Tổng Bí thư Đỗ Mười và chuyến đi lịch sử

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi có vinh dự và may mắn được tháp tùng nhiều chuyến thăm nước ngoài của các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta. Đêm nay, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang xúc động tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi ngồi bồi hồi nhớ lại chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc cách đây 23 năm của người đứng đầu Đảng ta từ 26/11 đến 2/12/1995 mà tôi được chứng kiến.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười, sáng 27/11/1995, tại Đại Lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ ngày 26/11-2/12/1995. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đã tiến hành cải cách được 15 năm, còn Việt Nam mới tiến hành công cuộc đổi mới được 9 năm. Đây cũng là thời điểm Việt Nam vừa có ba sự kiện đối ngoại lớn, đặc biệt quan trọng: Bình thường hoá quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, ký Hiệp định khung với Liên minh Châu Âu. Đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ vào năm 1991 sau một giai đoạn mối bang giao hai nước trải qua nhiều biến động thăng trầm. Nhìn từ nhiều khía cạnh, đó thực sự là một chuyến thăm mang dấu ấn lịch sử.

Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng như khi đi thăm các khu đô thị, các khu công nghiệp và các vùng nông thôn của bạn, Tổng Bí thư Đỗ Mười đều muốn rút ra được những điều bổ ích và thiết thực nhất từ thực tiễn phát triển của Trung Quốc cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

Quả thực, việc chỉ dùng cụm từ “thay da đổi thịt” thì không thể giúp người ta hình dung hết sự vươn dậy với một xung lực hiếm có ở những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đỗ Mười, ấn tượng đó đối với tôi mạnh hơn nhiều so với chuyến thăm trước đó. Đất nước vĩ đại này, vẫn một đường hướng đi lên đó, nhưng dường như hối hả hơn mà lại đường bệ hơn.

Nhìn cung cách các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đặt nền móng cho sự phát triển, trước hết chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng với một quy hoạch tổng thể, hoàn chỉnh, làm đâu được đấy dưới một sự giám sát nghiêm ngặt, người ta có thể hình dung ra đường nét của chiến lược tăng tốc kiểu Trung Quốc. Chiến lược tăng tốc này hình thành từ tư tưởng “chấn hưng dân tộc Trung Hoa”, được biết đến từ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cải cách và mở cửa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng Bí thư Đỗ Mười rằng, làm chuyển động và tăng tốc một quốc gia 1,2 tỷ người là một bài toán vô cùng nan giải.

Từ những cuộc nói chuyện của các bạn Trung Quốc với Tổng Bí thư Đỗ Mười, có thể thấy rằng nếu có một Chính phủ Trung ương mạnh, biết phát huy nội lực và ngoại lực, biết tạo ra một cơ chế quản lý phù hợp theo hướng kinh tế mở, thì một nước đông dân, trình độ phát triển còn thấp còn có thể tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo dạng sóng, cứ vài năm lại có một lần nhảy vọt, sau khi nhảy, phát hiện những điều cần uốn nắn kịp thời để tiến lên. Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm việc Trung Quốc chủ trương phát triển nhanh đi đôi với chất lượng cao: Phát triển vững chắc, coi trọng hiệu quả, ổn định và hài hòa giữa các vùng, giữa các lĩnh vực.
Trung Quốc đang cố gắng tìm ra lời giải cho bài toán về các mối quan hệ lớn trong công cuộc hiện đại hóa: Đó là quan hệ giữa cơ chế thị trường và kiểm soát vĩ mô; quan hệ giữa chế độ công hữu với các thành phần kinh tế khác, trong đó bạn kiên trì vị trí chủ thể của nền kinh tế thì trường XHCN; quan hệ giữa Nhà nước, xí nghiệp và cá nhân trong phân phối thu nhập, trong đó bạn chủ trương không để thu nhập có khoảng cách quá lớn, tạo nên hậu quả về nhiều mặt; quan hệ giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được hy sinh văn minh tinh thần để đổi lấy sự phát triển nhất thời về kinh tế.

Một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 10%, có năm lên tới 13%, khó có thể điều hòa ngay được sự phát triển kinh tế với các chính sách xã hội. Tuy nhiên, có thể nói rằng Trung Quốc đang từng bước giải quyết ổn thỏa vấn đề hóc búa này, tuy tập trung cường lực để sản xuất, nhưng người dân bình thường cũng được hưởng những quả ngọt của cải cách.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười, ngày 28/11/1995, tại Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ ngày 26/11-2/12/1995. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Để làm chuyển động cả một cơ thể kinh tế khổng lồ trong tình trạng “ngủ đông” nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã chọn những vùng trọng điểm, hút vào đây những sức mạnh vật chất cần thiết để biến chúng thành những hạt nhân có khả năng “kích nổ” tạo ra một sinh khí mới, kéo theo cả một đoàn tàu lớn.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đặc biệt quan tâm tìm hiểu phương cách phát triển này. Điểm nổi bật trong cải cách kinh tế, tiêu biểu là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn. Trong 14 thành phố mở cửa ven biển, Thượng Hải nổi lên như một sự cải cách hiếm thấy. Nằm bên cửa sông Dương Tử, Thượng Hải là một cửa biển quan trọng nhất của miền Hoa Trung, là trung tâm thương mại quốc tế lớn nhất Trung Quốc. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết Thượng Hải là thành phố ven biển thực hiện cải cách và mở cửa rất muộn, chỉ mới từ năm 1990 tới nay, nhưng lại càng sửng sốt hơn trước tốc độ phát triển khó nơi nào có thể sánh kịp của Thượng Hải.

Phó thị trưởng Triệu tâm sự với Tổng Bí thư Đỗ Mười rằng: “Tổ tiên chúng tôi không phát triển được nửa phía đông là do không xây dựng được chiếc cầu qua sông Hoàng Phố. Có thể nói lên trên thế giới không có con sông nào chảy qua thành phố mà một bên phát triển, một bên lại lạc hậu”. Và thế là, khu mới Phố Đông được xây dựng trước hết bằng việc xây dựng hai chiếc cầu cáp treo hiện đại vào loại bậc nhất thế giới. Chiếc cầu Nam Phố hoàn toàn do người Trung Quốc thiết kế và xây dựng với giá rẻ không ngờ (120 triệu USD). Còn chiếc cầu Đông Phố, tuy ngắn hơn Nam Phố, nhưng cũng dài tới 8km, chỉ xây dựng trong 2 năm 11 tháng. Được biết, để xây một chiếc cầu cáp treo tương tự, Ấn Độ phải mất 8 năm và tốn phí tới hơn 600 triệu USD.

Phố Đông có 3 đặc điểm thu hút được đầu tư nước ngoài: Tốc độ xây dựng nhanh, công nhân lành nghề mà giá lao động lại thấp, giá thuê đất rẻ nhất thế giới (chỉ với 300USD/m trong thời hạn 50-70 năm). Hết thời hạn này, các nhà đầu tư nước ngoài phải trả lại đất cho chính phủ Trung Quốc. Trong lúc đó các tài sản như nhà xưởng, khách sạn trên miếng đất đó đều thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi đây có phải là một điều kiện quá ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài hay không, Phó thị trưởng thành phố cho biết: Người Nhật xây dựng một tòa cao ốc ở đây tiêu tốn hết 850 triệu USD, và phải mất tới 80 năm sau mới thu hồi được hết vốn. Muốn thu hút vốn đầu tư trước hết phải tính đến lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Là một đất nước có tới 800 triệu nông dân, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Trung Quốc không thể tách rời những vấn đề gay gắt ở nông thôn. Đây là vấn đề Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm. Người ta ước tính có khoảng 100 triệu nông dân Trung Quốc bỏ ruộng đồng đổ xô tới các thành phố để kiếm sống, gây ra những vấn đề kinh tế và xã hội hết sức nghiêm trọng. Đây là một mặt trái gay gắt của đô thị hóa.

Để chặn đứng làn sóng nông dân tiến vào thành phố, mà người ta gọi là “nông thôn hóa thành thị”, không còn cách nào khác là phải “đô thị hóa nông thôn”, nghĩa là phải giảm bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, không chỉ về thu nhập mà còn cả về các nhu cầu về nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhu cầu về văn hóa và tinh thần.
Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng nhà báo Hồ Quang Lợi trên chuyên cơ từ Bắc Kinh về Hà Nội, năm 1995.
Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ về “đô thị nông thôn” khi Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm Mã Kiều, cách Thượng Hải 40km, nơi trước đây là một xã sản xuất nông nghiệp, nay đã biến thành một thị trấn mà thu nhập lại chủ yếu dựa vào sản xuất công nghiệp.

Xe chúng tôi tiến vào thị trấn theo một trục đường bê tông nhựa phẳng lỳ, hai chiều với 4 làn xe. Nhìn từ xa, thị trấn Mã Kiều có tầm vóc giống như một thành phố trung bình ở nước ta. Với diện tích 490km2, Mã Kiều có tới 400 doanh nghiệp. Như một phép màu nào đó, tốc độ phát triển nơi đây khó nơi nào có thể sánh kịp. GDP năm 1994 tăng 499% (gấp 6 lần), lợi nhuận tăng 470% (gấp 6 lần) so với năm 1990.

Đồng chí Chủ tịch thị trấn báo cáo với Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Chúng tôi áp dụng chính sách lấy công nghiệp bù cho nông nghiệp để nông dân yên tâm bám đồng ruộng sản xuất. Tư tưởng chỉ đạo của thị trấn chúng tôi là “cùng giàu”. Ở đây không có hộ quá giàu, cũng như hộ quá nghèo. Người già được nuôi nâng tận tình, trẻ em được giáo dục chu đáo, ai có bệnh cũng được chữa.” Thật khó mà tin nổi rằng, tại một thị trấn nông thôn, lại có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư với số vốn 20 triệu USD. Chỉ có một điều khác là các nhà doanh nghiệp nước ngoài đó tự vay vốn của ngân hàng nước ngoài, còn Mã Kiều không hề vay một đồng nào.

Tổng Bí thư Đỗ Mười rất vui khi tới thăm khu trồng rau không đất của Mã Kiều. Trong những nhà kính được thiết kế rất công phu, khung làm bằng hợp kim, mái kính có thể nâng lên hạ xuống theo yêu cầu của cây rau. Tổng Bí thư cúi xuống nhìn thấy những luống rau xanh um, thân rau luồn qua những tấm xốp, rễ rau tỏa ra trong nước để hút thức ăn. Dưới mái kính là một màng lưới bằng chất dẻo để điều chỉnh ánh nắng mặt trời và nhiệt độ trong nhà kính. Tuy phải đầu tư cao, nhưng sản lượng trồng rau không đất cao gấp 6 lần so với trồng rau trên đất, vì rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây, ví dụ cây xà lách chỉ sau 20 ngày là thu hoạch.

Và chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi tới thăm khu nhà ở của nông dân. Đó là những tòa nhà biệt thự 2-3 tầng xinh xắn, được kiến trúc đa dạng, thấp thoáng dưới những vòm cây xanh. Vợ chồng anh Thi Kim Căn, ở thôn Trung, đứng chờ ở cổng, hồ hởi chào đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười vào thăm nhà. Lúc đầu còn rụt rè, nhưng thái độ rất thân mật, cách nói chuyện hóm hỉnh, vui vẻ của đồng chí Đỗ Mười đã làm cho anh Thi Kim Căn tự nhiên hẳn lên. Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười khi có Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tới thăm.

Có một điều rất đáng lưu ý là tại các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, công tác xây dựng Đảng và tổ chức quần chúng vẫn rất được coi trọng. Đồng chí Bỉ Tiêm Sinh, chủ nhiệm khu phát triển kinh tế công nghệ đầu tư tới 6 tỷ USD, báo cáo với đồng chí Đỗ Mười rằng trong số 8 vạn công nhân viên thì có 2.500 đảng viên thuộc 210 cơ sở đảng. Còn tại công ty điện thoại Bell, trong số 1500 công nhân viên thì có 232 đảng viên, 629 đoàn viên cộng sản hoạt động. Ban lãnh đạo công ty đã công khai thông báo điều đó với các nhà tư bản nước ngoài.

Trên chuyến chuyên cơ từ Bắc Kinh về Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười dành thời gian ân cần hỏi thăm các nhà báo. Đó là nhóm phóng viên của 5 cơ quan báo chí Trung ương: báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Tổng Bí thư vui vẻ hỏi chúng tôi: Có vất vả không, các nhà báo? Quả thực, cách đây 23 năm, tháp tùng một chuyến thăm cấp cao với dày đặc các hoạt động, ngày nào cũng phải viết và gửi được bài về toà soạn trong điều kiện thông tin liên lạc chưa thuận tiện như ngày nay thì luôn đòi hỏi một nỗ lực rất cao của các nhà báo.

Như thấu hiểu nguyện vọng của chúng tôi, Tổng Bí thư thân mật chụp ảnh lưu niệm với từng phóng viên ngay trên ghế ngồi của nguyên thủ. Chúng tôi hiểu rằng đó là sự động viên, khích lệ của người đứng đầu Đảng ta đối với đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Đêm đã khuya. Đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Ngồi viết những dòng này, lòng tôi trào dâng cảm xúc thương tiếc bác Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo trọn đời vì nước vì dân, luôn gần gũi với những người làm báo và luôn quan tâm đến sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hà Nội 2/10/2018

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần