1. Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Pray-út Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức Thái Lan từ ngày 17-19/8/2017.
2. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam gồm: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và các quan chức cao cấp của các Bộ, ngành khác.
3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi với Thủ tướng Pray-út; gặp Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia Phon-phết Vi-chịt-chon-chai, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật, Tướng Pờ-rem Tin-xu-la-non và tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Việt, ông Pra-chuoop, gặp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Thái Lan và tham dự khai mạc "Tuần lễ Việt Nam ở Thái Lan" để quảng bá những sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan. Tại tỉnh Na-khon Pha-nom, Thủ tướng Chính phủ và đoàn đã gặp Tỉnh trưởng Tỉnh Na-khon Pha-nom, tiếp lãnh đạo Tổng Hội Việt kiều toàn Thái, lãnh đạo Hội Doanh nhân Việt kiều toàn Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh Nọng Khai; đến thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây lưu niệm, thăm Trung tâm Hữu nghị Na-khon Pha-nom – Hà Nội, gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam tại địa phương và dự Hội nghị về Kết nối Kinh tế nhằm tăng cường đầu tư và kết nối tại Đông Bắc Thái Lan.
4. Hai Thủ tướng chứng kiến việc ký Biên bản Ghi nhớ và các Hiệp định sau: (i) Hiệp định giữa Chính phủ Vương quốc Thái Lan và Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới; (ii) Bản ghi nhớ giữa Bộ Thương mại Thái Lan và Bộ Công thương Việt Nam về Hợp tác kinh tế và thương mại; (iii) Bản ghi nhớ giữa Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam về Hợp tác bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; (iv) Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan; (v) Bản ghi nhớ về thiết lập Thành phố kết nghĩa giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Trat; (vi) Bản Thỏa thuận pháp lý để triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị giữa Tổng Cục Năng Lượng, Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi); (vii) Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn SCG Thái Lan (SCG) về thúc đẩy Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án hóa dầu khác tại Việt Nam; (vii) Bản ghi nhớ giữa SCG và các đơn vị khâu sau của PVN với Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí; (ix) Thỏa thuận Hợp tác giữa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC và Ngân hàng Kasikorn Thái Lan; (x) Bản ghi nhớ về dự án điện gió 300 MW Bạc Liêu/Cà Mau giữa Tập đoàn Super Energy và Công ty TNHH Công lý.
Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Thái Lan - Việt Nam
5. Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Pray-út và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng rà soát quan hệ hợp tác hai nước và tỏ hài lòng với những bước phát triển tốt đẹp thời gian qua. Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được trong khuôn khổ Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược Thái Lan - Việt Nam (2014-2018) và nhất trí mở rộng các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
6. Hai bên nhấn mạnh
7. Hai Thủ tướng đánh giá cao việc hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên, các cơ chế song phương và nhất trí dự kiến tổ chức Cuộc họp Nội các chung lần thứ 4 (JCR) vào đầu năm 2018; và trước đó, hai bên sẽ đồng chủ trì tổ chức Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Song phương lần thứ 3 (JCBC), Họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3 (FMR), Ủy ban hợp tác thương mại lần thứ 3 (JTC). Hai bên hoan nghênh kết quả cuộc họp Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị và an ninh lần thứ 9 (PSWG) được tổ chức từ ngày 16-19/7/2017 và các cơ chế song phương khác.
Tăng cường hợp tác vì hòa bình và an ninh
8. Hai bên hoan nghênh kết quả hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua, đồng thời khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn cấp cao, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, giao lưu sỹ quan trẻ, đào tạo, tình báo quốc phòng…; cũng như tham vấn, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
9. Hai Thủ tướng đã cùng trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng, trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ đào tạo; đồng thời nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các cấp trong phòng chống các loại hình tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là buôn bán ma túy, buôn bán người, di dân bất hợp pháp, buôn lậu vũ khí, khủng bố và tội phạm mạng.
10. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết triển khai hiệu quả những thỏa thuận và bản ghi nhớ hiện có và duy trì thường xuyên các cuộc họp của các cơ chế hợp tác an ninh. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác chính trị - an ninh trong ASEAN như: AMMTC/SOMTC, ASOD, ASEANPOL, INTERPOL.
11. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí đàm phán Hiệp định Dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn triển khai tốt Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù ký năm 2010.
12. Hai bên tái cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân/tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia.
13. Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) ở hai nước, trong đó có việc trao đổi thông tin về an ninh hàng hải. Hai Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan chức năng tiến hành tuần tra Hải quân chung, cử đầu mối liên lạc giữa Trung tâm Điều phối Hàng hải Thái Lan (THAI-MECC) và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; cũng như tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương khác, trong đó có Nhóm công tác chung nhằm giải quyết vấn đề IUU. Thủ tướng Thái Lan bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến gần đây của Việt Nam trong việc ngăn chặn và giảm thiểu đánh bắt cá bất hợp pháp. Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh phía Thái Lan hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về IUU.
14. Thủ tướng hai nước hoan nghênh tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm Điều phối hàng hải Thái Lan và nhất trí hoàn tất Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và Bản ghi nhớ thiết lập đường dây nóng về hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước. Hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan khai thác tốt các cơ chế/đường dây nóng hiện có, đẩy nhanh tiến độ đàm phán; mong Nhóm công tác liên ngành 689 của Việt Nam và Nhóm chống đánh bắt cá trái phép của Thái Lan sớm ký Bản Ghi nhớ thiết lập đường dây nóng.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp
15. Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Thái Lan đã ký tại Hà Nội ngày 23/3/2015; đồng thời đẩy nhanh đàm phán và ký Hiệp định về tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan.
Mở rộng và Tăng cường hợp tác kinh tế
16. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước và khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa nhằm đạt mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tương xứng với tiềm năng thị trường hai nước.
17. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các doanh nghiệp tư nhân hai nước trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Hai bên nhất trí tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương, cũng như tăng cường xúc tiến thương mại tại mỗi nước.
18. Thái Lan đánh giá cao việc Việt Nam đã cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm vải và nhãn của Thái Lan và mong Việt Nam sớm cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm chôm chôm và xoài. Phía Việt Nam cũng đánh giá cao việc Thái Lan cấp phép cho vải, nhãn và xoài của Việt Nam được nhập khẩu vào Thái Lan trong năm 2016. Thái Lan cũng cho biết đang xem xét tích cực yêu cầu cấp phép nhập khẩu cho chôm chôm, dứa, na, khế và bưởi của Việt Nam.
19. Hai Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến của khối doanh nghiệp tư nhân Thái Lan nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm và hàng thủ công Việt Nam. Hai bên ghi nhận lợi ích của việc thiết lập những trung tâm dịch vụ xuất khẩu một cửa, và do đó sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn ứng dụng trong lĩnh vực này.
20. Hai Thủ tướng hài lòng về sự liên kết sâu rộng giữa khối tư nhân Thái Lan và Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nhân trẻ hai nước. Mối quan hệ chặt chẽ này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai nước. Thái Lan mong muốn phía Việt Nam gia tăng đầu tư tại Thái Lan.
21. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại thông qua thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm cả trong khuôn khổ song phương, khu vực và các diễn đàn quốc tế khác.
Củng cố và Phát triển hợp tác đầu tư
22. Hai Thủ tướng đánh giá cao tiềm năng đối tác chiến lược để cùng phát triển thịnh vượng. Hai bên tái khẳng định mong muốn kết nối thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và Thái Lan như là một trung tâm quan trọng của chuỗi sản xuất và cung ứng tiểu vùng.
23. Thái Lan khẳng định tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, như các khu công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, du lịch, dệt may, sản xuất hoá chất, hoá dầu, linh kiện điện tử và ô tô, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Thái Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam khi các doanh nghiệp Thái Lan chọn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam để vươn ra khu vực và thế giới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao các cơ quan liên quan tiếp tục tạo thuận lợi thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào các lĩnh vực này cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc.
24. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao khối doanh nghiệp tư nhân Thái Lan cam kết dài hạn và quyết tâm phát triển mô hình kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng địa phương Việt Nam, đặc biệt góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.
Tăng cường hợp tác lao động
25. Hai Thủ tướng đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng và nghề cá theo khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Hiệp định về tuyển dụng lao động giữa hai nước ký vào tháng 7/2016. Thái Lan ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc mở rộng ngành nghề cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nhân nhà máy và các ngành dịch vụ.
Mở rộng kết nối
26. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiềm năng của tiểu vùng sông Mê Công là trung tâm nối liền Đông Nam Á lục địa với các nước châu Á và thế giới. Hai Thủ tướng bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy các liên kết vận tải đa phương thức, bao gồm trên bộ, trên biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng Mê Công. Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy tuyến xe buýt nối liền Thái Lan - Lào - Việt Nam thông qua Đường 9 và Đường 12, cũng như tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan - Campuchia - Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí khuyến khích khối tư nhân sớm tìm ra một mô hình kinh doanh đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Phía Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp nhóm làm việc ba bên lần thứ hai về phát triển các tuyến vận tải biển vào quý 3/2017.
27. Về kết nối hàng không, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh các chặng bay mới kết nối Thái Lan và Việt Nam như chặng Quảng Bình - Chiang Mai.
Tăng cường giao lưu nhân dân
28. Thủ tướng hai nước hoan nghênh hợp tác văn hoá và giao lưu nhân dân giữa hai bên ngày càng sâu rộng và đang triển khai tốt Chương trình Hành động chung về hợp tác du lịch giai đoạn 2017-2018; đồng thời nhất trí ủng hộ mạnh mẽ vai trò và hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, Hội Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam. Hai Thủ tướng khuyến khích các tỉnh/thành hai nước thiết lập quan hệ hợp tác và gia tăng giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Đổi mới hợp tác kỹ thuật vì phát triển bền vững
29. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trên các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật và phát triển, trong đó có chương trình hợp tác giảng dạy tiếng Việt và tiếng Thái tại những cơ sở giáo dục của mỗi nước. Thái Lan tái khẳng định sẵn sàng tổ chức Hội nghị Hợp tác Kỹ thuật Thái Lan - Việt Nam lần thứ 11 trong năm nay.
30. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Thái Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn với Việt Nam, đặc biệt là triển khai SDGs ngay từ cấp cơ sở, liên kết các bên, xây dựng và thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên Triết lý Kinh tế Vừa đủ vì Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đây là sáng kiến của Thái Lan trong vai trò Chủ tịch G77 vào năm 2016.
31. Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ trên cơ sở Hiệp định hợp tác Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Gắn kết với khu vực và thế giới
32. Hai nhà lãnh đạo trao đổi thẳng thắn về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ tầm nhìn và cam kết tăng cường hợp tác song phương trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế như tiểu vùng sông Mê Công, ACMECS, ASEAN, APEC và LHQ. Nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN năm 2017, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy toàn diện và hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Hai Thủ tướng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như các mục tiêu chiến lược của ASEAN trong khu vực và quốc tế. Thủ tướng Pray-út cũng tái khẳng định cam kết của Thái Lan ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2017 và mong tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
33. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên sông Mê Công, hướng tới cách tiếp cận cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường và bảo đảm sự thịnh vượng của người dân.
34. Ghi nhận tiềm năng kinh tế của tiểu vùng, hai Thủ tướng hoan nghênh Đề xuất Kế hoạch Tổng thể ACMECS của Thái Lan như một định hướng mới nhằm kết nối toàn diện tiểu vùng. Trên tinh thần đó, Thái Lan kiến nghị về nguyên tắc Chiến lược Phát triển chung giữa Việt Nam và Thái Lan. Chiến lược này đề ra các chương trình hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm bổ trợ cho Kế hoạch Tổng thể ACMECS. Thái Lan sẽ sớm gửi Kế hoach Tổng thể này cho phía Việt Nam.
35. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây là vấn đề được các nước trong và ngoài khu vực quan tâm và là điều kiện căn bản cho tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng. Hai Thủ tướng nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) và nhất trí mục tiêu cuối cùng cho vấn đề này là Biển Đông phải là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững./.