Tôn tạo đình Chử Xá theo hướng nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có đến 8 năm, địa phương nơi sở hữu di sản di tích xếp hạng cấp quốc gia, đình Chử Xá (Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) loay hoay tìm phương án bảo tồn, tu bổ tôn tạo.

Thế nhưng, công tác tu bổ dường như vướng đủ bề. Chính vì vậy, sáng 21/10, UBND huyện Gia Lâm đã mời các nhà khoa học “hiến kế cứu di tích”.

Sửa chữa ngẫu hứng

Đình Chử Xá có tiếng thiêng vì là nơi thờ Thánh Chử Đạo Tổ (1 trong “tứ bất tử” của Việt Nam là đức Thánh Tản, đức Thánh Gióng, Thánh Chử Đạo Tổ và Thánh mẫu Liễu Hạnh). GS Trần Lâm Biền sau khi nghiên cứu các sắc phong còn lại trong đình, di tích kiến trúc còn sót lại, cũng như so sánh với các di tích xung quanh đã khẳng định: Ngôi đình có niên đại từ thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng, có nhiều nét độc đáo. Nếu như cùng thời kỳ, các ngôi đình thường được dựng phía trong đê tránh lũ, thì đình Chử Xá lại nằm ngay gần bờ sông Hồng. Điều này chỉ có thể lý giải cho những ghi dấu nơi khởi sinh ra huyền thoại về Thánh Chử Đạo Tổ.
Đình Chử Xá.  Ảnh: Thanh Loan
Đình Chử Xá. Ảnh: Thanh Loan
Ngôi đình cũng được Bộ VHTT&DL nhìn nhận dưới góc độ độc đáo về kiến trúc nghệ thuật để xếp hạng cấp quốc gia năm 1990. Thế nhưng, sau hơn 20 năm, dấu tích độc đáo của những kiến trúc ấy không còn. Tòa đại bái không cần những trận mưa lớn cũng có thể dột từ bờ nóc dột xuống. Tường rào xung quanh chỉ trực đổ sập. Ông Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết: “Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều tỷ đồng để chống xuống cấp, chống sập cho ngôi đình”.

Tuy nhiên, mục sở thị không gian đình Chử Xá hiện nay, GS Trần Lâm Biền, PGS.TS Đặng Văn Bài, TS Lưu Minh Trị… cho rằng địa phương sửa di tích, một công trình văn hóa như... sửa nhà. Mở đầu cho kiểu làm manh mún này là bức bình phong phía trước đình làm tùy tiện theo cảm hứng, hai mặt linh vật đều hiền giống nhau, không có nghĩa trừ tà để giữ yên cho mảnh đất như ý nghĩa vốn có của bình phong di tích. Đường nét, hoa văn nơi cổng đình cũng được vẽ theo đủ kiểu cách rồng, phượng uốn lượn, không theo trường phái lịch sử văn hóa nghệ thuật cụ thể. Đó là chưa kể, ngôi nhà 5 gian được xây dựng năm 1991 ngay cạnh tòa đại bái, theo nhận xét của GS Trần Lâm Biền: “Giống nơi ở của thánh hơn là nơi thờ thánh. Các hạng mục được sửa chữa thiếu chuẩn mực so với truyền thống, thậm chí có nhiều sự tùy tiện, sai lệch, bắt chước không trọn vẹn”. Tất cả những kiến trúc mới cấy ghép đã làm giảm đi tính cổ của di tích.

Cần một quy hoạch tổng thể

Giá trị của một cụm công trình đình Chử Xá, lăng Chử Cù Vân (nơi thờ thân phụ và thân mẫu của đức Thánh Chử Đồng Tử) trong câu chuyện huyền thoại Tiên Dung - Chử Đồng Tử; cùng tuyến giao thông đường thủy ven sông Hồng đã được đầu tư đang hứa hẹn là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Thế nhưng, những người làm văn hóa địa phương vẫn loay hoay tìm hướng bảo tồn, tu bổ. Với kinh phí dự trù ban đầu từ nguồn đầu tư xã hội hóa khoảng gần 30 tỷ đồng, UBND xã Văn Đức đã xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử, văn hóa đình Chử Xá; định hướng tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị”.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, không thể phủ nhận đình Chử Xá đang thờ 1 trong “tứ bất tử” của huyền thoại Việt. Với ý nghĩa đó, ngôi đình xứng đáng được tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị. Nhưng hầu hết các ý kiến đều e dè trước phương án tu bổ ban đầu được công ty tư vấn đưa ra trong hội thảo lần này, vì nó thể hiện cách làm mới công trình di sản văn hóa chưa đưa ra được phương án giải quyết những công trình cần tháo dỡ… TS Lưu Minh Trị lưu ý, địa phương và đơn vị tư vấn cần khảo sát lại thực tế, dung hòa những công trình chính và các công trình phụ cận. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài mong muốn xây dựng một quy hoạch chung cho di tích trước khi tiến hành tu bổ; để công tác tu bổ diễn ra tổng thể không theo kiểu manh mún từng hạng mục như hiện nay.

Hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử, văn hóa đình Chử Xá; định hướng tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị” được ông Lý Duy Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thừa nhận như mở đầu lời giải cho cả bài toán tu bổ, tôn tạo di tích đình Chử Xá trong thời gian tới. Sẽ còn rất nhiều công việc phải làm như: Báo cáo tính cấp thiết của công tác tu bổ, thực trạng di tích, cơ sở nguồn vốn đầu tư… để dự án có thể được phê duyệt. Dự án tu bổ thành công mới có thể biến giấc mơ du lịch văn hóa tâm linh của Gia Lâm thành hiện thực.