Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh cống hiến vì tình yêu Hà Nội

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 50 giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội qua 10 năm không chỉ là những con số, mà thể hiện dòng chảy đóng góp của những người luôn đau đáu một tình yêu dành cho Thủ đô không bao giờ ngừng nghỉ.

Những đóng góp ấy đã và đang góp phần làm cho người Hà Nội sống chậm lại, văn hóa và nhân văn hơn.
Giá trị vì cộng đồng
10 năm tổ chức liên tiếp, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã gọi tên rất nhiều nhà văn hóa lớn, những việc làm, ý tưởng dành cho Hà Nội. Một giải thưởng không bị chi phối kết quả bởi sự điều hành của chính quyền TP, hay số tiền của nhà tài trợ, đã dành 2 năm liên tiếp để ghi nhận những quyết sách, những ý tưởng của lãnh đạo UBND TP Hà Nội là một điều rất khác lạ. Sự ghi nhận đó là giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội với “Chủ trương phát triển không gian xanh của TP Hà Nội với chương trình một triệu cây xanh và kế hoạch trong 5 năm tới xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế…” và Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội làm cho “Việc xây dựng Phố đi bộ khu vực hồ Gươm”.

Các tác giả được đề cử giải thưởng ''Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội'' lần thứ 10 - năm 2017. Ảnh: TTXVN

Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của nhiều năm cho biết: “Năm 2016 và 2017, các thành viên Hội đồng giám khảo không khó để lựa chọn giải Ý tưởng và Việc làm cho TP Hà Nội. Chúng tôi lựa chọn không phải vì đó là quyết sách của chính quyền, mà vì những việc làm ý tưởng đó đem lại lợi ích cho người dân”. Bằng chứng suốt một năm qua, giải Ý tưởng Chủ trương phát triển không gian xanh của TP Hà Nội chỉ là cột mốc cho những ngày đặc biệt. Thực hiện chủ trương, năm 2016, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã trồng mới trên 200.000 cây xanh trên địa bàn, trong đó có gần 20.000 cây xanh đô thị có đường kính lớn, nhiều cây có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái của đô thị Hà Nội như Hoa Ban, Chà Là, Cọ dầu... Trong một hội nghị tổng kết của Công ty Cây xanh Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung một lần nữa nhấn mạnh, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore đều rất chú trọng và đề cao trồng cây xanh… Đối với Hà Nội, TP tiếp tục thực hiện chủ trương trồng  một triệu cây xanh theo kế hoạch, phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh từ 7 - 8m2 hiện nay lên 9 - 10m2/người trong những năm tới, nhằm mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô xanh. Hơn một năm thực hiện chủ trương, ở Hà Nội, nhiều tuyến phố sau khi được cải tạo, trồng bổ sung và trồng thay thế, cây xanh đô thị, tạo diện mạo mới ấn tượng.
Lần thứ 2, tại giải thưởng Bùi Xuân Phái –Vì tình yêu Hà Nội năm 2017, Hà Nội được gọi tên trong hạng mục Giải Việc làm cho “Việc xây dựng Phố đi bộ khu vực hồ Gươm”. Sau 10 tháng thực hiện thí điểm rồi đi vào hoạt động chính thức, vào mỗi dịp cuối tuần, người Hà Nội và du khách đã có thể dạo bước trong không gian cổ kính, tĩnh lặng nhất mảnh đất hình chữ S. Những trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy bao bố, kéo co; các loại hình âm nhạc từ xẩm, quan họ, đến chương trình hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới là London Symphony Orchestra – top 5 thế giới… cũng đã đến bên hồ Gươm. Đúng như chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Phố đi bộ làm cho Hà Nội sống chậm lại và sống văn hóa hơn, nhân văn hơn”. Việc làm này không đơn thuần là chuyện cấm xe trong 3 ngày cuối tuần để biến khu vực quanh hồ Gươm thành không gian đi bộ, mà đó còn là bài toán tổ chức và phân luồng giao thông tại khu vực tấp nập nhất TP, là chuyện giải quyết nhu cầu đi lại và kinh doanh tại đây, là chuyện thiết lập các tiện ích và các hoạt động văn hóa đúng nghĩa. TP Hà Nội đã giải quyết được tất cả những bài toán đó và sẽ còn làm tốt hơn.
Từ “cây đa cây đề” đến con người bình dị
10 năm Giải thưởng Bùi Xuân Phái gọi tên những nhà văn hóa lớn như: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà nghiên cứu Giang Quân, nhà nhiếp ảnh Lê Vượng, giáo sư Phan Huy Lê, nhà văn hóa Hữu Ngọc… khiến người ta hâm mộ về sức cống hiến không mệt mỏi của họ suốt mấy chục năm cho Hà Nội. Ví như 80 năm sự nghiệp nhiếp ảnh của Lê Vượng, gia tài giá trị nhất là hàng nghìn bức ảnh về một Hà Nội vừa giản dị, thân thương, vừa thấm đẫm chiều sâu lịch sử văn hóa.
Năm 2017, giải thưởng lớn gọi tên nhà văn hóa Hữu Ngọc; người ta gọi ông lão 100 tuổi này là nhà “phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội”. Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời 34 cuốn sách. Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Năm 1997, cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” bằng tiếng Anh và Pháp đã được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội. Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm đó (1997). Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cho biết, ông “phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” chỉ trong 3 tháng với cách giới thiệu về Hà Nội cũng rất... “ngẫu nhiên”. Không chỉ dừng ở cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội”, nhà văn hóa Hữu Ngọc còn xuất bản cuốn “Hà Nội của tôi” để “tự bạch” về Hà Nội. Với nhà văn hóa Hữu Ngọc “cảm thụ về Hà Nội luôn cần chiều sâu văn hóa”.

Paul George Harding trong một lần tham gia xóa quảng cáo, rao vặt. Ảnh: Công Hùng

Giải thưởng Bùi Xuân Phái mùa thứ 9 bất ngờ ghi nhận ông James Joseph Kendall (người Mỹ) mà dư luận vẫn gọi thân tình là “ông Tây móc cống” cùng với nhóm Keep Hanoi Clean đã lội xuống mương thối vớt rác, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đến mùa giải lần 10 năm 2017, ông Paul George Harding, một cựu binh Mỹ, một người miệt mài xóa rác rao vặt và làm sạch các con ngõ Hà Nội được vinh dự nhận giải. Cả James Joseph Kendall và Paul George Harding đều không phải là những người nổi tiếng. Họ là những con người bình dị, với những việc làm bình dị nhưng truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội cho những người xung quanh mình.
“Sau giờ học trên lớp, những học viên của tôi, vẫn có được nguồn năng lượng để cùng nhau kiên trì, vượt qua mưa lớn, qua cái nóng khắc nghiệt, cùng tôi xóa quảng cáo rao vặt và làm sạch các con ngõ Hà Nội. Chúng tôi đã tạo động lực cho nhau bằng cách nhìn vào những tấm gương trẻ tuổi thế hệ trước đã cống hiến cho đất nước Việt Nam như cho Hà Nội, nhìn vào đó để thấy động lực và thấy việc làm của chúng tôi là có một giá trị nào đó cho Hà Nội” - Paul George Harding - Chủ nhân Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội năm 2017 chia sẻ.
Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội cho biết giải thưởng sẽ không dừng lại ở năm thứ 10 mà còn tiếp tục phát triển để ghi nhận những con người, việc làm cho Hà Nội. Trong tương lai, có thể sẽ không chỉ có Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội là giải thưởng ghi nhận những đóng góp này, mà sẽ còn nhiều giải thưởng khác tương xứng vì những đóng góp ấy vẫn tấp tập đến với Hà Nội. 
“Việc chỉ đạo xây dựng tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã tạo ra không gian để thư giãn vào cuối tuần cho người dân và du khách. Nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội đánh giá không nơi nào có được không gian thu hút hàng vạn người đến như nơi đây. Công việc này đã diễn ra trong một năm qua và trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục công việc này. Giải thưởng ghi nhận việc làm này của Hà Nội là sự động viên với tập thể lãnh đạo TP”.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

“Điều tôi cảm nhận được từ giải thưởng Bùi Xuân Phái là thấy được nhịp sống của Hà Nội. Giải thưởng gắn với thời lượng 1 năm, từ tháng 8 năm trước đến tháng 8 năm sau, nhưng số lượng đề cử nhận được rất nhiều. Như thế mới thấy sức đóng góp cho Hà Nội của mỗi người là không ngừng nghỉ. Hà Nội thời nào cũng hội tụ được “nguyên khí” cả trong và ngoài nước, đến sinh sống và cống hiến cho Thủ đô”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Thành viên Hội đồng giám khảo giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2017