Trong số ấy, phải kể đến "Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn", "Người thanh niên đến từ nước Mỹ", "Đi giữa kẻ thù", "Con đường bí ẩn"... Dù đang tất bật chuẩn bị cho những dự án sắp lên sóng, chị vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về những điều thú vị xung quanh bộ phim tài liệu "Hiệp định Paris 1973" vừa phát sóng trên VTV1.
Series 5 tập phim "Hiệp định Paris 1973" vừa phát sóng trên VTV1 là một câu chuyện không mới, nhưng vẫn hấp dẫn người xem, thưa đạo diễn?
- Khi làm "Hiệp định Paris 1973", tôi muốn kể trọn vẹn về nó, tuy không mới nhưng không phải ai cũng đã hiểu tường tận. Và tôi đã kể câu chuyện lịch sử từ việc tại sao ký Hiệp định Geneve năm 1954 đến ký Hiệp định Paris 19 năm sau, rồi chiến thắng mùa Xuân 1975 thống nhất hoàn toàn đất nước.
Trong quá trình làm phim, tôi luôn tìm cách kể câu chuyện một cách mạch lạc, đơn giản, dễ hiểu nhất để người xem hiểu Hiệp định Paris 1973 là gì mà cha anh ta đã phải đổ nhiều xương máu mới giành được.
5 tập phim tài liệu: Hiệp định Paris 1973 bắt đầu vào 11/1 trên VTV1 vào 21h30.
Trong quá trình tìm kiếm nhân chứng, tài liệu để kể câu chuyện đã diễn ra cách đây 40 năm, hẳn chị đã gặp không ít khó khăn?
- Vì kể một câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, nên tôi đã có một số tư liệu trong "hầu bao". Tham vọng lớn nhất của tôi khi làm "Hiệp định Paris 1973" là đến Pháp để phỏng vấn các nhân chứng ở đó, nhưng rồi chỉ phỏng vấn được một số kiều bào Pháp thôi.
Tôi cũng muốn đến lại những nơi phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời từng ở trong suốt 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, nhưng không có điều kiện để đi. Vì thời gian gấp gáp và kinh phí không cho phép.
Chị đã "thai nghén" bao lâu để cho ra đời "Hiệp định Paris 1973"?
- Trải qua 40 năm, mọi thứ đã thay đổi, nhiều nhân chứng đã mất nên việc tìm kiếm và ghi lại những ý kiến của họ mất rất nhiều thời gian. Việc thu thập tư liệu cũng thế.
Khâu hậu kỳ diễn ra trong vòng vài tháng nhưng tiền kỳ trải dài cả vài năm. Đó là cả một hành trình đầy gian nan, thách thức.
Những nhân chứng nào trong "Hiệp định Paris 1973" để lại cho chị ấn tượng sâu sắc?
- Trong "Hiệp định Paris 1973" có 3 nhân vật chủ chốt mà tôi vô cùng ấn tượng. Đó là "nữ hoàng Việt cộng" Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - một người phụ nữ duyên dáng, mềm mỏng, dẻo dai, bền bỉ, kiên quyết, nghị lực, và trí tuệ.
Ông Lê Đức Thọ và những cuộc đàm phán tay đôi với Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Mỹ, Henry Kissinger và ông Xuân Thủy, người tôi thường tủm tỉm cười mỗi khi nhìn thấy khuôn mặt ông ấy.
Trong phim, nhiều nhân chứng cũng nói rằng, nụ cười Xuân Thủy không còn của riêng Xuân Thủy nữa mà là của nhân dân Việt Nam. Câu chuyện về 3 con người đó cũng đủ cho chúng ta thấy tính cách người dân Việt Nam trong chiến tranh.
Chị muốn gửi gắm điều gì tới khán giả Việt Nam qua series phim này? Và chị có tự tin khán giả hiểu điều chị muốn nói?
- Muốn nói rất nhiều nhưng quan trọng nhất, tôi mong người xem thấy được hành trình đi đến tự do của dân tộc mình cam go, quyết liệt, gian truân ra sao. Cha ông ta đã thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ như thế nào để khán giả tự suy ngẫm, chiêm nghiệm.
Ngay khi bộ phim kết thúc tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn phản hồi tích cực. Qua bộ phim "Hiệp định Paris 1973" tôi nhận thấy, khán giả Việt Nam là những người yêu nước cực kỳ nồng nhiệt. Vấn đề là phim tài liệu có hay, có hấp dẫn họ hay không. Xin cảm ơn chị!