Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh nghề dạy học để thấy trách nhiệm lớn lao của người thầy

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – "Tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề sư phạm hơn các nghề khác, mà để thấy trách nhiệm của nhà giáo rất lớn lao" - là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, ngày 20/11 là dịp để nói lời tri ân, chúc mừng thầy cô - những nhà giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển tương lai của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Sứ mệnh của người thầy không ai thay được".

“Mỗi nhà trường, dù là trường phổ thông hay đại học, luôn gắn liền sự lớn khôn và trưởng thành của mỗi người; luôn là đường dẫn cho mỗi con người được đi xa hơn. Ở đó, mỗi nhân cách được vun trồng, mỗi khác biệt được chấp nhận và yêu thương. Những người làm việc đó chính là các thầy cô giáo. Sứ mệnh ấy không ai thay được” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường trao khen Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho các nhà giáo.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường trao khen thưởng cho các nhà giáo tiêu biểu.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề sư phạm hơn các nghề khác mà là để thấy trách nhiệm của người làm thầy thật lớn lao; công việc của người thầy rất có ý nghĩa. Tôn vinh là để thầy cô có thêm sức lực, niềm tin vào những điều đẹp đẽ để bền bỉ, kiên định với công việc của mình; vượt qua thách thức, gian truân của cuộc sống, tiếp tục gắn bó, yêu nghề. 

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ, trong cuộc đời dạy học, mỗi thầy cô sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời; có thể không nhiều nhưng ít nghề nào có được. Đó là những khoảnh khắc thầy cô tràn ngập niềm vui và hạnh phúc khi ai đó trong số học trò của mình thành công; ai đó vượt qua khó khăn để thành đạt; ai đó nên người; khi thầy cô tự hào khoe rằng, đó là học trò mình từng dạy. Đây là cảm xúc rất thuần khiết, nhân văn, chân thành và tuyệt vời mà nghề giáo được ban tặng.

Nhắn nhủ học sinh, sinh viên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn bày tỏ: “Trong cuộc đời dạy học, thầy cần có trò. Học sinh, sinh viên là một nửa không thể thiếu của người làm thầy. Chính các em góp phần hun đúc sự nhiệt huyết, sức lực, lòng yêu người, yêu nghề trong người thầy…”.

 

Sáng 20/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024); vinh danh Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16. Theo đó, trong dịp này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự có 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, nhà trường cũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; khen thưởng giảng viên tiêu biểu, cán bộ hành chính tiêu biểu cho các cán bộ, nhà giáo đạt thành tích xuất sắc; đồng thời trao giải Nghiệp vụ sư phạm năm học 2024 – 2025.