Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng"

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử trị 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Bùi Huyền Mai, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành Thành phố và đông đảo cử tri 3 quận.
Cử tri mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ phấn khởi về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trên nhiều lĩnh vực thời gian qua: Chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Cử tri Nguyễn Văn Đoàn (quận Ba Đình) cho biết rất vui mừng khi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mạnh khỏe, thân mật gặp gỡ, thăm hỏi cử tri tại cuộc tiếp xúc. Cử tri mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn khỏe mạnh, sáng suốt, gánh vác xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử trị 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Quan tâm tới vấn đề biển Đông, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (quận Ba Đình) đặt câu hỏi: Đảng, Nhà nước và Quốc hội có giải pháp và quyết sách gì về vấn đề biển Đông hiện nay và những năm tiếp theo? Cùng đó, cử tri cho rằng thực trạng tham nhũng, lãnh phí hiện nay vẫn đang nhức nhối trong xã hội, phổ biến trên nhiều lĩnh vực và cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra gay go, quyết liệt.

Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, cử tri cho biết, nhân dân rất chia sẻ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Phòng chống Trung ương đang có quyết tâm rất cao trong công cuộc chống giặc nội xâm, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

Cử tri mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, trong thời gian tới cần có giải pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa. Trước tiên cần có phải có bộ máy đội ngũ cán bộ trong sạch, chí công vô tư, cùng đó cần xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tham nhũng và kiên quyết không sử dụng cán bộ có tư tưởng vụ lợi, tham những vào đội ngũ lãnh đạo các cấp.

Trước tình trạng một số luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, cử tri Nguyễn Quyết Thắng (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Văn Khiêm (Hàng Bông, Hoàn Kiếm) cho rằng các luật còn thiếu, yếu cũng như còn chậm ban hành những văn bản dưới luật... Cử tri kiến nghị Nhà nước cần xây dựng bộ luật thật sự hoàn chỉnh để nhân dân thượng tôn pháp luật một cách tự giác tự nguyện, nghiêm minh.

Bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc ô nhiễm nước Sông Đà trên địa bàn TP Hà Nội những ngày gần đây, nhiều ý kiến cử tri quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất để bảo đảm đời sống của nhân dân Thủ đô.

 Cử tri Nguyễn Quốc Thước (quận Ba Đình) 

Cử tri Nguyễn Quốc Thước (quận Ba Đình) bày tỏ băn khoăn về đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn cao, không những vậy, bộ GTVT còn chậm bàn giao cho Hà Nội vận hành, dù Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận. Đại biểu mong muốn các cơ quan chức năng thanh tra, lãm rõ trách nhiệm, chỉ ra sai phạm, trách nhiệm của cán bộ Bộ GTVT có liên quan, ở cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ trước.

Cử tri cũng bày tỏ đồng tình và tin tưởng vào các biện pháp vừa mềm dẻo, khôn khéo vừa quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý vấn đề phức tạp tại biển Đông. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề cập đến nhiều vấn đề như: công tác cán bộ, tinh giản biên chế; chậm giải ngân vốn đầu tư công; lĩnh vực văn hóa, giải trí gần đây thiếu các bài hát dành cho thiếu nhi…

Triển khai nhiều biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm không khí
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã phát biểu, trao đổi làm rõ một số ý kiến cử tri nêu thuộc thẩm quyền giải quyết của TP Hà Nội. Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, Chủ tịch UBND TP cho biết, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, trong nhiều năm vừa qua, Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí.
Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã làm việc với nhiều tập đoàn của Pháp và đội ngũ chuyên gia của các nước tiên tiến trên Thế giới để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngay từ đầu năm 2016, Hà Nội đã lắp đặt nhiều trạm quan trắc không khí (trước năm 2016, TP có 8 trạm quan trắc không khí lắp cố định ở một số địa điểm nhưng chỉ còn 4 trạm hoạt động), đến quý I/2017 đã lắp được 10 trạm quan trắc, nâng tổng số trạm lên thành 14 trạm. Tất cả các trạm quan trắc trên đều sử dụng một phần mềm, công nghệ như nhau, nên đưa ra các chỉ số giống nhau. Cùng với đó, gần đây Bộ TNMT cũng đưa vào một số trạm quan trắc về không khí để đo chất phóng xạ.

Trong 3 năm qua (2017-2019), các thiết bị quan trắc đã tích hợp cho thấy mức độ ô nhiễm ở mức trung bình. Từ năm 2018 đến tháng 9/2019, qua kết quả quan trắc, những ngày có chỉ số xấu nhiều hơn, hạt bụi mịn PM 2.5 có tăng hơn trong ngày, đặc biệt vào đợt giao mùa. Qua các đề tài nghiên cứu đã xác định được nguồn gây ô nhiễm, trong đó nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là từ khí thải phương tiện xe máy, ô tô. Ô nhiễm từ việc đốt than tổ ong; do quá trình tháo dỡ công trình xây dựng, phế thải rắn từ các công trình; mùi hôi thối từ các hệ thống thoát nước mà chưa xử lý được; đốt rơm rác; thu gom rác thải chưa tốt; tỷ lệ hồ ao còn ô nhiễm bốc mùi; bùn thải từ công trình đưa ra chưa được xử lý; khói bụi từ các nơi sản xuất ở Hà Nội và địa phương lân cận; tác động của biến đổi khí hậu.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri 
Trên cơ sở đó, TP đã xây dựng kế hoạch và trình HĐND thông qua Nghị quyết các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô, trong đó có vấn đề làm sạch môi trường như: lắp đặt các trạm quan trắc; phối hợp với các nhà khoa học Đức để xử lý ô nhiễm ao hồ (đã xử lý 88/122 ao hồ); có chính sách hỗ trợ, vận động người dân toàn TP đến 31/12/2020 không dùng bếp than tổ ong; chuyển hình thức thu gom rác thủ công sang thu gom bằng xe hút bụi; triển khai xử lý xe chở vật liệu tại các công trình xây dựng; đưa công nghệ đưa chất thải rắn để nghiền không còn khí bụi tại các công trình. Tuy nhiên còn một số vấn đề chưa tốt như xe chở nguyên vật liệu chưa che chắn, ý thức của người dân trong vứt rác thải ra đường, công tác thu gom, vận chuyển của các công ty môi trường tại các khu vực giáp ranh chưa tốt; quá trình phá dỡ, xây dựng tòa nhà che chắn chưa tốt … TP sẽ quyết tâm thực hiện tốt vấn đề này.
Nguyên nhân nước có mùi do người dân đổ trộm phế thải đầu nguồn 
Cụ thể, Chủ tịch cho biết, lãnh đạo TP Hà Nội nhận được tin nhắn của người dân ở khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông thông báo nước sạch có mùi bất thường. Trước sự việc trên, TP chỉ đạo các sở ngành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn thu nước sông Đà và quá trình truyền tải nước. Đến nay, TP Hà Nội đã có kết quả kiểm tra và sẽ thông báo chính thức tới báo chí trong cuộc họp giao ban do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 15/10.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu, trao đổi làm rõ một số ý kiến cử tri nêu 
Theo Chủ tịch, đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân ở đầu nguồn nước có người đổ trộm phế thải xuống con suối từ đó chảy ra hồ, nhà máy không kiểm soát tốt nên nguồn nước chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm, các đơn vị TP Hà Nội xác định chất gây ra mùi bất thường đó có tỷ lệ cao hơn từ 1,3 đến 3,6 lần bình thường. Quan điểm của TP Hà Nội là phải xử lý nghiêm vấn đề trên. TP Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm công ty nước sạch sông Đà.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, TP sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vào điều tra làm rõ trách nhiệm của công ty. “Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin.

TP đã làm việc với công ty và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải súc xả. Toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm. Nếu thiếu nước cục bộ TP sẽ tạm thời điều hòa nước cấp từ trạm Dương Nội, nhà máy nước sông Đuống và kiến nghị nhà máy lắp camera để giám sát toàn bộ việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời, thay đổi công nghệ để nâng cao, đảm bảo chất lượng nguồn nước.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP đã trao đổi thêm với các đại biểu Quốc hội và cử tri một số thông tin về vấn đề xử lý công trình xây dựng sai phép ở 8B Lê Trực; đường sắt Cát Linh – Hà Đông; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; chính sách cho người nghèo…
Bảo đảm độc lập, chủ quyền tại biển Đông
Trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc lại các ý kiến cử tri bày tỏ đồng tình, hoan nghênh về kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2019 vừa qua.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, nhìn lại quá trình sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Hội nghị kiểm điểm nhiệm kỳ vừa qua và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.
Hội nghị thể hiện sự thống nhất, đoàn kết cao trong Trung ương, đạt kết quả tốt đẹp, đã thông qua Nghị quyết tập trung, tạo dư luận tốt, nhân dân đồng tình.
Về ý kiến cử tri về tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, dù thời gian qua, chúng ta có nhiều cố gắng, được nhân dân ghi nhận, dư luận quốc tế chú ý đánh giá cao, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri
“Tôi đã nói nhiều lần đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, bên ngoài mà là đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người”, Tổng Bí thư bày tỏ.
Về ý kiến cử tri quan tâm đến vấn đề nhân sự khi Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới gần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, vừa qua, Bộ chính trị có một số quy định hạn chế tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất, và cố gắng chọn người cho xứng đáng với nhiệm vụ, vị trí công tác.
Về vấn đề biển Đông, trước nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, tin tưởng vào các chủ trương, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, vấn đề biển Đông phức tạp, quan điểm của Đảng, Nhà nước là giữ ổn định, hòa bình đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền.
"Tinh thần là giữ quan hệ cho tốt nhưng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. 
Về các ý kiến liên quan đến một số vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội của Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại việc Chủ tịch UBND TP đã có giải thích chi tiết, cụ thể, rõ ràng về các vấn đề cử tri nêu. Đồng thời với tư cách vừa là công dân Hà Nội, vừa là cán bộ từng công tác tại Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiến nghị TP Hà Nội cố gắng nghiên cứu, đặt vấn đề ở tầm chiến lược, không chỉ dừng lại ở xử lý vấn đề cụ thể hàng ngày.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ đô chưa bao giờ có được cơ hội phát triển như hiện nay, phạm vi rộng, dân số đông, quan hệ quốc tế lớn cùng với đó cũng còn nhiều vấn đề có tính chất phức tạp. Ví dụ như, khi kinh tế phát triển kéo theo nhiều hệ quả như rác thải, môi trường…
Do vậy, Hà Nội phải chú ý toàn diện phát triển kinh tế là trung tâm nhưng cũng chú ý đến vấn đề văn hóa, văn minh, đạo đức con người Thủ đô và giữ môi trường hòa bình, ổn định.