Tối ưu năng lực lưu thông cho tuyến đường Hoàng Quốc Việt

Phạm Công/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội chuẩn bị xén dải phân cách, mở rộng mặt đườngHoàng Quốc Việt mỗi bên thêm một làn xe. Đây là giải pháp trước mắt nhằm tối ưu năng lực lưu thông cho tuyến đường kết nối các Vành đai 2 và 3, giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực ba quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm.

Thường xuyên ùn tắc
Tuyến đường Hoàng Quốc Việt nằm hoàn toàn trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhưng là một trong những hướng kết nối quan trọng đến các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm. Sau khi tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn Láng - Võ Chí Công, và Vành đai 3 (Phạm Văn Đồng) được mở rộng, nhu cầu kết nối giữa hai trục chính đô thị này ngày càng trở nên bức thiết.
Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội nhận định, trong bối cảnh lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, hạ tầng còn chậm phát triển, xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, tối ưu tổ chức giao thông cho các tuyến đường nội đô là một giải pháp quan trọng, đem lại hiệu quả tức thời.
Tuyến đường Hoàng Quốc Việt hiện đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện đổ về từ nhiều trục đường lớn như: Vành Đai 2, Vành đai 3, Nguyễn Văn Huyên, Trần Cung… khiến tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
 Hà Nội chuẩn bị xén dải phân cách, mở rộng mặt đườngHoàng Quốc Việt mỗi bên thêm một làn xe.

“Đường Hoàng Quốc Việt còn có dải phân cách rất rộng, có thể điều chỉnh để tăng không gian lưu thông, cải thiện tình trạng ùn tắc, tạo thuận lợi cho người dân đi lại” - Đại diện Ban Duy tu cho hay.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Thế Bình - lái xe buýt tuyến số 38 cho biết: “Tôi Lái xe qua tuyến đường này đã 6 năm. Ngày nào cũng vậy, vào giờ cao điểm di chuyển qua đây gặp nhiều khó khăn, có hôm ùn tắc kéo dài hàng giờ đồng hồ”.
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Tổ trưởng Tổ dân phố số 20, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chia sẻ: “Cách đây 4 - 5 năm, tuyến đường Hoàng Quốc Việt vẫn được xem là vùng ven vắng bóng xe qua lại. Nhưng hiện nay, đây lại là một trong những tuyến đường xảy ra ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm. Lý do rất dễ thấy, sau khi Vành đai 3 hoàn thiện, tuyến đường Hoàng Quốc Việt có nhiệm vụ kết nối các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh với các quận nội thành Hà Nội như Đống Đa, Ba Đình. Dọc theo tuyến đường có hàng loạt khu chung cư cao tầng kết nối bằng đường nhánh, ngõ nhỏ”.
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, khi có chủ chương xén dải phân cách tuyến đường Hoàng Quốc Việt, người dân trong khu vực rất phấn khởi. Nhiều người hy vọng, sau khi xén dải phân cách sẽ không còn phải sống trong cảnh cứ bước chân ra đường là ùn tắc. Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng việc xén dải phân cách, mở rộng tuyến đường còn góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế khu vực.
“Người dân chúng tôi mong rằng, tuyến được thi công sớm, đúng tiến độ. Đơn vị thi công rào chắn, vận chuyển vật liệu, đất cát gọn gàng, sạch sẽ để cuộc sống, việc đi lại của người dân không bị ảnh hưởng nhiều” - Ông Nguyễn Khánh Toàn nói.
Trước thực tế trên, UBND TP Hà Nội đã có quyết định, chấp thuận cho xén dải phân cách giữa của tuyến đường Hoàng Quốc Việt, với mục tiêu mở rộng mặt đường, nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện trên tuyến, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường…
Giải pháp cần thiết
Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo thiết kế sẽ điều chỉnh kích thước dải phân cách giữa, mở rộng mặt đường Hoàng Quốc Việt mỗi bên thêm một làn xe.
Dải phân cách giữa tuyến đường Hoàng Quốc Việt có tổng chiều dài 2.480m, bề rộng trung bình từ 8m - 11,5m. Sau khi cắt xén, dải phân cách được giữ lại 4,4m, mặt đường được mở rộng lên 8 làn xe, mỗi bên 4 làn. Dự kiến thời gian thi công cắt xén và hoàn chỉnh mặt đường, tổ chức giao thông mất khoảng 3 tháng, tổng mức đầu tư dự án là 25,6 tỷ đồng.
 Khi có chủ chương xén dải phân cách tuyến đường Hoàng Quốc Việt, người dân trong khu vực rất phấn khởi.

Hệ thống cây xanh trên dải phân cách giữa tuyến đường Hoàng Quốc Việt sẽ không mua mới, mà được tận dụng, trồng lại bằng một phần cây hiện có. Lượng cây không sử dụng tới sẽ được đánh chuyển về trồng tại các tuyến đường quốc lộ thuộc huyện Quốc Oai, nút giao Đại lộ Thăng Long với Đường 70, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm kinh phí.
Bên cạnh việc xén dải phân cách, các công trình ngầm nổi trên đoạn tuyến cũng sẽ được di dời, bảo vệ để đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Sau khi được mở rộng, tuyến đường Hoàng Quốc Việt sẽ được hoàn thiện hệ thống sơn kẻ đường, biển báo, đèn tín hiệu giao thông.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, việc xén dải phân cách là giải pháp cần thiết trong bối cảnh đường phố Hà Nội đang ngày càng trở nên đông đúc phương tiện giao thông như hiện nay.
“Từ thực tế cho thấy, một số tuyến đường được xén dải phân cách trước đó như: Nguyễn Chí Thanh, Tôn Thất Thuyết, Văn Cao, Liễu Giai đã đem lại những kết quả tích cực về việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đồng bộ năng lực mạng lưới đường đô thị trong khu vực trung tâm” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ thực trạng từng tuyến đường để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Bên cạnh việc xén dải phân cách, để giảm ùn tắc hiệu quả cần đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có phát triển giao thông công cộng, xây dựng thêm cầu vượt, hầm chui…
Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi dừng đỗ xe, kinh doanh dịch vụ gây cản trở giao thông, mất trật tự đô thị trê nhiều tuyến đường phố nội thành, trong đó có Hoàng Việt, vẫn đang diễn ra nhức nhối.
Song song với công tác đầu tư, xây dựng, tối ưu tổ chức giao thông, Hà Nội cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường. “Mở rộng đường ra mà không xử lý được vi phạm trật tự đô thị thì lòng đường sớm muộn cũng bị chiếm dụng bãi đỗ xe, bán hàng rong, chẳng mang lại hiệu quả thiết thực nào cho giao thông” – thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.