Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỏi Lý Sơn - một thương hiệu cần được giải cứu

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng tỏi Lý Sơn - sản vật được mệnh danh là “vàng trắng” đang dần mất chỗ đứng trên thị trường do tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, việc đưa ra các giải pháp để cứu thương hiệu đã được công nhận 10 năm là vấn đề cần được nghiêm túc thực hiện.

Việc tỏi nơi khác trà trộn làm cho người trồng tỏi Lý Sơn chịu nhiều thiệt thòi. Trong ảnh: Tỏi Lý Sơn chính hiệu.
Mai một lòng tin về thương hiệu
Theo người trồng tỏi ở Lý Sơn, thời gian gần đây tình trạng tỏi giả, tỏi kém chất lượng đang được nhiều tư thương tuồn về Lý Sơn và đội lốt tỏi Lý Sơn để tiêu thụ. Thậm chí, có trường hợp vận chuyển tỏi bằng cả đường bưu điện ra đảo.
Nguyên nhân chính khiến sản phẩm tỏi từ các nơi khác đổ dồn về địa phương là do chênh lệch giá khi ăn theo thương hiệu tỏi Lý Sơn. Giá các loại tỏi bình thường trên đảo khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi tỏi ở những nơi khác như tại Khánh Hòa chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Chênh lệch lên đến hàng chục nghìn đồng/kg khiến nhiều người vì lợi nhuận đã tham gia. Chưa kể, đến các loại tỏi quý hiếm hơn như tỏi một (hay còn gọi là tỏi “cô đơn”) chênh lệch còn lên đến hàng 100.000 đồng/kg.
Chia sẻ về điều này, bà Bùi Thị Trí (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) ngậm ngùi: “Người ta đưa tỏi ở nơi khác về nhiều quá, thành ra tỏi Lý Sơn mất giá và cũng không được tin tưởng như trước kia. Những người trồng tỏi chính gốc như tôi phải chịu nhiều thiệt thòi”.
Ngoài việc tiểu thương lén lút đưa các sản phẩm tỏi giả Lý Sơn ra đảo, thì chính những sơ hở trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản cũng đã khiến tình trạng thật giả lẫn lộn càng khó kiểm soát. Trên thực tế hiện nay, các hộ dân trồng tỏi trên đảo sau khi thu hoạch đều đưa tỏi ra thị trường tiêu thụ thông qua các đại lý. Tuy nhiên, các đại lý kinh doanh tỏi Lý Sơn trên đảo đều làm bao bì hết sức hời hợt.
Tỏi ''cô đơn'' Lý Sơn được đóng gói sơ sài và rất dễ nhầm lẫn.
Hầu hết, tỏi được đựng trong những bao lưới, với nhãn mác rất đơn giản, rất dễ làm nhái. Điều này khiến nhiều người trồng tỏi trên đảo bức xúc. Người tiêu dùng lẫn các du khách đều có những băn khoăn, đắn đo khi chọn mua các sản phẩm hành, tỏi ngay ở trên đảo.
Anh Tăng, một du khách ở Đà Nẵng bày tỏ: “Dù đã mua tỏi ở một đại lý lớn ở Lý Sơn để làm quà, nhưng cũng không dám khẳng định có đúng là tỏi Lý Sơn hay không, biết đâu lại là tỏi ở nơi khác tuồn về…”.
“Vàng thau lẫn lộn” là một trong những nguyên nhân khiến tỏi Lý Sơn rớt giá, thậm chí có thời điểm chỉ còn khoảng vài chục nghìn mỗi kg, thay vì hàng trăm nghìn như trước và phải nhờ “giải cứu”. Vào tháng 10/2018, đích thân Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn ra tâm thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ tỏi giúp người dân vì lượng tỏi dồn ứ trong dân khá nhiều, giá bán giảm đến mức thấp nhất chưa từng có là 35.000 đồng/kg.
Làm gì để giải cứu thương hiệu?
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, trước tình trạng thương lái đưa tỏi từ đất liền ra đảo, rồi gắn mác tỏi Lý Sơn để thu lợi bất chính, các cơ quan chức năng ở địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu cho tỏi Lý Sơn. Hiện, cơ quan chức năng ở địa phương vẫn đang tập trung rà soát, kiểm tra các chủ tàu hàng nhằm phát hiện ngăn chặn tình trạng chở tỏi từ đất liền ra đảo.
Đơn vị chức năng kiểm tra cửa hàng bán tỏi trên đảo Lý Sơn.
“Ngoài kiểm tra, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ tư thương nâng cao nhận thức, không nhập tỏi từ nơi khác về vì sẽ làm giảm giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn”, bà Hương nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cũng cho hay, huyện đang làm chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn. Phấn đấu cho đến cuối năm 2019, huyện sẽ công bố chỉ dẫn địa lý nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng an tâm.
Trong nỗ lực có liên quan, vào đầu tháng 4/2019, UBND huyện Lý Sơn đã kiểm tra đột xuất 48 điểm bán tỏi trên địa bàn xã An Vĩnh, nơi có lượng lớn khách lưu trú, tham quan. Tại thời điểm kiểm tra có gần 20 điểm bán lẻ tỏi ở khu vực cảng không có nhãn mác, bao bì theo quy định. Nhiều điểm trà trộn tỏi Ninh Hiển (tỉnh Khánh Hòa) vào bán dưới mác là tỏi Lý Sơn.
Đồng thời, huyện đã công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin người tiêu dùng phản ánh về tỏi giả, tỏi kém chất lượng, các cá nhân có hành vi lạm dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn trên địa bàn huyện Lý Sơn. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận thông tin người tiêu dùng phản ánh các cá nhân có hành vi lạm dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn để thu lợi bất chính; đồng thời, phản ánh khi phát hiệu tỏi giả, tỏi kém chất lượng, giả mạo thương hiệu tỏi Lý Sơn.