Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh, nâng tầm văn hóa đọc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Lễ công bố và khai mạc “Ngày Sách Việt Nam” lần thứ nhất đã diễn ra tại Hà Nội cùng hàng loạt chương trình hưởng ứng.

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, trong đó độc giả là chủ thể chính, Ngày Sách không chỉ tôn vinh vai trò của sách trong đời sống, mà còn nâng cao nhận thức về văn hóa đọc đối với việc trang bị kiến thức, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách.

Độc giả là chủ thể

Năm 1995, UNESCO đã lấy ngày 23/4 hàng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sách và văn hóa đọc. Nhiều năm qua, Ngày hội sách và văn hóa đọc cũng đã được quan tâm tổ chức, tạo thành một hiệu ứng khuyến khích văn hóa đọc. Nhưng khác với những "mùa" trước, Ngày sách năm nay được tổ chức quy mô hơn khi có Quyết định số 284 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam”.
Sáng 20/4, rất nhiều độc giả đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tìm mua sách. Ảnh: Thanh Hải
Sáng 20/4, rất nhiều độc giả đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tìm mua sách. Ảnh: Thanh Hải
 
Cuối tuần qua, nhiều bạn trẻ và du khách trong và ngoài nước đã tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám để hưởng thụ các giá trị từ sách. Không chỉ hòa mình vào nghi lễ Dâng hương tại Điện thờ Chu Văn An; nghe thuyết trình và chiêm ngưỡng trưng bày theo chủ đề "Sách - Chìa khóa thành công"; giao lưu với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký..., mỗi người không quên chọn cho mình những cuốn sách hay. Với một chồng sách trên tay, Lệ Thủy - Sinh viên năm nhất Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ: "Em rất vui vì đã tìm được những cuốn sách rất lý thú. Ở đây, sách vừa hay vừa có giá phải chăng. Ngoài ra, với phương châm độc giả là chủ thể của Ngày sách, lần đầu tiên "Đường sách" đã được tôrổ chức dọc theo tuyến phố Ngô Quyền - Đinh Lễ nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất nhu cầu của những người yêu sách. Có thể nói, Ngày sách phần nào đã  khơi lại thói quen, hứng thú mua sách và khắc phục thực tế "sách đi tìm người" của văn hóa đọc.

Cùng với đó, hầu hết các đơn vị tổ chức đều cố gắng thu hút độc giả với nhiều đầu sách hay, mở rộng không gian đọc sách để lôi kéo độc giả tìm hiểu sách, đấu giá sách, mua sách cũ, sách hiếm. Đơn cử như cuộc thi nhận diện tác phẩm, đông đảo độc giả thích thú với việc trả lời câu hỏi từ các nhân vật tiêu biểu của những tác phẩm nổi tiếng do các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ hóa thân...

Còn những trăn trở

Kỳ vọng về việc tôn vinh và nâng tầm văn hóa đọc nhân “Ngày Sách Việt Nam”, nhưng kể cả những nhà quản lý cùng những người yêu sách vẫn không khỏi băn khoăn về việc tạo dựng nét đẹp, thói quen văn hóa đọc trong cộng đồng. Bởi hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi cuộc sống còn khó khăn, không có sách thì làm sao tạo được thói quen đọc sách.
Độc giả tham khảo sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.      Ảnh: Thanh Hải
Độc giả tham khảo sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải
Ngay cả ở chương trình này, Ban tổ  chức cũng cố gắng kêu gọi ủng hộ sách cho những vùng còn khó khăn, thì cũng chỉ như "muối bỏ bể". Mặt khác, Ngày Sách dù lần đầu tiên được tổ chức quy mô, nhưng chưa thực sự đến được với mọi tầng lớp, lứa tuổi. Và dù ưu tiên đối tượng độc giả trẻ, thì Ngày Sách vẫn chưa làm tròn sứ mệnh do các chương trình chỉ tập trung ở một số TP lớn, nên lớp trẻ ở vùng nông thôn vẫn khó tiếp cận với những cuốn sách hay, giá rẻ.

Khi được hỏi, hầu hết độc giả đều cho biết, sẵn sàng mua những cuốn sách có ích cho bản thân. Việc nhiều đầu sách đã được tái bản hàng vạn cuốn trong một thời gian ngắn, cho thấy người Việt vẫn luôn yêu sách, vấn đề là nội dung cuốn sách có phù hợp với độc giả không, giúp ích gì cho họ? Câu hỏi này được đặt ra với những người làm sách, để đào sâu nghiên cứu, cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa với từng đối tượng.

Hân hoan trong Ngày Sách, nhưng nhiều người cho rằng, để tạo được thói quen đọc sách là điều không đơn giản. Và muốn thành công, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi bạn đọc.