Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà TP.HCM vừa báo cáo Chính phủ về việc tình hình thực hiện một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Theo báo cáo này, phần lớn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng do thiếu vốn đầu tư và thị trường đóng băng, thanh khoản kém. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Khi thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay lãi suất cao, hầu hết các chủ đầu tư dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 11.770,71ha; tổng số 496.272 căn trong đó có 85 dự bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, 689 dự án đang ngừng triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn cao. Đến nay, thành phố đã nhận được 26 hồ sơ đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Trước tình trạng trên, TP.HCM cũng đề ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đối với nhóm dự án đang thi công thi công dở dang nhưng ngừng triển khai đầu tư xây dựng (55 dự án), nhóm dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng chậm tiến độ (184 dự án), thành phố sẽ tạo điều kiện, xem xét cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đối với nhóm dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng còn tồn kho (37 dự án), thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng đã mua nhà ở trong các dự án; công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại có căn hộ với diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để kết nối với các đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn theo quy định. Giải quyết được khó khăn cho các dự án này sẽ góp phần giảm lượng hàng tồn kho căn hộ chung cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa căn hộ vào sử dụng, tránh gây lãng phí một lượng vốn lớn đã đầu tư vào các dự án nhưng để hoang hóa. Đặc biệt, điều này sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại cho những khách hàng đã đóng tiền mua nhà nhưng vẫn chưa nhận được nhà ở. Giai đoạn 2012-2015, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó có 100.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê; 17.500 căn hộ để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại đô thị; 800.000 m2 sàn nhà ở cho công nhân. Thành phố cũng sẽ phấn đấu thực hiện di dời, tháo dỡ và xây dựng mới thay thế 25 chung cư cũ xuống cấp, bị hư hỏng nặng với tổng diện tích là 350.000m2 sàn (khoảng 6.500 căn hộ). Năm 2013, thành phố phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 dự án với quy mô 3.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |