tích, dự báo tình hình những tháng cuối năm 2015 và năm 2016, đặc biệt là xu hướng biến động của thị trường thế giới và thực tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, khu vực. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về chất, có tính đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và các năm tiếp theo.

Cho ý kiến về những đề xuất, kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về các cân đối lớn của nền kinh tế; đổi mới việc phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn phù hợp với Luật Đầu tư công mới được ban hành; về thu-chi, bội chi ngân sách nhà nước; về định mức và thời hạn phát hành trái phiếu chính phủ; về chủ trương dùng một phần tiền thu được từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào một số công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng và xây dựng nông thôn mới.

2. Về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Như các đồng chí đã biết, Hội nghị Trung ương 11 khóa XI (tháng 5/2015) đã thông qua Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Sau Hội nghị Trung ương 11, Bộ Chính trị đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt, triển khai Phương hướng công tác nhân sự; Tiểu ban Nhân sự đã ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ở các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.

Đầu tháng 6/2015, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư đã gửi thư đến các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI, đề nghị từng đồng chí đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tiểu ban Nhân sự đã thành lập 168 tổ công tác, gồm một số cán bộ của các ban đảng Trung ương làm nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình và chứng kiến việc giới thiệu nhân sự ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đến đầu tháng 7/2015 đã có 63 tỉnh, thành phố và 107 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương thực hiện xong việc giới thiệu nhân sự vòng 1. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghe báo cáo kết quả giới thiệu vòng 1 và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhân sự để giới thiệu vòng 2; về phương pháp, cách làm và việc triển khai thực hiện giới thiệu vòng 2.

Trong tháng 8/2015, tất cả các tỉnh, thành phố và ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự vòng 2.

Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ở vòng 1, vòng 2 đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự; các tổ công tác làm nhiệm vụ theo dõi, chứng kiến việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận kỹ dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, các phương án lựa chọn, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề nghị Trung ương bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến.

Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trên cơ sở tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI, cả về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, độ tuổi, quy trình giới thiệu, lựa chọn, kết quả bầu cử các khóa, việc phân công các chức danh chủ chốt, Báo cáo của Bộ Chính trị đã rút ra một số kinh nghiệm, phương pháp, cách làm và kiến nghị với Trung ương những vấn đề cần áp dụng cho khóa này.

Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.

3. Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này.

Đề án đã tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết cò n tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ hai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; ngày bầu cử dự kiến..

Thưa các đồng chí,

Hội nghị lần thứ 12 của chúng ta diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ khóa XI sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội cấp tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực th uộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 nă m 2011-2015.

Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Mặc dù Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, nhưng vì đây là những vấn đề lớn và khó, nên chắc không tránh khỏi những hạn chế. Đề nghị các đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn"!