Sáng 22/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và bàn phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN) được quan tâm, ngày càng nề nếp, hiệu quả.
Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Ban đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác PCTN tại 15 cấp ủy, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy; kiểm tra, rà soát hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước; kiểm tra chuyên đề về PCTN trong lĩnh vực thuế, hải quan; rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán; thanh tra, kiểm tra các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Ngành nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
“Ở đây đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng và thống nhất ý kiến giữa các cơ quan chức năng mới làm được; vì PCTN là lĩnh vực khó, phức tạp; nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội; tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành nội chính nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng.
Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và PCTN được quan tâm, ngày càng nề nếp, hiệu quả.
Đạt được những thành công ấy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; trong nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; quan tâm chưa đúng mức trong tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính…
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2019
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trọng trách của ngành nội chính Đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTN, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu các nhiệm vụ trọng tâm của ngành nội chính trong năm 2019, đó là: Cần tiếp tục đầu tư nhiều công sức hơn nữa cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tích cực tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao ngành nội chính đã tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng". Chủ trì và phối hợp nghiên cứu, đề xuất đưa ra được những quan điểm, định hướng lớn về lĩnh vực công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp để phục vụ việc chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp..
Ngành cần chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp.
Trước hết là kiểm tra, giám sát việc chấp hành. Ngành nội chính Đảng phải chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp tỉnh và trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính; nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không?...
Mặt khác, tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…).
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN
Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Thực tế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN vừa qua cho thấy, cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế là rất hiệu quả, cần tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác PCTN; phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.
Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải thực sự là trung tâm khâu nối, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, bảo đảm việc xử lý phải nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Xác định đúng vai trò, vị trí, để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về công tác PCTN nói chung và đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế nói riêng; phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng.
Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương.
Nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.
Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính Đảng thật sự liêm chính, trong sạch.
Cán bộ, công chức ngành nội chính Đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.