Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tốc độ mạng 5G chập chờn, thiếu ổn định

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một tuần trải nghiệm mạng 5G, nhiều người dùng chưa hài lòng về chất lượng mạng 5G.

Tốc độ mạng 5G có lúc chậm hơn mạng 4G

Ngày 15/10 vừa qua, mạng 5G chính thức được Viettel triển khai tại nhiều tình thành trên phạm vi cả nước. Được biết 5G của Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố, khu du lịch, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay…

Theo "quảng cáo" của nhà mạng tốc độ mạng 5G Viettel có thể gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Công nghệ mạng này được triển khai đồng thời trên cả hai nền tàng kiến trúc 5G NSA và 5G SA.

Tốc độ không ổn định là điểm 5G nhận nhiều phàn nàn từ người dùng
Tốc độ không ổn định là điểm 5G nhận nhiều phàn nàn từ người dùng

Tuy nhiên sau 1 tuần sử dụng, nhiều người dùng phản ánh về chất lượng kết nối mạng chưa thật sự vượt trội so với 4G.

Cụ thể, nhiều người dùng cho biết, sau khi đăng ký gói mạng, trên màn hình điện thoại đã hiển thị biểu tượng 5G nhưng khi truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, Messenger hay tải email cũng chưa thực sự được mượt mà, không có nhiều khác biệt so với sử dụng 4G.

Đồng thời, qua ứng dụng SpeedTest chỉ ghi nhận tốc độ chiều tải xuống dao động từ 65-70 Mbps và chiều tải lên là 33 Mbps, con số tương đương mạng 4G. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng Internet có hiện tượng mạng 5G và 4G chập chờn xen kẽ.

Thử nghiệm 5G tại khu vực Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), tốc độ tải xuống chỉ đạt 80,24 Mbps còn tốc độ tải lên đạt 8 Mbps và độ trễ ở mức 32ms. Như vậy, tại địa điểm này, tốc độ 5G thậm chí còn chậm hơn 4G.

Thử nghiệm tạo một số khu vực trung tâm Hà Nội như: khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Cầu Giấy ... tốc độ mạng 5G cũng gặp phải tình trạng chập chờn, không ổn định.

Theo đại diện một nhà mạng, một số người dùng cảm thấy tốc độ 5G chưa gây ấn tượng có thể do hạ tầng triển khai 5G còn mới, phụ thuộc vào vị trí địa lý.

Bên cạnh đó, lượng người dùng hiện nay phần lớn sử dụng smartphone nên 5G gần như được bật liên tục, dẫn đến quá tải, gây chậm trễ trong thời gian đầu.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác là do mạng 5G có phạm vi phủ sóng hẹp hơn 3G và 4G nên trong cùng một khu vực mật độ trạm BTS của 5G cũng phải phải lớn hơn 3G, 4G. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì sẽ xảy ra tình trạng 5G chậm hơn 4G là hoàn toàn có thể.

Có thể thấy, trong giai đoạn đầu, số lượng trạm BTS của Viettel còn hạn chế (mới đạt hơn 6.500 trạm trên toàn quốc) dẫn tới sóng 5G chỉ hoạt động tốt ở những khu vực có mật độ trạm cao.

Giá cước 5G gần gấp đôi giá cước 4G

Được biết, Viettel đã chính thức tung ra 19 gói cước 5G cho người dùng cá nhân, trong đó có 11 gói trả trước và 8 gói trả sau. Cước phí tháng có giá khởi điểm từ 135.000 đồng với 4GB dữ liệu/ngày đến 480.000 đồng cho người dùng trả trước và từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng cho trả sau.

Mỗi gói cước bao gồm các quyền lợi khác nhau: ngoài dung lượng Internet còn có ưu đãi khi gọi điện nội và ngoại mạng, chơi game, truy cập mạng xã hội hoặc xem truyền hình, lưu trữ.

Xét về dung lượng truy cập cũng như quyền lợi người dùng ở hầu hết các gói 5G đều cao hơn 4G. Tuy nhiên mức giá của gói 5G cao gần gấp đôi gói 4G (mức thấp nhất 5G là 135.000 đồng trong khi 4G chỉ là 70.000 đồng). Như vậy để trải nghiệm 5G người dân cần chi nhiều tiền hơn.

Thay vì áp dụng cho người dùng nhất định trong danh sách nhà mạng như 4G, hiện gói cước 5G đã mở rộng giới hạn đăng ký cho người dùng giúp mọi người dùng đều có thể trải nghiệm như nhau.

Nhà mạng Vinaphone cho biết chương trình sử dụng thử 5G sẽ diễn ra từ 13/10 đến 15/11. Nếu người dân sở hữu điện thoại 5G thì khi qua khu vực có sóng, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời trải nghiệm dịch vụ. Theo đó, Vinaphone sẽ tặng 50 GB data để sử dụng đường truyền tốc độ cao trong 30 ngày.

MobiFone là nhà mạng mới nhất tham gia cuộc đua 5G, nhà mạng cho biết đang triển khai và sẵn sàng cho thương mại hóa 5G. Dự kiến, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11.

Dự đoán, khi VNPT và MobiFone chính thức tham gia cuộc đua thì giá cước 5G nhiều khả năng sẽ có biến động và cạnh tranh hơn.

Như vậy, sau khi hai nhà mạng lớn tham gia cuộc đua, số lượng trạm BTS sẽ tăng lên khiến mật độ phân bổ các trạm dày lên là điều kiện thuận lợi để sóng 5G hoạt động tốt, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng.