Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chân thành lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.Trong đó, các đại biểu đã đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nguồn lực kiều bào hướng về quê hương, đất nước; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ; động viên nhân sĩ trí thức tham gia tư vấn, phản biện chính sách…
Nhấn mạnh thành tựu sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới là hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của đất nước tăng cao, tuy vậy, “không được chủ quan, tự mãn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: Bài học đầu tiên là phải đoàn kết, thống nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc, lòng dân - ý Đảng gặp nhau.
Trong đó, vai trò của MTTQ Việt Nam là hết sức quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ của các nước trên thế giới, với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Xây là cơ bản, chống là quan trọng, xây cũng là để chống mà chống chính là để xây, để cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa, răn đe. Thực tế chúng ta đang vừa chống vừa xây, một loạt quy chế, quy định về nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu... Chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy để làm việc này việc kia, tranh thủ quan hệ thân quen, lợi ích nhóm... bằng các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, từ trên xuống, từ dưới lên, Nhân dân giám sát, từng đoàn thể phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm quyền.
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Không thể để đạo đức xuống cấp, không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế, càng kinh tế thị trường càng phải chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức, đó là bản chất xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi với các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định nhất quán đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu, kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Quanh vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tự do phát triển, không định kiến, không phân biệt. Nhưng lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật thì phải ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần nắm vững quan điểm, đường lối chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước. Đó là kiên định giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng phải có phương pháp cách làm hiệu quả, giữ vững ổn định để phát triển.