Tôn trọng quyền con người, quyền bình đẳng giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôn nhân đồng giới là một trong những nội dung được bàn thảo nhiều tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/4. Đây là bước đầu thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với quan hệ của người đồng giới.

 *Dự thảo Luật hướng tới phương án không cấm việc kết hôn giữa những người đồng giới

 Trong bối cảnh nước ta hiện nay, hướng đi phù hợp là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới. Đồng thời, có quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này.

Hội nghị trên được tổ chức trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, TP, nhằm tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với thực tiễn. Các ý kiến đều cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình… Bên cạnh đó, Luật đang tồn tại nhiều hạn chế như có những quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc Luật quy định không cụ thể, trong đó có vấn đề kết hôn đồng giới trong khi đây là nhu cầu thực tế cần phải có cơ chế xử lý.

Tôn trọng quyền con người, quyền bình đẳng giới - Ảnh 1

 Đám cưới tập thể theo mô hình nếp sống văn minh diễn ra tại Hà Nội hôm 17/3 vừa qua sẽ được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định, hôn nhân đồng giới là vấn đề tế nhị và nhạy cảm mà thực tiễn đã đặt ra. Cũng như mang thai hộ, luật pháp hiện hành vẫn khẳng định cấm kết hôn đồng giới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc sử dụng từ "cấm" mang tính khắc nghiệt, nặng nề. Chính vì thế, Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) lần này cần phải tìm ra cơ chế xử lý thích hợp: "Cấm" hay "không"; "thừa nhận" hay "không thừa nhận" và nếu thừa nhận thì sẽ ở hình thức nào. Ông Huệ cho biết, tinh thần Dự thảo đang hướng tới phương án không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính.

Trả lời về những ý kiến cho rằng, điều này liệu có đồng nghĩa với việc "bật đèn xanh" cho hôn nhân đồng giới, ông Huệ cho rằng, thực tế, nhiều cặp đồng giới đã chung sống với nhau như vợ chồng. Vì vậy, không nên đặt câu hỏi "Cấm" hay "không cấm", mà quan trọng là phải tìm ra giải pháp thỏa mãn nhu cầu từ thực tiễn. "Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi lần này là phải đảm bảo quyền tự do của con người. Và một khi đã cho người ta thực hiện quyền thì kèm theo đó phải có cơ chế, quy định để quyền đó không bị lạm dụng" -  ông Huệ khẳng định.

Tại hội nghị, ông Lương Thế Huy, đại diện cho tiếng nói của "thế giới thứ 3", cho biết, cộng đồng người đồng tính cảm thấy khích lệ và đánh giá cao nỗ lực của Nhà nước trong việc công nhận quyền lợi của mình và bày tỏ mong muốn cuối cùng của những người đồng giới vẫn là được thừa nhận quyền bình đẳng một cách tuyệt đối. Anh cũng mong có những cuộc đối thoại để những người đồng tính chuyển kiến nghị của mình tới những nhà làm luật...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Từ xưa đến nay, hôn nhân và gia đình luôn được coi là vấn đề hệ trọng đối với mỗi người và của mọi xã hội. Vì vậy, những vấn đề được đưa ra cần suy nghĩ, cân nhắc, nhất là trong điều kiện Hiến pháp 1992 đang tiến hành sửa đổi, bổ sung. Việc thi hành Luật cần quán triệt nguyên tắc tôn trọng quyền con người, bảo đảm quyền của bà mẹ, trẻ em, bình đẳng giới... Bên cạnh đó, Luật cũng cần thể hiện tinh thần tiến bộ, văn minh, xu hướng hội nhập và hài hòa với thông lệ quốc tế.