Tổn thương sụn chêm khớp gối do chấn thương khi chơi thể thao

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thương tổn sụn chêm rất thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông và chấn thương thể thao.

Ngày nay, nhờ có nội soi khớp gối mà việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị các tổn thương của sụn chêm trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.

Đề cập đến vấn đề giải phẫu sụn chêm khớp gối, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khớp gối có sụn chêm trong và ngoài nằm giữa xương đùi và xương chày, cấu tạo chủ yếu bởi mô sợi sụn (fibrocartilage) chiếm 75% và elastin, proteoglycan chiếm 25%.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, sụn chêm có vai trò chịu khoảng 45% trọng lượng của cơ thể và di động trên mâm chày song song với việc gấp duỗi gối. Mặt cong của sụn chêm có tác dụng phân phối lực và chuyển bớt 30-55% lực sang ngang.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hình dạng của sụn chêm thay đổi trong quá trình gấp duỗi cũng như xoay trong, xoay ngoài để phù hợp với diện tiếp xúc giữa xương đùi và xương chày, góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp gối. Tạo sự tương hợp giữa hai mặt tiếp xúc, phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp.

Lấp đầy khe khớp gối, tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, để chẩn đoán tổn thương sụn chêm có 3 phương pháp.

Thứ nhất, triệu chứng lâm sàng tổn thương sụn chêm: Bệnh nhân thường thấy dấu hiệu đau tại khớp gối sau khi chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp. Đau tại khe khớp khi ấn ngón tay vào khớp gối. Tràn dịch khớp gối.

Dấu hiệu kẹt khớp: Đôi khi bệnh nhân đột ngột không thể duỗi hết gối, sau khi cố gắng vận động gối có thể duỗi trở lại.

Dấu hiệu lục khục trong khớp: Khi đi lại hoặc gấp duỗi gối người bệnh có cảm giác hoặc nghe thấy lục khục trong khớp.

Teo cơ tứ đầu đùi: Thường do hậu quả của hạn chế vận động chân bên đau.

Thứ 2 là phương pháp cộng hưởng từ khớp gối: Có giá trị chẩn đoán khá chính xác vị trí, hình thái tổn thương sụn chêm khớp gối.

Theo Stoller và Crues (1987) có 3 mức độ tổn thương:

Độ I: Tăng tín hiệu dạng nốt bên trong sụn chêm.

Độ II: Tăng tín hiệu dạng đường thẳng bên trong sụn chêm.

Độ III: Tăng tín hiệu dạng đường thẳng hoặc mở rộng tới ít nhất một mặt của sụn chêm (độ 1: Nằm ngang, độ 2: Đường chéo, độ 3: Đứng dọc, độ 4: Phức tạp).

Thứ 3 là nội soi khớp gối chẩn đoán: Nội soi khớp cho phép quan sát toàn bộ khớp gối, đánh giá chính xác tình trạng, mức độ tổn thương của sụn khớp, dây chằng, sụn chêm, màng hoạt dịch, từ đó giúp quyết định phương pháp điều trị cụ thể với từng trường hợp.