Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tội phạm về ma túy liên quan đến người nước ngoài tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an thì số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng đáng kể:

KTĐT - Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an thì số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng đáng kể: năm 2008 có gần 5 triệu lượt người, năm 2009 có khoảng 5,5 triệu lượt người còn năm 2010 tăng lên tới hơn 7 triệu lượt người. Trong số đó có không ít đối tượng vào Việt Nam với mục đích hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm về ma túy.

Các đối tượng người nước ngoài thực hiện các thủ đoạn nhập cảnh, cư trú trái phép rồi tổ chức đưa phụ nữ Việt Nam đi du lịch, thăm thân nhân để vận chuyển ma túy qua nước thứ ba. Ngoài ra, lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất hàng hóa, các băng nhóm tội phạm ma túy đã tổ chức vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua các cảng biển. Nhiều đường dây xuyên quốc gia dùng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan , Australia… Đối tượng tham gia các đường dây gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Nigieria, Philippines, Ghana, Lào, Campuchia, Trung Quốc,Singapore, Mỹ, Ôxtrâylia, Đài Loan, Malaysia… nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, dùng đủ mọi thủ đoạn để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Phương thức hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động. Các đối tượng là người nước ngoài ở Việt Nam cấu kết với các đối tượng trong nước và bên ngoài hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường không trực tiếp lộ diện trong quá trình mua bán, vận chuyển, mà thuê, khống chế, lôi kéo các đối tượng khác tham gia, hoặc lợi dụng các hoạt động hợp pháp để vận chuyển ma túy, tiền chất.

Đa số các đối tượng người nước ngoài phạm tội về ma túy tại Việt Nam là nam giới, tuổi từ 18 đến 40, không có nghề nghiệp và chỗ ở ổn định, nhiều người chưa có gia đình, sinh sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam. Chúng xuất nhập cảnh Việt Nam nhiều lần bằng đường bộ hoặc đường hàng không, nhiều người có hộ chiếu và visa quá hạn, không đăng ký tạm trú tại Việt Nam. Hiểu biết về pháp luật Việt Nam của chúng không đầy đủ, nhất là pháp luật về phòng chống ma túy.

Ngoài nhóm đối tượng “truyền thống” có quốc tịch thuộc các nước có biên giới đường bộ tiếp giáp với nước ta là Trung Quốc, Campuchia, Lào thì gần đây nổi lên là sự hoạt động rất manh động và nguy hiểm của nhóm các đối tượng gốc Phi (chủ yếu là Nigieria). Nhóm đối tượng này chiếm 16% tổng số đối tượng phạm tội ma túy là người nước ngoài, phần lớn sống ở TP Hồ Chí Minh, không biết tiếng Việt. Chúng đã khảo sát tình hình quản lý, kiểm soát người, hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới của nhiều nước và chọn Việt Nam để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào, sau đó vận chuyển đi nước thứ ba để tiêu thụ.

Để tổ chức các đường dây vận chuyển thuê ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, các đối tượng gốc Phi đã tìm cách làm quen, cặp bồ hoặc lấy vợ là các phụ nữ Việt Nam biết tiếng Anh làm ở các nhà hàng, quán bar, sau đó thông qua những người này tìm cách tuyển mộ các cô gái thích ăn chơi, đua đòi hoặc những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, tuổi từ 20 đến 45 tham gia vào đường dây vận chuyển thuê. Nguồn ma túy được chúng mua từ Ấn Độ, Pakistan, Lào và Malaysia về Việt Nam, sau đó vận chuyển đi nước thứ ba để tiêu thụ.

Thủ đoạn cất giấu ma túy của chúng rất tinh vi như cho vào đế giày dép, bìa sách, từ điển, tẩm vào quần áo, cho vào cúc quần áo, lon sữa, hộp mỹ phẩm, giấu vào va li hai đáy, thậm chí nuốt vào trong bụng, cho vào chỗ kín của phụ nữ, cho vào hậu môn… với hy vọng tránh bị phát hiện.

Nhóm đối tượng từ các quốc gia còn lại đến từ nhiều nước khác nhau như Philippines, Canada, Venezuela, Zimbabue, Thái Lan…, chiếm 6% trong tổng số đối tượng người nước ngoài phạm tội ma túy tại Việt Nam. Nhóm đối tượng này thường có quan hệ làm ăn, buôn bán ma túy với các đối tượng buôn bán ma túy người Việt Nam hoặc Nigieria, chỉ hoạt động nhỏ, lẻ, không thành các đường dây lớn. Chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn che dấu ma túy tương tự để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Chúng thường thay đổi chỗ ở thường xuyên, sống trà trộn với người Việt Nam. Khi bị bắt, không chịu khai báo hoặc khai báo quanh co, nhiều đối tượng còn vi phạm các quy định về quản lý xuất nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu, visa đã hết hạn, không đăng ký tạm trú…

Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm về ma túy liên quan đến người nước ngoài cho thấy thủ đoạn và phương thức hoạt động, tính chất, quy mô của tội phạm này ngày càng gia tăng. Đồng thời, việc phòng chống, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo trong thời gian tới, lợi dụng sự hội nhập của nước ta, tội phạm về ma túy liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có nhiều diễn biến khó lường và nguy hiểm, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục rất nóng và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không phòng chống tốt. Điều này đòi hỏi cần khẩn trương có những biện pháp phòng chống hiệu quả và quyết liệt từ các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, sự phối hợp đồng bộ các lực lượng.