Tôn vinh sự cống hiến của người làm báo

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Tối qua (21/6), Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 6 đã được tổ chức long trọng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tới dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh; các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng đông đảo các nhà báo và bạn đọc.

Theo đánh giá của nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng: "Giải thưởng Báo chí Quốc gia 2011 đã thành công tốt đẹp, với số lượng tác giả, tác phẩm, đơn vị tham dự cao hơn so với nhiều năm; thu hút được sự tham gia của đông đảo các cấp Hội trong cả nước; chất lượng các tác phẩm đồng đều, là bức tranh phản chiếu đầy đủ, khách quan tình hình đất nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục đưa đất nước tiến lên. Năm 2012, Hội Nhà báo Việt Nam đang lên kế hoạch thay đổi điều lệ chấm giải nhằm nâng tầm Giải thưởng Báo chí Quốc gia lên bước nữa".

Giải Báo chí Quốc gia năm 2011 thu hút 1.268 tác phẩm của 117 đơn vị báo chí tham dự. Sau hai vòng chấm giải, Hội đồng ban giám khảo giải thưởng đã chọn được 153 tác phẩm vào chung khảo thuộc 8 loại giải, và trao giải cho 95 tác phẩm đoạt giải. Theo công bố tại lễ trao giải, 2 giải A đã thuộc về tác phẩm, phim tài liệu "Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga" của nhóm tác giả: Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lô Thắng, Việt Anh, Thu Hà (Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam) và tác phẩm "Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế" của nhóm tác giả: Thùy Vân, Lê Phúc, Thu Lan, Lê Bình (Đài Tiếng nói Việt Nam). Ngoài ra, Ban tổ chức giải thưởng còn trao 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích cho tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Các tác phẩm đoạt giải, được tôn vinh trong giải thưởng Báo chí Quốc gia 2011 là những tác phẩm đã thể hiện tấm lòng, nỗ lực cống hiến hết mình của các nhà báo với nghề. Tổ quốc Việt Nam có truyền thống anh hùng, bề dày lịch sử, trong dòng chảy báo chí hiện nay, tôi chúc 17.000 phóng viên báo chí cách mạng ngày càng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tấm lòng, trí tuệ để đồng hành cùng đất nước, dân tộc, đưa dòng chảy báo chí cách mạng phát triển theo hướng tích cực, phục vụ lợi ích của nhân dân".