Tôi muốn chạm đến nỗi đau của thân phận con người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đã "30 tuổi", song bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy vẫn làm công chúng xúc động khi chiếu khai màn tại Liên hoan phim tài liệu ngắn Hà Nội vừa rồi. Cũng từ đó, người ta lại nghĩ về phim tài liệu "made in Việt Nam".

Tôi muốn chạm đến nỗi đau của thân phận con người - Ảnh 1
NSND Trần Văn Thủy cũng không giấu những nỗi niềm, trăn trở về phim tài liệu (PTL), dù ông đã có trong gia tài những tác phẩm "kinh điển": Hà Nội trong mắt ai, Những người dân quê tôi, Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai, Trở lại Ngư Thủy…

 Đánh động thần kinh của xã hội đương đại

Thưa ông, đã có một thời khán giả từ Bắc vào Nam chen nhau mua vé xem "Chuyện tử tế" (1975) và "Hà Nội trong mắt ai" (1980). Sau đó, nhiều nước trên thế giới đã mua bản quyền hai tác phẩm này để chiếu, báo chí thế giới thì gọi ông là "Quả bom đến từ Việt Nam", tên ông còn có trong "Từ điển danh nhân" của Nhật Bản… Những đạo diễn PTL hôm nay dễ gì tới được đỉnh cao này?

- Tôi thường tâm sự với các đồng nghiệp trẻ rằng tiêu chí của PTL không chỉ là đúng và đủ. Đúng và đủ là tiêu chí của Nghị quyết, của các công trình nghiên cứu khoa học. Hấp dẫn là tiêu chí đầu tiên của tôi. PTL muốn hấp dẫn phải đánh động vào thần kinh của xã hội đương đại, khiến người xem tự soi lại mình, rằng ta đang sống như thế nào, ta phải làm gì để có thể sống tốt hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn. Con người vẫn khao khát về lẽ sống, lẽ phải, chuyện trị nước, yên dân, chuyện hòa hợp hòa giải, chuyện tôn trọng sự khác biệt... Toàn là chuyện "nóng" cả, đâu phải tìm kiếm xa xôi gì tận bên Mỹ, bên Tàu? Làm PTL không phải để nói bằng được những điều mình nghĩ, mà phải nói được những bức xúc của số đông, đụng chạm đến điều gì sâu thẳm của nỗi đau thân phận con người, khiến người ta suy nghĩ. Đó là một giải mã, một chìa khóa mở ra lối đi cho riêng tôi.

Sau 30 năm, "Chuyện tử tế" vẫn còn nguyên giá trị. Ông có định tiếp tục thực hiện câu chuyện theo mô típ này?

- Không thể làm được. Ngày đó và cả bây giờ xem lại "Chuyện tử tế" và "Hà Nội trong mắt ai" khán giả sẽ tự hỏi: Chỉ có như vậy thôi mà sao lại ầm ĩ lên thế? Có lẽ phim gây chấn động và được quan tâm chính bởi những điều nó đặt ra vào cái thời điểm ấy. Kể ra đến nay nó vẫn hợp thời về mặt nội dung, nhưng PTL không phải của một cá nhân cụ thể mà là phim của cuộc đời. Tất cả những người trong phim, nhờ có sự hiện diện của họ, sự đóng góp tham gia của họ, nhờ sự từng trải, nhờ thân phận của họ mà nên câu chuyện. Không phải hư cấu, không phải đạo diễn gì cả mà là cuộc đời tuyệt đối trung thực và chính xác. Ở ta khi ấy có quá nhiều chuyện hay, không phải đóng diễn, bịa đặt.

Còn hiện nay, chúng ta đang mải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế, sao nhãng quan tâm đến tình người, đạo đức, sự tử tế. Trong thẳm sâu của mình, khi đặt niềm vui, nỗi buồn vào cái chung, tôi thấy đau đớn lắm. Vào đầu thế kỷ trước, cụ Phan Châu Trinh đã chủ trương nâng cao dân trí. Điều đó bây giờ vẫn còn rất thời sự. Dân trí hiểu theo nghĩa của riêng tôi là sự hiểu biết rộng lớn, trong đó có sự hòa hiếu, tin cậy, để con người cảm thấy biết sống và đáng sống, chứ không phải ngổn ngang, bê bối như bây giờ. Nguyên nhân sâu xa của sự bê bối là sự xuống cấp về nhân cách. Từ tham nhũng, mua quan chạy chức, đến chuyện nói một đằng, làm một nẻo... Tôi nghĩ loài người từ khi sinh ra đã được dạy rằng hãy nói điều mình nghĩ, nhưng có lẽ chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ. Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính. Đối với tôi cuộc đời là bàn thờ. Và như vậy, liệu tôi có làm được "Chuyện tử tế" nữa không?

Dở nhất là biến thật thành giả

Vậy theo ông, cái dở của PTL bây giờ là gì?

- Thế hệ chúng tôi chủ yếu quay cho đủ hình, lấy lời bình là trung tâm, có sử dụng âm nhạc. Còn hiện nay, với sự phát triển của thiết bị, chúng ta làm PTL với hình ảnh, tiếng động thật. Cách làm này khó hơn vì bắt buộc người làm phim phải sát sự thật và nhân vật nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn. Tuy vậy, cái dở nhất của người làm PTL là biến cuộc đời thật thành giả. Bình thường cuộc đời rất hồn nhiên, ta mang phương tiện, máy móc... đến, hô bật đèn lên, bấm máy đi... thế là tất cả mọi thứ "chết cứng" hết cả lại, nó không thật nữa.

Còn những lý do nào khác khiến PTL ngày càng không được mến mộ như xưa, thưa ông?

- Một trong những lý do khiến PTL ngày càng mất vị thế là thiếu "sàn diễn". Hiện nay, con đường ra rạp của PTL còn gian nan, trong khi đó, các đài truyền hình chỉ ưu tiên chiếu những phim đề tài lịch sử trong các ngày lễ lớn. Một năm chỉ có khoảng 1 đến 3 liên hoan PTL, còn các liên hoan phim chỉ ưu tiên chiếu phim điện ảnh. Mặt khác, ngay cả những người trong nghề cũng “ngại” làm PTL, bởi PTL khó làm, mất nhiều công sức mà sự đánh giá, cổ vũ, vinh danh các tác phẩm cũng nhạt nhoà, không rầm rộ như phim truyện, phim điện ảnh.

Vậy sao ông cứ gắn bó mãi với thể loại phim này?

- Vì tôi luôn cảm thấy mình là người tiêu cực với nghĩa là rất mong làm được nhiều điều có ích nhưng lại bất lực. Tôi đi nhiều, gặp gỡ nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau, biết nhiều cảnh ngộ... và đôi khi cảm thấy mình có lỗi trước các cảnh ngộ đó, mặc dù có lẽ tôi không có nghĩa vụ trực tiếp gì với họ. Phải chăng vì họ quý tôi quá, tin tôi quá nên tôi cảm thấy gánh nặng phải chia sẻ. Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Nhiều lần qua Mỹ và ở rất lâu, nghiên cứu về đời sống cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tôi đi đến tận cùng của xã hội, sống với họ... có biết bao nhiêu số phận cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.

Xin cảm ơn ông!