Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh các thầy thuốc một cách thiết thực

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay thật đáng nhớ. Đáng nhớ vì chúng ta từng trải qua những ngày tháng dịch bệnh kinh hoàng.

Cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch Covid -19, với bao gian lao vất vả. Trong những lực lượng chống dịch, đội ngũ thầy thuốc luôn ở tuyến đầu.

Nhiều thầy thuốc quen biết của chúng tôi kể, những ngày chống dịch, họ luôn phải xa nhà và hầu như không được gặp những người thân trong gia đình. Có bác sĩ ở tầng dưới, vợ con ở tầng trên. Sáng sớm anh ra đi, đến bệnh viện dã chiến; tối mịt mới về.

Lại có bác sĩ dù đã về hưu, kinh tế khá giả để có thể an hưởng tuổi già nhưng vẫn xung phong đi chống dịch. Nên nhớ rằng, các thầy thuốc ngoài công việc của xã hội, còn hầu hết là trụ cột của gia đình. Lúc dịch bệnh họ đã quên gia đình riêng của mình, phó mặc cha mẹ già, con thơ tự thân vận động để công tác.

Nhiều bác sĩ nhiễm virus khi khỏi bệnh lại quay trở lại “vị trí chiến đấu”. Có thầy thuốc đã hy sinh…

Có lẽ không thể kể hết nỗi vất vả của những “chiến sĩ áo trắng” thời gian vừa qua. Ngay tại bây giờ, các y, bác sĩ khắp cả nước vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Số ca nhiễm còn tăng, tình trạng y tế cơ sở có thể quá tải đã hiển hiện. Tuy quan niệm về chống dịch đã khác do chúng ta có độ phủ vaccine cao nhưng không vì thế mà được phép lơ là, chủ quan.

Cả nước đã ghi nhận công lao của các thầy thuốc, biểu dương họ bằng các hình thức khen thưởng và bằng sự biết ơn vô hạn. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng thầy thuốc y tế cơ sở, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, có hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Nguyên nhân là nhân viên y tế lương nhiều nhưng chế độ đãi ngộ thấp. Nhiều người cho biết, ra trường xin việc khó, lương chỉ vài ba triệu đồng/tháng; có khi vào làm việc không lương. Có người cho biết đã đi làm 20 năm mà lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng tháng. Trong khi đó, họ làm việc hết sức căng thẳng, nhất là mùa dịch, rủi ro về bệnh nghề nghiệp, lo bị người nhà bệnh nhân nổi nóng tấn công… Nhiều người phát biểu là thường xuyên bị kiệt sức. Trong ngành Y có những bác sĩ giàu có nhưng đó chỉ là số ít, thường là những bác sĩ chuyên gia giỏi, nổi tiếng làm ở các bệnh viện lớn. Chưa kể, học ngành y thường vất vả hơn ngành khác, thời gian học dài hơn, phải đi thực tập 1 - 2 năm mới có chứng chỉ hành nghề…

Chế độ thích hợp hơn cho các thầy thuốc, nhất là những thầy thuốc y tế cơ sở, là điều cần nghĩ đến để giữ chân họ ở lại tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cho từng người dân. Chúng tôi vẫn biết, tình hình kinh tế của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều khoản cần phải đầu tư và trang trải. Tuy nhiên, chỉ cần tăng một mức lương vừa phải cho các thầy thuốc đủ trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình cũng là tốt rồi.

Nhân ngày 27/2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi mong các thầy thuốc bình an, khỏe mạnh, tiếp tục cống hiến tài năng, sức lực cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh, cho sức khỏe của mỗi người dân. Chúng tôi cũng mong, đội ngũ thầy thuốc được tôn vinh nhiều hơn nữa, không chỉ bằng các hình thức khen thưởng mà còn bằng những vật chất thiết thực, cụ thể.